Khẳng định đẳng cấp

Chẳng biết từ khi nào nhưng đã rất lâu rồi, nhạc giao hưởng thính phòng được coi là thành quả cao bậc nhất chắt lọc tinh hoa âm nhạc nhân loại và bao hàm những chuẩn mực giá trị thẩm mỹ. Vì thế, chỉ cần nhìn vào sự phát triển của dòng nhạc này mà người ta có thể nhận biết được về mặt bằng dân trí đối với một đất nước.

Dẫu đời sống âm nhạc đại chúng với chủ yếu là ca khúc chiều theo thị hiếu của đại bộ phận công chúng nghe nhạc cả nước thì một số tác phẩm âm nhạc giao hưởng thính phòng đậm chất hàn lâm ở cả mảng khí nhạc và thanh nhạc vẫn có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa của chúng ta. Và vì thế những chương trình hòa nhạc thường xuyên được tổ chức những năm qua là điều hết sức cần thiết.

Thậm chí, đã có những chương trình trở thành “thương hiệu” trong lòng người yêu nhạc Việt, đồng thời tạo nên diện mạo chung cho âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam nói riêng, rộng hơn là cho âm nhạc Việt Nam. Trong đó phải kể tới 3 chương trình hòa nhạc thường niên uy tín bậc nhất hiện nay: Hòa nhạc Hennessy (từ năm 1996), Hòa nhạc Toyota (từ năm 1997) và Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi (từ năm 2010).

{keywords}
Điều còn mãi tôn vinh sự đa dạng trong bức tranh về âm nhạc hàn lâm ở Việt Nam.

Có một điều đáng nói, nếu như Hoà nhạc Hennessy, Hòa nhạc Toyota là những chương trình âm nhạc hàn lâm tôn vinh các tác giả, tác phẩm hàn lâm quốc tế, tôn vinh những nghệ sĩ biểu diễn lừng danh thế giới, cũng có khi trình diễn là những tài năng âm nhạc Việt và dàn nhạc giao hưởng Việt, thì Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi ngay từ khi xuất hiện đã mang trong mình sứ mệnh tôn vinh tác giả, tác phẩm, nghệ sĩ Việt.

Hay nói một cách bao quát hơn là tôn vinh âm nhạc hàn lâm Việt Nam, ngay từ những chương trình đầu tiên, đã lừng lững một bức tranh âm nhạc hàn lâm Việt Nam lộng lẫy với những tác phẩm, tên tuổi lừng danh. Chẳng hạn chương trình năm 2010, khí nhạc có “Bài ca chim ưng” của Đàm Linh, thanh nhạc có “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của Phan Nhân.

Ấy là còn chưa kể “Concerto cho violon & dàn nhạc” (chương II và III) của Đỗ Hồng Quân, “Hoa thơm bướm lượn” của Ngô Hoàng Quân, giao hưởng thơ “Hào khí Thăng Long” của Trần Mạnh Hùng… Còn chương trình năm 2011 có “Trở về đất mẹ” của Nguyễn Văn Thương, “Hát ru” của Hoàng Dương, hợp xướng “Việt Nam muôn năm” của Hoàng Vân…

Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi được cố định thời điểm công diễn vào 2h chiều 2/9 hằng năm bởi đó chính là thời điểm thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất lên câu nói gần gũi và bất hủ: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” tại Quảng trường Ba Đình năm 1945 để đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, cho đất nước Việt Nam. Vì thế, ngay sau chương trình đầu tiên được diễn ra, Điều còn mãi đã  trở thành một hoạt động đáng chú ý trong ngày Tết Độc lập của dân tộc.

Thăng hoa cùng chất liệu dân tộc

Điều còn mãi tôn vinh sự đa dạng trong bức tranh về âm nhạc hàn lâm Việt Nam. Ở đó là những tác phẩm khí nhạc viết cho dàn nhạc hoặc một/một vài nhạc cụ thể hiện. Cũng có khi là những tác phẩm thanh nhạc đề cao tính học thuật. Cũng có khi là những ca khúc nổi tiếng của dòng ca khúc cách mạng, dòng ca khúc trữ tình được “hàn lâm” hóa bằng hình thức trình diễn thính phòng sang trọng mà mang tính nghệ thuật cao.

Chẳng khó khi được thưởng thức những tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng thuộc nhiều thế hệ như Đỗ Nhuận, Doãn Nho, Đỗ Hồng Quân, Trần Mạnh Hùng… ở Điều còn mãi. Cũng chẳng khó khi được thưởng thức những giọng ca hàng đầu của nền nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam các thế hệ như Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ, Nghệ sĩ ưu tú Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh… với những ca khúc bất hủ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Điều còn mãi cũng là nơi hội tụ những nghệ sĩ nhạc nhẹ hàng đầu của đất nước được công chúng yêu mến tôn vinh diva, divo như Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương… Phần trình diễn của họ cũng đã góp phêm những sắc thái riêng làm cho bức tranh âm nhạc Việt Nam thêm phần quyến rũ, khán giả của dòng âm nhạc giao hưởng thính phòng có thêm những trải nghiệm độc đáo mà trong đời sống âm nhạc hiện nay họ ít có cơ hội được thưởng thức.

{keywords}
Ca sĩ Tùng Dương tham gia Điều còn mãi 2019.

Đáng chú ý ở năm 2019 vừa qua, bước sang năm thứ 10, Điều còn mãi với chủ đề “Bay lên Việt Nam” đã có sự thay đổi về “chất” khi một lần nữa “chất liệu Việt” không chỉ còn là vị trí được ưu tiên như những lần hòa nhạc trước đó mà đã là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Cũng vì thế khán giả được đắm mình vào một buổi hòa nhạc ngập tràn màu sắc Việt Nam trong ngôn ngữ và phương thức trình diễn của âm nhạc giao hưởng thính phòng.

Khán giả bắt gặp một “Lý ngựa ô” quen thuộc của dân ca Việt Nam trong tác phẩm được viết ở thể loại biến tấu của âm nhạc giao hưởng thính phòng của tác giả Đỗ Kiên Cường; cảm nhận được một bức tranh đậm màu sắc dân gian ở trong “Rhapsody Việt Nam” viết cho dàn nhạc giao hưởng của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; hay một tinh thần, một tình cảm đặc trưng của người Việt trong tác phẩm “Bài ca thủy chung” viết cho đàn violon độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng của cố nhạc sĩ Hoàng Dương.

Có một chi tiết nữa cũng cần được nhắc đến từ 3 tác phẩm được lựa chọn công diễn trong cùng một chương trình hòa nhạc Điều còn mãi, đó là mặc dù cùng thể loại nhạc giao hưởng thính phòng, cùng là tác giả Việt Nam và khai thác chất liệu âm nhạc Việt Nam vào trong tác phẩm, nhưng 3 tác giả của 3 tác phẩm này lại thuộc 3 thế hệ nhạc sĩ Việt Nam. Điều này thể hiện sự kế thừa và tiếp nối giữa các thế hệ của âm nhạc Việt.

Bên cạnh đó, với những tác phẩm thanh nhạc, ngoài những ca khúc đã quen thuộc với công chúng nhiều năm qua như “Sông Lô chiều cuối năm” (Minh Quang), “Bông hồng trên điểm tựa” (Hồ Bắc) thì hòa nhạc Điều còn mãi 2019 còn giới thiệu những ca khúc mới đậm sắc màu dân gian nhưng lại rất phù hợp khi “thính phòng hóa”, “hàn lâm hóa” thành những romance cho thanh nhạc với dàn nhạc giao hưởng như “Nhà em ở lưng đồi” (Đức Trịnh), hay “Thăm thẳm mắt Ban Mê” (nhạc Bùi Anh Tấn, thơ Bùi Công Thể)…

Yếu tố hội tụ tinh hoa âm nhạc Việt còn được thể hiện từ chi tiết trong những lần tổ chức của mình, Điều còn mãi đã quy tụ rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam tài năng ở trong nước cũng như khắp nơi trên toàn thế giới tham dự. Lần thứ 10 vừa qua, công chúng tiếp tục chào đón sự trở lại của các nghệ sĩ danh tiếng cùng các gương mặt trẻ triển vọng như nhạc trưởng Lê Phi Phi (Macedonia), nghệ sĩ violon Bùi Công Duy, các ca sĩ như Nghệ sĩ ưu tú Đăng Dương, Trọng Tấn, Lê Anh Dũng, Đào Tố Loan, Khánh Ngọc, Dương Hoàng Yến… Đặc biệt, Tùng Dương kết hợp với dàn nhạc giao hưởng đã thể hiện một ca khúc rock Việt quen thuộc là “Tâm hồn của đá” (Trần Lập), tạo một không gian âm nhạc “độc và lạ”, đem đến cho khán giả những giây phút trải nghiệm đầy thú vị.

Có thể nói, tôn vinh âm nhạc Việt Nam là sứ mệnh cao cả nhất của Điều còn mãi. Ngay từ khi ra đời, Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi đã luôn hoàn thành sứ mệnh riêng của mình, đồng thời là cầu nối đưa khán giả đến với âm nhạc giao hưởng thính phòng giúp cho dòng âm nhạc mang tính hàn lâm trở nên gần hơn với công chúng trong nước. Nơi đây cũng góp phần tôn vinh những tài năng âm nhạc, những tác phẩm có giá trị của nền âm nhạc Việt Nam.

Nguyễn Quang Long              

(Nhà lý luận âm nhạc)

Điều Còn Mãi 2019 dẫn dụ bằng bức tranh âm nhạc đa dạng

Điều Còn Mãi 2019 dẫn dụ bằng bức tranh âm nhạc đa dạng

10 năm “Điều Còn Mãi” đã hiện hữu cùng ngày trọng đại của dân tộc. Chừng ấy thời gian cũng đã đủ để chương trình trở thành một hoạt động văn hóa thường niên có ý nghĩa ở Hà Nội nhằm ngày 2/9 được khán giả cả nước quan tâm.