Bị mắng mỏ thậm tệ, giễu cợt 'muốn làm người hùng'

- Điều gì khiến Thái Thùy Linh rủ đồng đội vào tận Sài Gòn hoạt động thiện nguyện?

Hơn 2 tuần trước, tôi đăng dòng trạng thái "Hãy trưng dụng tôi", tức hội đoàn tổ chức nào trong TP.HCM cần sức người giúp bà con hãy trưng dụng tôi vào làm việc miễn phí nhưng đợi mãi chẳng ai trưng dụng cả! (cười lớn) Thế là tôi tự xây dựng kế hoạch vào Sài Gòn làm chiến dịch.

Khi ấy, mọi người đều can ngăn, không một ai ủng hộ, thậm chí mắng mỏ. Tôi biết mọi người nghĩ cho mình hoặc đặt câu hỏi liệu sức vóc nhỏ bé của Thái Thùy Linh làm được gì khi Sài Gòn đất rộng người đông đang trong cảnh nước sôi lửa bỏng? Có người còn giễu cợt, nghi ngờ, cho rằng tôi muốn thể hiện, làm người hùng... Nhưng tôi không quyết định tùy hứng mà đã lên phương án kỹ lưỡng để giúp bà con mà vẫn tự bảo vệ mình. Tôi đã vào Sài Gòn như thế với 2 vali đồ bảo hộ.

Tôi tin rằng phải vào Sài Gòn mới tìm được cách giúp đỡ thực tế sát sao nhất. Khi Sài Gòn chạm mốc 2.000 ca dương tính, tôi đã bay vào ngay, không thể chần chừ thêm nữa. Tôi đi dù chưa biết ngày về, chấp nhận nguy cơ bị lây nhiễm cao và việc xa con, xa gia đình rất lâu. Bao nhiêu y bác sĩ lên đường ngoài kia còn chịu rủi ro nhiều hơn tôi.

{keywords}
Thái Thùy Linh mong muốn được góp sức.

- Chị kết nối với chính quyền thành phố thế nào?

Tôi vừa nhận lời mời từ Thành đoàn TP.HCM. Chúng tôi sẽ trao đổi thêm về việc áp dụng mô hình của chiến dịch này rộng rãi và hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Đây cũng là nguyện vọng của tôi ngay từ đầu.

Có lẽ, những khẩu hiệu "Cả nước chung tay chống dịch" hơn lúc nào hết phải hiện thực hóa ngay bây giờ. Các cán bộ, công chức, viên chức đến các Đoàn viên ở TP.HCM đã triệt để tham gia chống dịch, làm việc trong chuyên môn đến ngoài chuyên môn nhưng cuộc chiến vẫn còn rất dài.

Vì vậy, tôi tha thiết mong thành phố nhận sự góp sức từ lực lượng TNV. Tôi với hơn 10 năm hoạt động thiện nguyện chuyên nghiệp, sẵn sàng đứng ra kêu gọi, tuyển dụng và huấn luyện TNV sát cánh cùng chính quyền.

- Việc hạn chế ra đường từ sau 18h có ảnh hưởng hoạt động thiện nguyện của chị?

Như bạn nói, khi có chỉ thị người dân không ra đường sau 18h, hoạt động của chúng tôi gặp khó khăn và bị hạn chế. Các đội nhóm TNV đi lại qua nhiều chốt, nếu không có giấy tờ chứng minh tính cấp thiết sẽ bị giữ phương tiện. Các chuyến xe chở hàng hóa, nông sản từ miền Bắc vào Sài Gòn cũng bị chậm trễ.

{keywords}
 

Tiếng gọi với 'Em cảm ơn, cảm ơn các chị!'

- Câu chuyện nào khiến chị cảm động?

Tôi chủ yếu lo việc chỉ huy, các bạn TNV lo việc giao-nhận và báo lại chúng tôi. Hoàn cảnh ngặt nghèo của người dân hiện tại không phải chỉ bằng 1-2 lời nói mà kể hết được. Rất nhiều gia đình chúng tôi liên hệ thậm chí không còn gas để nấu hoặc chia số gạo ít ỏi còn lại ra nhiều phần để nấu cháo ăn cầm hơi qua ngày.

Có một trường hợp kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp. Khi TNV của chúng tôi đến trao quà, người đàn ông ấy chưa kịp bước chân qua hàng rào chắn đã ngã ra đất ngất đi. Anh ấy cũng được đưa lên cơ quan y tế phường làm xét nghiệm Covid-19, kết quả âm tính.

Tôi cũng ấn tượng một người phụ nữ gọi xin sữa cho con. 2/3 dân cư trong hẻm nhà chị ấy là F0, F1. TNV của tôi sau khi trao quà phải đi ngay vì còn nhiều đơn khác đang đợi, chị ấy bật khóc nói với theo: Em cảm ơn, cảm ơn các chị!

Phần lớn TNV của chúng tôi đều nhận lời cảm ơn hoặc cuộc gọi như vậy mỗi khi trao quà. Câu cảm ơn rất đỗi bình thường, không dông dài, hoa mỹ nhưng chúng tôi đều cảm nhận bà con đã đặt hết tình cảm vào mấy chữ ấy. Có thể trong đời thường, lời cảm ơn chỉ mang tính chất xã giao nhưng những câu cảm ơn giản đơn khi trao quà khiến các bạn TNV nghẹn lại xúc động.

- Gia đình nói gì việc chị bay vào Sài Gòn làm thiện nguyện như vậy?

Tôi vào đến nơi thì mẹ mới biết chuyện. Tôi và mọi người thống nhất giấu bà. Trước khi đi, tôi dặn dò một lượt với bố, với con và các chị gái. Mọi người biết tính tôi cẩn trọng và quyết đoán nên không lo nhiều.

Những ngày đầu tiên ở Sài Gòn, tôi chẳng còn thời giờ nhớ nhà đâu. Trước đó khi ở Hà Nội, tôi đã rời phố về vườn sống quen với vườn tược, với chó mèo, lợn gà - một cuộc sống khác hẳn. Khi vào Sài Gòn, tôi như tự ném mình vào một cái vòi rồng khổng lồ vậy. Tôi lao ra làm việc, mọi thứ cứ cuốn đi nên không thấy nhớ nhà. Đến ngày thứ 4 - khi đã chuẩn bị mọi thứ tạm ổn, tôi mới gọi về hỏi thăm con.

- Các cháu thường gọi điện thoại để nói gì với mẹ Linh?

Nhà tôi không có kiểu quá mè nheo, bịn rịn. Tôi dạy các con độc lập từ bé. Tôi đã làm hơn 300 chương trình thiện nguyện từ khi cháu đầu lên 2 tuổi đến nay (hiện tại bé 12 tuổi - PV) nên các cháu quen rồi. Nhiều chuyến đi đảo, đi núi rất xa, tôi đi biền biệt cả tuần mới về. Nếu cứ nhớ mẹ là gọi, đôi bên đều sẽ rất bịn rịn, không ai làm được việc gì.

Những cuộc gọi có thể phá giấc ngủ ngắn để hồi phục của tôi hoặc chen ngang khi tôi đang hát, phát quà, làm chương trình, gặp gỡ các lãnh đạo, thầy cô,... Thú thật, sức khỏe tôi không tốt lắm đâu. Tôi bị rối loạn tiền đình, nếu phải nghe điện thoại khi đang ngồi xe trên đường đèo có thể lên cơn chóng mặt.

Vậy nên trừ khi nhà có việc gấp hoặc các con quá nhớ mẹ, gia đình sẽ không gọi cho tôi. Và tôi thường chủ động gọi các con sau khi ngơi việc. Những ngày qua, cuộc sống ở nhà tôi vẫn diễn ra bình thường. Người lớn sẽ chụp ảnh các cháu gửi cho tôi.

Tôi gọi cho 2 bé để trêu nhau nhí nhố, lầy lội là chính, có thể nói nhớ nhau một tý. Tôi không để cuộc trò chuyện sa vào câu hỏi: Có nhớ mẹ không? Bao giờ mẹ về?... Vì thế, hầu hết cuộc gọi của mẹ con tôi đều rất vui vẻ, không sướt mướt đâu. Điều đó khiến tôi yên lòng làm việc của mình.

Gia Bảo

Thái Thuỳ Linh: Tôi thấy đàn ông phiền lắm, dễ làm mình mất vui

Thái Thuỳ Linh: Tôi thấy đàn ông phiền lắm, dễ làm mình mất vui

"Khi yêu mà không buồn, không lúc nào khóc thì cũng khó có thể vui; tôi thấy đàn ông phiền lắm, dễ làm mình buồn và mất vui", nữ ca sĩ Thái Thùy Linh chia sẻ.