Nhân sự việc ồn ào của ca sĩ Duy Mạnh, VietNamNet đã có trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xung quanh vấn đề ứng xử và trách nhiệm của nghệ sĩ trên mạng xã hội.

{keywords}
PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Nghệ sĩ tự do sáng tạo nhưng không được vượt qua đạo đức luân lý

- Gần đây, một bộ phận nhỏ nghệ sĩ chia sẻ những thông tin không chính xác và có những phát ngôn không đúng thuần phong mỹ tục, trường hợp ca sĩ Duy Mạnh là một ví dụ. Theo ông, nghệ sĩ cần quan tâm hơn tới trách nhiệm xã hội của mình?

Văn nghệ sĩ đóng vai trò của những người chiến sĩ trong cuộc chiến chống Covid-19. Những ca khúc, bài thơ, bức tranh, bộ phim... đã truyền cảm hứng về lòng tốt, niềm tự hào, từ đó có tác dụng tinh thần rất lớn để chúng ta vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này.

Tuy nhiên, không phải lúc nào, ở đâu, các văn nghệ sĩ cũng làm tốt vai trò của mình. Cũng có những tiếng nói lạc lõng của những nghệ sĩ chưa thực sự đồng hành cùng dân tộc. Những phát ngôn gây sốc, không cẩn trọng, gây chia rẽ, tạo xung đột trên mạng xã hội của một số ca sĩ gần đây khiến cho hình ảnh người nghệ sĩ bị ảnh hưởng.

Văn nghệ sĩ cần có sự tự do để sáng tác nhưng cần có biên độ nhất định. Không có tự do nào vượt lên trên những giá trị đạo đức, luân lý và lợi ích chung của dân tộc, vì thế, thiện và mỹ luôn gắn bó biện chứng với nhau. Bởi thế tôi luôn cho rằng, các nghệ sĩ cần ý thức trách nhiệm xã hội của mình thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, sau đó là những hành xử trong cuộc sống.

{keywords}
Ca sĩ Duy Mạnh.

- Khi bị chỉ trích nhiều nghệ sĩ biện minh họ viết lên trang cá nhân - ''nhà riêng'' muốn nói gì, viết gì là quyền của họ, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nhiều người vẫn cho rằng, mạng xã hội là riêng tư, thể hiện những gì mình có, nói và chia sẻ những gì mình thích. Có những việc, nếu đặt ở bối cảnh khác, mang tính công cộng nhiều hơn, họ sẽ không làm thế, nhưng trên mạng xã hội họ quan niệm có quyền đối với phát ngôn và hành vi của mình trên không gian riêng tư đó.

Tuy nhiên, đã là mạng xã hội thì tính xã hội đã thể hiện trên chính phương tiện này, nghĩa là, những gì chúng ta nói, chia sẻ ở đây không còn là riêng tư nữa mà mang tính mở cho xã hội, liên quan đến những người khác nhau.

Vì thế, chúng ta phát ngôn trên mạng xã hội dù từ tài khoản cá nhân nhưng nhiều người biết tới cũng không khác gì phát ngôn ở không gian công cộng. Chính vì vậy, thận trọng trong cách nói, hành vi ứng xử trên mạng xã hội cũng cần phải được thực hiện giống như trong không gian công cộng ngoài đời thực.

Ngôn từ có quyền lực riêng của nó và thể hiện văn hoá của một người. Lời nói không nằm ngoài chúng ta mà nó thể hiện trình độ nhận thức, tính cách, lối sống, giá trị của chính chúng ta. Do đó, ngôn từ ở đâu, kể cả trên mạng xã hội, cũng cần phải cân nhắc trước khi viết ra, bình luận, chia sẻ, trả lời ý kiến một ai đó.

Văn nghệ sĩ phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình qua việc đồng hành cùng dân tộc, trên cả lời nói lẫn việc làm, để cái tốt, cái đẹp được nhân lên; cái ác, cái xấu bị đẩy lùi. Một việc lớn bắt đầu từ một việc nhỏ. Khi văn nghệ sĩ ý thức về việc làm gương, không những hình ảnh của họ sẽ đẹp hơn mà họ còn giúp khẳng định một chân lý “văn hoá soi đường quốc dân đi!”.

Nên có bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng

- Nếu là người hâm mộ giọng hát Duy Mạnh, khi bắt gặp những phát ngôn tục tĩu, lệch lạc về chủ quyền, biển đảo của nam ca sĩ, liệu ông có còn yêu mến Duy Mạnh?

Chúng ta biết rằng, mỗi cá nhân có quyền nêu ý kiến riêng và về mặt nguyên tắc, chúng ta hoàn toàn tôn trọng những phát ngôn đó. Tuy nhiên, đối với những nhân vật có sức hút nhất định lời nói và hành động nhiều khi có tác động rất lớn đối với những người xung quanh.

Chính vì thế, cẩn trọng trong lời nói và hành vi là cách mà các nghệ sĩ thể hiện sự tôn trọng đối với khán giả và với chính hình ảnh của mình. Nếu người nghệ sĩ không đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi, chuẩn mực, hình ảnh của họ bị ảnh hưởng tiêu cực. Không chỉ tôi mà các khán giả sẽ có suy nghĩ người nghệ sĩ như vậy không còn là tấm gương tốt mọi người noi theo, không lấy hình ảnh đó để giáo dục con cái.

- Theo ông, cần phải có bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng đối với nghệ sĩ không vì nghệ sĩ thuộc các đơn vị quản lý dễ có chế tài, còn nghệ sĩ tự do khó hơn?

Tôi rất ủng hộ nên có bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chúng ta sống trong một xã hội tôn trọng pháp luật, chính vì thế, đưa những nguyên tắc của luật pháp vào tất cả các môi trường xã hội, kể cả trên mạng xã hội là điều cần thiết.

Chúng ta đã hình thành một số bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đối với một số nhóm nghề nghiệp tuy nhiên, ngoài việc làm gương, làm mẫu cũng cần có những quy định chung để hướng dẫn hành vi cho người sử dụng. Bằng cách đó, chúng ta mới có thể làm trong sạch hơn ứng xử trên mạng xã hội.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Phát ngôn kiểu Duy Mạnh thể hiện một tâm hồn rỗng!'

- Nghệ sĩ lâu nay được hiểu là chủ thể truyền bá văn hóa vì thế bất kỳ hành động, lời nói của họ sẽ ảnh hưởng tới công chúng. Nhưng hiện nay có một bộ phận giới trẻ luôn thích "uống từng lời" của nghệ sĩ dẫn tới thực trạng chính chủ thể văn hóa đôi khi hành xử thiếu văn hóa. Ông nói sao về hiện tượng này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mỗi nghệ sĩ đều có một lượng công chúng. Và nghệ sĩ đó dù thế nào cũng có ảnh hưởng đến lượng công chúng đó. Thế nhưng, có một số nghệ sĩ đang sống trong vô định và quanh họ là một bộ phận những người trẻ cũng sống trong vô định. Họ không tìm thấy ý nghĩa đích thực trong cuộc sống. Họ không có khả năng rung động, chia sẻ, cảm thông với bất kỳ ai kể cả các thành viên trong chính gia đình. Họ chỉ biết sống để phục vụ thân xác. Bởi thế một trào lưu sống suy đồi sẽ trở thành ''bả độc''’ cho họ lao vào để thỏa mãn. Hiện tượng này không có gì xa lạ. Dư luận từng lên tiếng phê phán và cảnh báo về vấn đề này.

{keywords}
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

- Dịp Covid-19, nhiều nghệ sĩ nêu cao tinh thần cộng đồng được công chúng khen ngợi. Nhưng vẫn còn người hoạt động nghệ thuật phát ngôn khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ như trường hợp của Duy Mạnh. Có ý kiến cho rằng ca sĩ coi thường công chúng đến vậy thì vì sao anh ta lại theo đuổi nghệ thuật?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi không bao giờ cho rằng những gì ca sĩ này làm lại được gọi là ca sĩ hay nghệ sĩ hay nghệ thuật. Bởi anh ta đã đánh mất toàn bộ những phẩm chất trước hết là của một con người và sau đó là những phẩm chất một nghệ sĩ.

Nghệ thuật là chứa đựng những vẻ đẹp nhân tính của con người và nghệ sĩ là người truyền bá những vẻ đẹp ấy tới cộng đồng. Cái anh ta đang theo đuổi có phải là nghệ thuật đúng nghĩa không? Không, vì nó không hề chứa đựng nhân tính. Anh ta có những khả năng cơ học nhất định còn tâm hồn là sự trống rỗng và vô cảm. Những người như vậy ngoài chút năng khiếu bẩm sinh đã không được giáo dục nhân văn và từng bước chìm vào cái vực của sự suy đồi. Anh ta vẫn đang làm những gì được gọi là nghệ thuật bởi anh ta có một lượng những người trẻ cũng mang một tâm hồn trống rỗng.

- Theo ông, với những trường hợp cố tình gây chú ý bởi những phát ngôn gây sốc, cần có biện pháp hay cách thức gì để xử lý?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có rất nhiều việc chúng ta phải làm để ngăn cản những hành vi đang tác động xấu đến xã hội. Trước hết, chúng ta phải lên tiếng mạnh mẽ và rõ ràng về những hành vi phi văn hóa và phi nhân tính ấy. Sau đó, cơ quan quản lý phải có chế tài đối với những cá nhân có những hành vi ấy. Nếu chúng ta không kiên quyết, mọi chuyện như vậy sẽ chẳng bao giờ giảm đi hay chấm dứt.

Nhưng điều tôi sợ hãi hơn cả là có không ít những người trẻ không có khát vọng làm người. Họ ném cuộc đời họ vào vô định. Lỗi đó thuộc về những người lớn. Nếu chúng ta không có một xã hội ngập tràn nhân văn, chúng ta sẽ có những con người vô cảm và độc ác. Và những kẻ mang danh nghệ sĩ như vậy cứ tiếp tục sinh ra.

Tình Lê 

Cần làm rõ phát ngôn thách thức của ca sĩ Duy Mạnh

Cần làm rõ phát ngôn thách thức của ca sĩ Duy Mạnh

Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM mời tài khoản Nguyen Duy Manh lên để làm việc.