- "Phải đến 1/3 số cảnh tôi chỉ đạo quay từng câu thoại một, tôi yêu cầu các diễn viên của tôi không chỉ thuộc thoại mà còn phải hiểu mình muốn gì", đạo diễn Nguyễn Dương cho biết.

Sau gần 5 tháng vất vả trên trường quay, bộ phim truyền hình 38 tập "Bí mật tam giác vàng" đang có được phần thưởng xứng đáng. Rất nhiều lời khen ngợi và bàn luận của cư dân mạng dành cho bộ phim vì "lâu lắm mới thấy một phim hình sự Việt cuốn hút như vậy". Đứng sau thành công này là đạo diễn Nguyễn Dương, người đang ngồi sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn của VietNamNet. Cuộc hẹn diễn ra ở một quán nước lớn nhìn ra đường Phan Xích Long, quận Bình Thạnh, TP.HCM, sau khi anh vừa ghé bệnh viện "nắn lại gân cốt" vì một dây thần kinh chèn vào đốt sống.

{keywords}
Đạo diễn Nguyễn Dương (bìa phải) trên trường quay "Bí mật tam giác vàng"

Trông anh cao lớn, bụi bặm và phớt đời trong chiếc áo sơ mi nhàu nhĩ, quần jean và dép lê, hình thức tương phản với giọng nói luôn nhỏ nhẹ vừa phải, của một người biết giữ phép lịch sự nơi công cộng. Đến mức, thật khó hình dung anh chính là anh chàng đẹp trai tỏa sáng trên sân khấu kịch TP.HCM bên cạnh người bạn đời là nữ diễn viên Thu Tuyết, cách nay gần 30 năm. Chuyện bẵng đi một thời gian cho đến ngày anh bỏ cuộc sống ổn định ở Mỹ, về VN làm....đạo diễn truyền hình cách nay hơn 5 năm. Một loạt phim khá nổi tiếng: "Ngõ vắng", "Cổng mặt trời", "Khát vọng thượng lưu", "30 ngày làm cha"...ra đời dưới "bàn tay ngang" của một diễn viên, nhưng thật ra đó là công việc anh mơ ước từ những ngày còn đi học ở trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM. Và hôm nay là "Bí mật tam giác vàng".

"Bí mật..." đến khi tôi tưởng mình đã chết

Đó là câu trả lời của anh khi được hỏi về cơ duyên đến với kịch bản "Bí mật tam giác vàng" của tác giả Nguyễn Như Phong, một biên kịch khó tính, không cho phép ai sửa kịch bản mà không có ý kiến của ông. Hình ảnh hoàn toàn không ẩn dụ. "Khi nhận lời làm đạo diễn phim này, tôi đang làm một phim khác, bất ngờ phải nhập viện vì bạo bệnh. Bác sĩ nói tôi còn sống là một kỳ tích", anh nhớ lại. Nhưng máu nghề đã nổi lên khi trên tay anh là một kịch bản đầy thách thức về cuộc chiến chống buôn lậu ma túy ở khu vực biên giới Việt - Lào - Thái Lan và Myanmar, dựa trên những vụ án nổi tiếng có thật như vụ Nguyễn Xuân Trường. Anh kể: "Khi ra trường quay, tôi luôn cảm thấy mình là người khỏe nhất, khi về đến khách sạn nằm nghỉ mới thật sự kiệt sức".

{keywords}
Một pha hành động trên phim.

Cái giá của cú gật đầu khi anh đồng ý làm "Bí mật tam giác vàng" (trước đó đã qua tay vài đạo diễn) là đối diện với ba áp lực: Một phim chính luận hoàn toàn nghiêm túc cần phải được thể hiện hấp dẫn. Phim nhận được đầu tư quá lớn(gần 500 triệu đồng/ tập). Và cuối cùng, phim chắc chắn sẽ bị săm soi rất nhiều từ phía nhà sản xuất, truyền thông, nhà đài và khán giả. Tất cả những gì anh có trong tay là một đoàn phim trên 50 người và sự hỗ trợ của hãng sản xuất Lasta trong điều kiện quay ở vùng biên giới, nước ngoài.

"Tất cả mọi thứ đều là khó khăn nhất", anh nhớ lại khoảng thời gian đứng sau monitor ở trường quay để làm "khán giả khó tính nhất" trước khi đưa bộ phim ra đại chúng. Mà một trong những khó khăn không kể hết là việc di chuyển giữa các bối cảnh cách xa nhau vài trăm km, khiến thời gian và công sức dành cho di chuyển còn hao tổn hơn cả trên hiện trường quay. Tổng kết hành trình không dưới 10 ngàn km, có những chặng khiến đoàn phim...phát nản, chẳng hạn như lúc di chuyển từ Điện Biên qua cửa khẩu Tây Trang để Bắc Lào nhưng bị ngăn lại ở một bến phà của Lào, nơi phà vừa bị lũ cuốn trôi cùng vài chiếc xe còn nằm trên. Cực chẳng đã phải vòng lại Hà Nội, vào Hà Tĩnh để qua Nam Lào bằng cửa khẩu Cầu Treo, rồi vòng về Bắc Lào.

Khi Văn Tùng phải "xì" ra vẻ ác

{keywords}
Văn Tùng (áo vàng), vai trùm ma túy "Lão Phật gia" trong "Bí mật tam giác vàng".

Một thách thức khác cho đạo diễn khi làm "Bí mật tam giác vàng" là phải xây dựng được hình tượng nhân vật Chiến, người từng đi bộ đội, được dân Lào giúp đỡ, lập nghiệp ở Lào và sau trở thành trùm buôn ma túy núp bóng một doanh nhân - một nhà làm từ thiện có biệt danh "Lão Phật gia". Khi được hỏi vì sao anh lại gây khó cho mình khi chọn Văn Tùng (Tùng Yuki), một nam diễn viên trung niên kiêm nghề vệ sĩ, vốn có gương mặt điển trai và hiền lành. "Dễ dàng cho tôi khi chọn một diễn viên nhìn vô là biết...ác. Nhưng tôi thích tự làm khổ lấy mình. Trong kịch bản chỉ ghi đó là một tên trùm ma túy, nhưng cái biệt danh khiến tôi nghĩ hắn phải có bề ngoài thích hợp", Nguyễn Dương nói.

Quả thật những điều khác biệt luôn nhọc nhằn. Xuất thân là diễn viên, lại tự tin với khả năng biết làm cho diễn viên biết thể hiện thế nào là tốt nhất khi vai diễn làm họ thích thú, nhưng với trường hợp của Văn Tùng, đạo diễn phải thừa nhận: "Lâu lâu tôi mới làm anh ấy "xì" ra được vẻ ác". Nhưng kết quả thật xứng đáng, đây là một trong những vai diễn để lại ấn tượng nhất trên phim.

{keywords}
Hồng Nhung vai trùm ma túy Nathavon trong phim.

Một vai diễn khác được dư luận chú ý là trùm ma túy Thái Lan Nathavon do diễn viên trẻ Hồng Nhung thể hiện. Đạo diễn Nguyễn Dương tiết lộ anh lựa chọn Nhung cho vai này vì cô ấy có khả năng võ thuật, còn lại kinh nghiệm của anh sẽ giúp Nhung hiểu và thể hiện đúng tâm lý nhân vật.

Khác với nhiều phim truyền hình được làm rất qua loa, trường quay có người nhắc thoại cho diễn viên, Nguyễn Dương cho biết anh buộc phải thuộc thoại. Hơn nữa, lời thoại của bộ phim rất khó, vì từ ngữ giăng bẫy về nội dung rất nhiều. "Phải đến 1/3 số cảnh tôi chỉ đạo quay từng câu thoại một, tôi yêu cầu các diễn viên của tôi không chỉ thuộc thoại mà còn phải hiểu mình muốn gì", anh nói.

Những câu chuyện trên nghe thật ngạc nhiên giữa thời phim truyền hình Việt bị kêu ca vì cách làm cẩu thả, luộm thuộm và dễ dãi, ai cũng muốn phim được quay trong thời gian ngắn nhất và bối cảnh ít nhất để tiết kiệm chi phí.

Minh Chánh