Nằm trong dự án đem lại sức sống mới cho những tác phẩm kinh điển, đầu năm 2016, độc giả Việt Nam lại đón thêm bốn tác phẩm nữa trở lại với một diện mạo mới, thu hút và bắt mắt hơn cùng với nội dung được biên tập kĩ càng.


1. Thép đã tôi thế đấy - Nikolai A. Ostrovsky

{keywords}

Nhắc đến “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A. Ostrovsky là nhắc đến cuốn tiểu thuyết như sách gối đầu giường của bao thế hệ thanh niên Việt Nam.

Cuốn tiểu thuyết về cuộc đời của chàng trai Pavel Korchagin kể từ khi còn là một cậu bé cho đến khi bị bại liệt, vôi hóa cột sống và phải ngồi xe lăn nhưng chưa bao giờ khuất phục trước khó khăn đã làm say lòng bao thế hệ vì lý tưởng sống cao đẹp: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí”.

Tiểu thuyết của nhà văn người Nga Nikolai A. Ostrovsky không phải bản anh hùng ca về lý tưởng sống do nhìn đời mà viết, tác giả đã sống nó rồi mới viết nó (Thép Mới). Là một chiến sĩ cách mạng tháng Mười, cả đời ông đã kiên cường chiến đấu với cái ác, sự bất công và còn kiên cường vượt qua nỗi đau đớn về thể xác cho đến tận khi cuối đời để viết “Thép đã tôi thế đấy”. Ông đã viết thiên tiểu thuyết về lý tưởng sống cao đẹp khi bệnh viêm đa khớp, mù lòa và bại liệt đang hành hạ từng phút, từng giờ.

Và quả thực, vượt lên mọi đau đớn vì bệnh tật, vượt lên mọi giới hạn về thời gian ít ỏi còn lại của sự sống, ông đã để lại cho văn học Nga nói riêng, văn học thế giới hiện đại nói chung “Thép đã tôi thế đấy” - một kiệt tác về niềm lạc quan, về nghị lực sống, thúc giục người ta chiến đấu, lao động để có một cuộc đời thực là “sống” chứ không chỉ “tồn tại”.

2. Nhà thờ Đức bà Paris – Victor Hugo

{keywords}

Victor Hugo (1802-1885) là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng của nước Pháp và của cả thế giới. Ông bắt đầu cuộc đời cầm bút của mình khá sớm. Năm 15 tuổi ông đã giành được giải thưởng thơ Bông huệ vàng do Viện Hàn lâm Pháp tổ chức. Ngay cả lúc vào tuổi 70, ông vẫn hăng say sáng tác. Năm 83 tuổi, khi từ giã cõi đời, Victor Hugo đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng về thơ, kịch và tiểu thuyết.

“Thằng gù nhà thờ Đức bà” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn của Victor Hugo. Cũng nhờ thành công của tác phẩm mà ông được biết đến như một nhà văn nhân đạo, lãng mạn bậc nhất của nước Pháp. Bằng cốt truyện khá bi thảm, nặng nề, các tình tiết xếp đặt khéo léo, mang kịch tính và hình ảnh tô đậm, phóng đại, lẫn lộn thực hư, kết hợp với bút pháp miêu tả thật rực rỡ, kỳ thú, Victor Hugo đã vẽ nên một bức tranh thu nhỏ về xã hội Pháp thế kỷ XV.

Nói về cuốn sách này, Nhà sử học Jules Michelet đã từng nói “Cạnh ngôi nhà thờ lớn cổ kính, Victor Hugo xây dựng một tòa nhà thờ lớn khác bằng thi ca, cũng vững chắc như nền móng, cũng ngất cao như dãy tháp của tòa nhà thờ nọ.”

3. Những tấm lòng cao cả - Edmondo De Amicis

{keywords}

Edmondo De Amicis là một nhà văn, nhà báo và nhà thơ nổi tiếng người Ý. Ông dành cả cuộc đời để cần mẫn truy tìm vẻ đẹp của thế giới tâm hồn và lan tỏa sự “cao cả” của những “tấm lòng” đến cuộc sống bằng ngòi bút và năng khiếu văn chương. Trong hơn bốn mươi năm cầm bút của mình, Edmondo De Amicis đã để lại không ít tác phẩm thành công, nhưng giá trị hơn cả, khiến tên tuổi của nhà văn người Ý - De Amicis vang dội trên thế giới phải kể đến tiểu thuyết “Cuore” – được biết đến với tên gọi “Những tấm lòng cao cả” ở Việt Nam.

Được sáng tác vào đầu những năm 80 của thế kỷ XIX, cho đến nay đã hơn 200 năm trôi qua, “Những tấm lòng cao cả” vẫn giữ nguyên giá trị và thể hiện sức sống bất diệt của một tác phẩm văn học kinh điển. Tiểu thuyết là những trang nhật ký ghi chép lại cuộc sống hằng ngày của cậu bé Enrico Bottini. Đó là những cảm tưởng, suy nghĩ của Enrico về cô giáo, thầy giáo, các bạn học của cậu, cùng bố mẹ các bạn – với mỗi người một vẻ, một đặc điểm nhất định về thể chất hay tinh thần. Tính cách các nhân vật trong tiểu thuyết đã được Edmondo De Amicis cách điệu hóa để tiêu biểu cho một nết tốt hay một tính xấu, hay chỉ là một thói quen, để thông qua đó tuyên ngôn với thế giới những suy nghĩ của ông về “đức dục ở nhà trường và gia đình”.

Đọc “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn người Ý - Edmondo De Amicis, chúng ta sẽ thấy thấm thía hơn câu nói nổi tiếng của Andersen “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”.

4. “Tiếng gọi của hoang dã” – Jack London

{keywords}

“Tiếng gọi của hoang dã” là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về thế giới hoang dã của Jack London. Cuốn sách ra đời sau hành trình của nhà văn đến vùng Krondike lạnh giá và khắc nghiệt.

Cuốn sách là câu chuyện đầy cảm xúc của chú chó Buck trong hành trình tìm về với cội ngoài của mình. Cuốn sách bắt đầu từ việc Buck bị bắt cóc từ trang trại của người chủ giàu có ở California đầy nắng ấm, Buck đã bước vào cuộc sống vô cùng khắc nghiệt của xứ sở băng giá đầy tuyết trắng, cùng đất của những người tìm vàng - nơi mà những con người ta điên cuồng tìm kiếm một cơ hội đổi đời cho bản thân mình đến nỗi đánh mất cả nhân tính. Tại đây, Buck đã trải qua những ngày lao động vô cùng đau khổ và mệt nhọc. Đã có lúc Buck rơi vào ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng may mắn thay, chú chó tội nghiệp đã được cứu và đã gặp được tình yêu thương từ con người, đó là John. Một người, một chó đã trở thành đôi bạn thân thiết và cứu giúp nhau khi sự sống của bạn mình đã đến kế bên Tử Thần.

Thế nhưng, sau một lần đi săn từ rừng trở về, Buck đã nhìn thấy cảnh hoang tàn, đẫm máu đối với người chủ nó thương yêu nhất: John cùng những người bạn và các chú chó kéo xe bị nhóm người Yeehats tàn sát. Lúc này đây, tình yêu thương, trung thành mà Buck dành cho John đã trở thành nỗi đau thống thiết, khiến Buck trở nên hoang dã hơn bao giờ hết. Cái chết của John Thornton đã chặt đứt sợi dây ràng buộc cuối cùng giữ Buck ở lại với loài người, kể từ đây, chú chó đã trở về với rừng sâu hoang dã.

T.Lê