Nhắc tới Pha Lê người ta nghĩ ngay tới những ồn ào về đời tư của cô ca sĩ này. Thậm chí, báo chí còn viết rằng Pha Lê là cô nàng lắm trò nhiều tật, nổi tiếng nhờ scandal...

Trước khi đến gặp Pha Lê, những thông tin scandal về cô ca sĩ này làm tôi khá rối bời. Tôi sợ rằng nhân vật mình định viết có quá nhiều vết nhơ... sẽ rất khó để nói chuyện.

Thế nhưng mọi điều tôi lo ngại đã bay đi mất, không một dấu vết. Pha Lê chân thật và thẳng thắn, hồn nhiên và cởi mở, khác hẳn với những gì báo chí viết về em.

Chúng tôi nói chuyện gần như tâm sự. Pha Lê trút lòng mình một cách tự nhiên và vô cùng đáng yêu.

Và tất nhiên, vì quá chân thật và thẳng thắn nên trong bài viết này, người đọc sẽ lại một lần nữa được "phát hoảng" với những điều Pha Lê kể...

Những ngày đầu đi hát bị đàn anh đàn chị bắt nạt

Pha Lê sinh năm 1987 tại Hải Phòng trong một gia đình có truyền thống về nghề dạy học. Bố Pha Lê là thầy giáo dạy toán, hiệu trưởng trường THCS Hồng Bàng, một trường dạy tiếng Pháp ở thành phố Hoa phượng đỏ.

Bản thân Pha Lê cũng từng tốt nghiệp khoa tiếng Pháp, Đại học Quốc gia Hà Nội và là sinh viên trường Paris chuyên ngành tiếng Pháp theo chương trình trao đổi du học sinh. Và Pha Lê nói tiếng Anh cũng rất tốt.

Khi về, Pha Lê từng có thời gian theo truyền thống gia đình là đi dạy học, rồi làm ngân hàng Ocean bank, làm giám đốc event cho Nam Phương corporation...

{keywords}

Ca sĩ Pha Lê - ảnh do nhân vật cung cấp.

Với bảng thành tích, bằng cấp không hề tệ, tại sao Pha Lê rẽ ngang sang lĩnh vực âm nhạc?

Vì em thích hát thôi. Em không học trường nhạc cũng không biết nốt nhạc nào nhưng càng lúc em càng kiểm soát tiếng hát của mình tốt hơn. Vì em không biết nốt nhạc nên khi nhạc sĩ sáng tác, người ta hát trước, em nghe em hát theo.

Em được bù lại bằng năng khiếu thẩm âm rất tốt. Mấy người nhạc sĩ còn không nghĩ là em hát tốt như thế.

Chỉ vì thế thôi sao?

Thực ra, thời sinh viên em đi thi hát cũng được nhiều giải thưởng lắm. Ví dụ giải nhất Tiếng hát sinh viên, HCV cuộc thi tiếng hát thành phố Hải Phòng, thi Tiếng hát cộng đồng người pháp...

Em là một con chim. Chim thì nó phải hót. Em đi làm ngân hàng, làm event rất nhiều tiền nhưng em thích hát. Dù lúc đầu đi hát không kiếm được tiền đâu.

Chẳng phải nghệ sĩ là nghề hái ra tiền sao?

Lúc em vào Sài Gòn lập nghiệp bố mẹ em không cho tiền. Bố mẹ em cho rằng ca sĩ là xướng ca vô loài nên không chịu để em theo nghề này.

Em vào Sài Gòn mà không quen một ai, không biết một ai. Đó là năm 2010 cách đây 6 năm, lúc đó em khoảng 23 tuổi.

Hồi mới đi hát, em hát 200.000 đồng/ tối thì làm sao mà đủ sống. Nhưng em cứ chăm chỉ chăm chỉ đi hát, lấy tiền ngày trước mình làm ngân hàng để trang trải cho mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Vậy em sống như thế nào với số tiền cát xê ít ỏi đó ở nơi đất khách quê người và chỉ có một mình?

Khổ lắm chị. Ví dụ bây giờ, mình lái xe đến hát xong rồi về. Những lần đi tỉnh, em phải đến từ 5h sáng, ngồi chờ, đến giờ thì được lên hát, còn nếu ca sĩ khác đến thì mình khỏi hát luôn. Em hát lót mà.

Hát xong rồi cũng phải chờ người ta dỡ màn rồi mới đi về cùng. Một ngày như thế em được 1 triệu. Ví dụ, người ta chở đến Bình Dương, mình nằm vạ vật ở đó chờ thôi vì mình làm gì có xe. Tích cóp, tích cóp để có tiền mua bài hát.

Nhưng mới vào Sài Gòn để kiếm được chỗ hát và show diễn cũng đâu dễ dàng. Em làm thế nào?

Em phải đi xin từng phòng trà một, xin họ cho hát thử. Dù chỉ có 200.000 nhưng em là gương mặt đinh của các quán cafe, phòng trà luôn. Em đi hát như vậy khoảng nửa năm thôi là đã bứt lên được rồi.

Hồi mới đi hát, em cũng bị các nghệ sĩ lớn hơn bắt nạt. Em đăng ký hát bài này nhưng các anh chị đến sau mình đâu biết họ hát bài gì nhưng nếu trùng thì mình phải đổi vì mình chỉ là hát lót, còn họ mới là chính.

Rồi có những show diễn người ta trả mình 1 triệu/ 1 show sau đó người ta biết mình hát ở kia với giá 200.000 đồng họ không chấp nhận.

Họ bảo, nếu muốn có tên trong băng rôn quảng cáo show diễn của họ thì phải bứt khỏi cuộc sống hát phòng trà đi. Không được hát phòng trà nữa.

Thế là cơm áo gạo tiền đè vào người. Không hát phòng trà thì lấy đâu ra tiền, còn show diễn kia lâu lâu mới có 1 lần thì tiền lấy đâu ra. Đó là thời điểm đen tối nhất của em. Em phải đánh đổi. Em bỏ phòng trà. Lúc đó em khổ lắm, không có tiền mà ăn.

Em có nhận được sự giúp đỡ của ai không?

Bố em có một học trò cũ làm khá to ở Sài Gòn. Anh ấy biết em vào đây nên nói với bố em là con thầy vào thì để con lo cho nó. Anh ấy thuê phòng trọ cho em và trả tiền nửa năm đầu. Anh ấy tình nghĩa lắm.

Rồi em cũng được mọi người giúp. Ví dụ nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Duy, chị Lưu Thiên Hương đều lấy giá rất tốt khi em làm sản phẩm đầu tiên. Nhạc sĩ Trần Thế Cường cũng giúp em rất nhiều.

Đói quá cũng định làm liều

Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, em vẫn có tiền làm album?

Em làm album trả góp. Lẽ ra mua bài phải trả hết nhưng em cứ đi hát được bao nhiêu lại đem tới trả một tí, tới lúc hết thì thôi. Album đầu tay là nhờ chị Lưu Thiên Hương. Chị ấy rất tốt với em. Chị còn giúp em học thanh nhạc.

Rồi bài hát mọi người mua 10 triệu thì họ bán cho em 5 triệu thôi và cho em trả góp từ từ. Chung Thanh Phong cho mượn đồ để mặc đi sự kiện.

Gặp khó khăn như vậy, đã bao giờ em muốn từ bỏ đam mê của mình để quay lại với gia đình?

Có chứ chị. Có những lúc em thậm chí còn nghĩ đi làm gái luôn ấy. Vì không có tiền. Những người khác cũng như mình thậm chí xấu xí hơn mình mà xe hơi nhà lầu.

Còn mình thì miếng ăn còn không có, ngày nào cũng ăn mì tôm, ăn trường kỳ đầu bốc hỏa luôn. Nếu một ngày ăn 50.000 thì một tháng 1,5 triệu, lấy đâu ra tiền. Ăn mì thôi, mấy nghìn một bữa thôi.

Em cũng định liều đấy. Em bảo hay làm béng đi thử xem thế nào. Nó chỉ khó lần đầu thôi. Em cũng nghĩ đến điều đấy thật. Lúc đó mình nghĩ quẩn rồi.

Em thậm chí còn nhờ người này người kia môi giới, kết nối cho mình nhưng khi người ta tìm được khách cho mình rồi, gọi mình thì mình lại sợ. Em bảo thôi, em làm không được đâu. Em không dám làm. Thôi cứ chấp nhận cần cù vậy.

Sao em không nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ và những người thân? Gia đình em cũng rất bề thế đấy chứ!

Em lì lắm. Em đã bước chân vào Sài Gòn mà gia đình không đồng ý thì có chết em cũng không quay đầu lại. Bố mẹ em không bao giờ biết em đã có những ngày tháng như thế. Bố mẹ em chưa bao giờ biết là con mình đi hát khổ sở như thế.

Với lại, bố mẹ em làm gì có tiền. Giáo viên mà chị. Em cũng chưa bao giờ gọi điện cho ai, dù họ hàng có rất nhiều người giàu có nổi tiếng. Em không thích nhờ vả.

Hơn nữa, nếu ngày hôm nay em đã tuyên bố em đi thì có chết em cũng chết trong này. Em đã quyết làm công việc cả nhà phản đối thì em phải chấp nhận sự lựa chọn đó của mình.

Thời điểm đó, em còn quá nhỏ. Khi đi em có 1 cô trợ lý cũng là em họ em. Hai chị em có cơm ăn cơm có cháo ăn cháo. Hai đứa còn ngồi khóc ròng với nhau suốt bao nhiêu ngày.

Nhưng nói gì thì nói, khi có ý định ấy, em có nghĩ tới gia đình, tới bố mẹ không?

Em nói thật với chị, cái lúc miếng ăn còn không có thì danh dự là cái gì? Khi mình sống còn không nổi thì danh dự cũng vứt đi. Mình sống còn không xong thì ra ngoài còn sĩ diện với ai. Em nghĩ thế đấy.

Theo Trí Thức Trẻ