- Chuyện những bộ phim được nhà nước đầu tư nhiều tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng không trụ nổi vài ngày ở rạp, không bán nổi vé là chuyện không còn mới nhưng tái diễn hết năm này qua năm khác.

{keywords}
Cảnh trong phim 'Sống cùng lịch sử'

Chi tiền tỉ làm phim không ai xem

Những ngày qua, dư luận lại một phen sốt ruột về thông tin bộ phim Sống cùng lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam ra rạp nhưng có ngày không bán nổi 1 vé, đến mức nhiều suất chiếu bị hủy. Đây là điều không còn mới bởi Sống cùng lịch sử cũng như nhiều phim 'cúng cụ' khác đều chịu cảnh bị khán giả ghẻ lạnh, lặng lẽ ra rạp rồi nhanh chóng đi thẳng về kho. Cả chục tỉ đồng được 'đốt' vào một bộ phim, ngốn công sức của bao nhiêu người trong cả một thời gian dài cuối cùng không có người xem thật sự là 'thảm họa'.

Sống cùng lịch sử vốn được Nhà nước đặt hàng để kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim được Cục Điện ảnh tổ chức ra mắt báo giới ngày 23/4 kèm với việc công bố những thông tin về các hoạt động điện ảnh. Nhưng sau đó, sau một số bài nhận xét về phim, Sống cùng lịch sử không được nhắc đến nữa. Cho đến khi những ngày qua, bộ phim này trở lại các mặt báo với thông tin đã bị đá bay khỏi một số rạp Hà Nội vì không bán được vé.

Đây là điều không có gì bất ngờ vì bộ phim này ra rạp 'không kèn không trống' như nhiều 'ca' trước. Ngay cả giới truyền thông cũng không mấy ai nhận được thông tin về việc ra rạp dịp này. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia, một đơn vị thuộc Bộ VHTTDL cho biết Sống cùng lịch sử do chính Hãng phim truyện VN liên hệ với Trung tâm đưa phim ra rạp.

Sống cùng lịch sử được chiếu thương mại ngoài rạp, không nằm trong chương trình chiếu phim kỷ niệm nên khi phim không bán được vé, không đủ để tổ chức suất chiếu thì Trung tâm chiếu phim quốc gia cũng đành phải đẩy phim ra để nhường cho các phim khác. Ông Dương cho biết nếu như Sống cùng lịch sử được chiếu thương mại ngay sau tuần phim 7/5 và nếu quảng bá tốt thì có lẽ tình hình khả dĩ hơn.

Cùng chung cảnh ngộ với Sống cùng lịch sử Đam mê. Phim này được làm từ năm 2012, từng tham dự LHP quốc tế Hà Nội nhưng mãi tới thời điểm này mới được chiếu thương mại ngoài rạp. Phim cũ, dở, cộng với việc PR kém nên Đam mê cũng nhanh chóng bị rút khỏi rạp chiếu. Vấn đề là ở chỗ, Sống cùng lịch sử Đam mê đều là những phim được làm theo đặt hàng của Nhà nước.

Làm phim kiểu 'đem con bỏ chợ'

Lâu nay các hãng chỉ biết nhận tiền và làm phim, chuyện PR cho đứa con tinh thần của mình cứ như chuyện của ai. Phim ra mắt là cũng xong, không ai còn quan tâm đến chuyện phim bán vé thế nào, có bao nhiêu người xem vì tiền làm phim không phải của họ vì thua lỗ đã có nhà nước chịu. Chính vì tâm lý này nên bao năm qua có biết bao nhiêu phim tiêu tốn tiền của nhưng cùng chung một số phận: ế ẩm rồi đắp chiếu.

Trong khi đó, các bộ phim của tư nhân lại hoàn toàn trái ngược. Một đội ngũ PR, phát hành đứng sau liên tục cung cấp thông tin ra ngoài từ lúc phim chưa bấm máy đến khi phim đã chiếu nát ngoài rạp. Mọi khía cạnh của phim từ hậu trường, diễn viên đều được khai thác triệt để theo kiểu dội bom khiến một bộ phim dù có dở đến mấy cũng phủ kín các phương tiện truyền thông, để đảm bảo ai cũng biết bộ phim đó ra rạp. Khi tự bỏ tiền túi ra làm phim thì người ta sẽ tự biết 'của đau con xót' mà lo cho số phận của nó.

Cùng thời điểm Sống cùng lịch sử ra rạp cũng là lúc bộ phim Scandal - Hào quang trở lại ra rạp. Tuy nhiên, cách truyền thông cũng như số phận của hai bộ phim này là hoàn toàn khác nhau bởi Scandal - Hào quang trở lại đã tìm mọi cách để tiếp cận với công chúng nhiều nhất có thể trong khi Sống cùng lịch sử thì không. Phải chăng các nhà sản xuất tự cho rằng phim của mình hay, phim của mình thuộc đẳng cấp khác nên khán giả sẽ tự tìm đến xem mà không cần giới thiệu?

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từng phân trần rằng Sống cùng lịch sử được nói là được rót 21 tỉ đồng nhưng trên thực tế chỉ còn khoảng 13-14 tỉ đồng đổ vào phim, còn lại dành để chi phí những việc khác của hãng. Chi phí khác ở đây chủ yếu là dùng cho việc trả lương cho nhân viên, vận hành hãng phim truyện Việt Nam.

Vậy thì tại sao trong số 7-8 tỉ đồng đó, hãng phim không thể trích ra vài trăm triệu đồng để quảng bá cho phim? hay trả vài triệu đồng cho 1 người chỉ để gửi thông tin về bộ phim cho giới truyền thông để quảng bá cho bộ phim? Nếu vậy thì có lẽ số phận của Sống cùng lịch sử sẽ khác và công sức của bao người sẽ không bị uổng phí.

Bỏ quên khâu... PR

Một bộ phim sập có thể khiến một hãng phim chết theo mà bằng chứng là những thất bại mà nhiều nhà làm phim đã gặp phải như Chánh Tín, Phước Sang... Nhưng với các hãng phim nhà nước, một bộ phim làm ra không ai xem thì chắc chắn là chẳng có ai chết, không có hãng phim nào bị đóng cửa.

Trước câu hỏi của VietnamNet về trách nhiệm, ông Phan Đình Tân, người phát ngôn của Bộ VHTTDL nói tại thời điểm này (sáng 19/9) ông phải nắm thông tin về vụ việc. Tuy nhiên, Cục Điện ảnh trước hết phải trả lời vấn đề này. Tuy nhiên ông Tân cũng công nhận khâu quảng bá của tất cả các phim nhà nước hết sức hạn chế và quá khiêm tốn.

Trưa 19/8, VietnamNet cũng đã liên hệ với ông Phan Đình Thanh, Phó Cục trưởng phụ trách tài chính của Cục Điện ảnh để hỏi về vấn đề này song ông Thanh từ chối trả lời với lý do không phải người phát ngôn của Cục Điện ảnh. Liên hệ với Cục phó Đỗ Duy Anh, người được chỉ định phát ngôn cho Cục Điện ảnh nhưng VietnamNet cũng chưa nhận được câu trả lời.

Theo tìm hiểu của VietnamNet, Bộ VHTTDL chính là chủ đầu tư của các dự án phim nhà nước. Tuy nhiên Bộ VHTTDL đã giao cho Cục Điện ảnh làm việc này. Mỗi bộ phim trước khi được đưa vào sản xuất đều phải do liên bộ (Bộ Văn hóa, Bộ Tài chính, Cục Điện ảnh, Cục quản lý giá...) duyệt kinh phí đầu tư.

{keywords}
Các phim do tư nhân sản xuất luôn được PR triệt để

Song thật kỳ lạ là trong các khoản chi cho phim được nhà nước tài trợ không có khoản nào duyệt cho mục PR (trong khi tại hollywood, kinh phí quảng bá thường bằng chi phí sản xuất). Phần làm hậu kỳ chỉ được duyệt khoảng 100 triệu đồng. Dự toán kinh phí của các phim cũng dành rất ít cho việc quảng cáo.

Do vậy, nếu đạo diễn hay nhà sản xuất nào xót phim, xót cho công sức của bao người tham gia làm phim thì tự tìm cách vận động quảng bá cho phim, hay tự bỏ tiền túi ra để PR cho phim như trường hợp của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (Những người viết huyền thoại) hay nhà sản xuất Hồng Ngát (phim Gương trời, Những người con của làng).

Hạnh Phương