Trong cuộc hội thảo về giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành – phổ biến phim các tỉnh thành thuộc trung ương do Cục điện ảnh tổ chức đã có rất nhiều ý kiến của các trung tâm phát hành phim được nêu ra trong đó thành công lại nhờ cơ chế “vượt rào”.

{keywords}
Trung tâm chiếu phim quốc gia chuyển mình để cạnh tranh với các cụm rạp tư nhân.


Thay đổi từ cái nhà vệ sinh

Trong cả nước, Trung tâm chiếu phim quốc gia tại Hà Nội hiện nay có thể được đánh giá là cụm rạp của nhà nước thành công nhất. Tuy nhiên, trước năm 2008 khi trung tâm chưa tiến hành sửa chữa cải tạo, tình trạng phòng chiếu xập xệ kém chất lượng giống với nhiều phòng chiếu tại các tỉnh thành hiện nay đã từng xảy ra.

Tại cuộc hội thảo diễn ra ngày 31/5 tại HN, ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc TT Chiếu phim Quốc gia chia sẻ doanh thu từ năm 2008 với 500.000 khách là 17 tỉ thì hiện nay con số đã lên 150 tỉ với hơn 2 triệu lượt khách mỗi năm.

Bí quyết và sự chia sẻ được ông Dương đưa ra lại khá chua xót đó là tư duy ‘vượt rào’ khi Trung tâm tiến hành hợp tác kinh tế với các tổ chức bên ngoài để xây mới bên ngoài rạp trong thời hạn 5 năm từ năm 2008 và tiến hành thi công một cách lặng lẽ trong lúc xin quyết định của Bộ VHTTDL.

Dù mới chỉ tiến hành sửa chữa bên ngoài, chưa sửa chữa được các phòng chiếu nhưng theo ông Dương ngay năm sau khi ‘vượt rào’, lượng khách đến với trung tâm đã tăng gấp đôi. Và từ đó kinh phí để tiền hành nâng cấp phòng chiếu, trang thiết bị cũng từ đó mà phát triển.

Đến hiện nay, trung tâm đã có 9 phòng chiếu phim hoàn toàn mới với kinh phí đầu tư lên đến 85 tỷ trong đó có 13 tỷ của nhà nước hỗ trợ và đem lại 150 tỷ mỗi năm.

Ông Dương cũng chia sẻ thêm tại hội thảo về việc thay đổi tư duy trong cách kinh doanh rạp chiếu phim khi tích cực sử dụng nhân lực trẻ là sinh viên làm bán thời gian, các nhân viên trong cơ chế của trung tâm cũng cần phải thay đổi để làm việc theo cơ chế thị trường là làm cho thương hiệu của mình chứ không phải bao cấp.

Ông Dương đem câu chuyện như nhà vệ sinh tại rạp được quan tâm đầu tư phải sạch sẽ như một tư duy mới trong việc làm rạp chiếu phim như một niềm tự hào.

Tuy nhiên, hoạt động hiệu quả của Trung tâm chiếu phim quốc gia trong tình trạng chung hiện nay chỉ như một ánh nắng yếu ớt trong khung cảnh ảm đạm chung của các trung tâm chiếu phim do nhà nước quản lý. 

Muốn trả rạp phim vì không có máy chiếu

Chia sẻ có phần nóng nảy tại hội thảo, ông Bùi Thế Lâm - Giám đốc trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Hải Phòng lại đưa ra một lời cảm thán khiến nhiều người đau lòng: “Có thời điểm tôi muốn trả lại rạp phim 1/5, rạp phim 70 tuổi đẹp nhất Hải Phòng chỉ để xin cơ chế sắm một chiếc máy chiếu”.

Theo như chia sẻ của ông Lâm, trước năm 2000 khi các rạp tư nhân và liên doanh chưa có mặt tại Hải Phòng, doanh thu của trung tâm đều được hơn 2 tỷ một năm. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, con số trên mất đi 1 số 0 còn 200 trăm triệu mỗi năm.

Bức xúc, đau đầu thậm chí là đau đáu làm sao để giữ cho được rạp phim có truyền thống của thành phố, ông đã mạnh dạn cho thuê tầng hầm tại trung tâm rạp chiếu phim để vừa có kinh phí nuôi rạp, vừa để kéo thêm nhiều khán giả tới rạp như những mô hình rạp chiếu phim ở nước ngoài cũng như trong nước khác.

Tuy nhiên chính ông lại bị UBND thành phố phê bình vì lí do không sử dụng rạp chiếu đúng mục đích. Chấp nhận phê bình, ông lại loay hoay rồi tìm cho mình một nhà đầu tư chấp nhận chi hơn 20 tỷ để nâng cấp rạp chiếu phim nhằm nâng cao chất lượng.

Nhưng để có được sự chấp thuận thì thời gian chờ giấy phép lại quá lâu, từ sở Xây Dựng đến sở KHĐT khiến nhà đầu tư mất đi tính cơ hội khiến việc mong muốn được thay đổi của trung tâm không mang đến nhiều hiệu quả.

Ông Trương Mạnh Hà – Giám đốc trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội cũng nêu lên khó khăn tại địa phương mình như không có máy chiếu phim đáp ứng được bản quyền. Việc có được bản quyền phát hành các bộ phim lớn gần như là không thể và không khả thi, thậm chí có những rạp trang thiết bị đầy đủ như rạp Hà Đông thì diện tích lại quá nhỏ, không đủ chỗ để xe, hôm nào đông còn bị công an phương sở tại nhắc nhở.

Ông Hồ Xuân Đài – Giám đốc trung tâm phát hành phim và chiếu phóng Thừa Thiên Huế lại lo ngại rằng sẽ giống như Hãng phim truyện Việt Nam, nếu như không có sự quan tâm của nhà nước tới vấn đề văn hóa đặc biệt trong vấn đề điện ảnh, không sớm thì muộn các rạp chiếu phim tư nhân, các tập đoàn nước ngoài sẽ chiếm quyền kiểm soát thị trường điện ảnh trong nước.

Khi đó, những cụm rạp trung tâm tại các tỉnh thành, các bộ phim Việt Nam mang tính văn hóa giáo dục sẽ không còn mà thay vào đó là các dòng phim nước ngoài.

H.Hoàng