- Bà Lưu Hanh - Phụ trách truyền thông của CJ CGV Việt Nam có câu trả lời chính thức cho 8 đơn vị sản xuất và phát hành phim Việt trước những khiếu nại cho rằng hệ thống rạp chiếu này đang chèn ép họ.

Khiếu nại phải có cơ sở

Tám đơn vị gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA đã phát đơn khiếu nại CGV đang chèn ép họ trong việc phát hành phim. Cụ thể là CGV đang lấy phí phát hành phim Việt tại các cụm rạp của mình là 55%?

- Trước hết chúng tôi xin phản hồi là CGV không áp đặt tỷ lệ ăn chia với các bên khiếu nại. CGV luôn tuân thủ tuyệt đối các quy định về việc phát hành và chiếu phim theo luật pháp Việt Nam. Thực tế, CGV và bên liên quan cùng nhau xây dựng và thống nhất áp dụng tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé tùy thuộc vào chất lượng phim, số lượng rạp và số lượng phòng chiếu của đơn vị phát hành.

CGV hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bất kỳ đơn vị phát hành nào, bởi lẽ đơn vị chiếu phim có số lượng rạp và phòng chiếu cao hơn, giá vé cao hơn sẽ mang về lợi nhuận cao hơn cho nhà sản xuất mặc dù tỉ lệ phân chia có thể chênh lệch 5-10%.

{keywords}
Hệ thống rạp chiếu CGV đang bị 8 đơn vị sản xuất và phát hành phim Việt khiếu nại.

CGV có ý kiến gì trước những khiếu nại của 8 đơn vị sản xuất và phát hành phim Việt?

- Chúng tôi cho rằng mỗi doanh nghiệp đều có quyền khiếu nại. Tuy nhiên, việc khiếu nại phải có cơ sở pháp lý và chứng cứ kèm theo. Thực tế các doanh nghiệp khiếu nại không đưa ra được cơ sở pháp lý phù hợp và họ cũng không cung cấp được chứng cứ cho việc khiếu nại đó, chẳng hạn như:

Các doanh nghiệp chỉ dựa trên tỷ lệ phân chia mà không đưa ra số tiền thực tế mà CGV đã thanh toán cho các đơn vị phát hành. Trên thực tế, cụm rạp của CGV luôn đem lại cho nhà phát hành và nhà sản xuất số doanh thu lớn nhất. Vì vậy, CGV luôn là đơn vị đảm bảo doanh thu tốt nhất cho các phim. Mặc dù vậy, để có được doanh thu này, CGV phải tốn chi phí đầu tư và vận hành các phòng chiếu, suất chiếu gấp nhiều lần so với các cụm rạp chiếu phim khác.

Đối với việc suất chiếu và giờ chiếu, chúng tôi cho rằng các nội dung mà nhóm doanh nghiệp đưa ra là không đúng. Chúng tôi luôn đảm bảo suất chiếu tốt nhất cho các phim Việt Nam. Ví dụ Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh do Galaxy phát hành được CGV dành trên 7.000 suất chiếu.

Thêm vào đó, theo thỏa thuận hợp đồng phát hành phim giữa CGV và các bên liên quan đã ký kết, thì các bên có nghĩa vụ bảo mật thông tin liên quan đến bộ phim. Việc các công ty trên đơn phương công bố thông tin bất kỳ trong hợp đồng mà không được sự đồng ý trước của CGV là vi phạm các cam kết theo hợp đồng. Ngoài ra, đối với các công ty chưa từng ký kết hợp đồng phát hành phim hoặc thỏa thuận hợp tác với CGV mà tham gia khiếu nại CGV là việc khiếu nại thiếu căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật về khiếu nại.

Cáo buộc hoàn toàn không có chứng cứ?

Các đơn vị đang có những cáo buộc CGV có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh khi là đơn vị độc quyền trong lĩnh vực rạp chiếu phim ở Việt Nam?

- Cáo buộc này là hoàn toàn không có cơ sở và chứng cứ. Về việc này, chúng tôi được biết, ngày 3 tháng 6 năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã có văn bản số 615/QLCT – P6 nêu rõ văn bản khiếu nại của nhóm doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng theo thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh, nội dung khiếu nại không rõ ràng, đầy đủ và không có bằng chứng kèm theo.

Việc chiếm lĩnh thị trường quá lớn của CGV được cho rằng sẽ khiến phim Việt rơi vào nguy cơ bị ép buộc chiếu ở những rạp ít khán giả, hạn chế về tần suất và khung giờ?

- Việc cho rằng CJ CGV Việt Nam có xu hướng chiếu các phim nước ngoài, đặc biệt là các phim do chính nước họ sản xuất, với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ “vàng” lâu hơn là không đúng, vì lý do sau đây:

Chúng tôi luôn ưu tiên và dành các suất chiếu cao nhất, tốt nhất cho Phim Việt Nam có chất lượng, giá trị cao và được công chúng đón nhận. Bằng chứng là Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được chiếu liên tục tại cụm rạp CGV đến 81 ngày (gần 3 tháng), tổng số suất chiếu là 7.683 suất, tổng số ghế là 1.184.488 ghế; phim 49 ngày được chiếu liên tục 89 ngày (3 tháng) với số suất chiếu là 8.775; tổng số ghế là 1.310.546 ghế; phim Chàng trai năm ấy”được chiếu 22 ngày, tổng số suất chiếu là 4.802 suất, tổng số ghế là 750.787 ghế; phim Ngày nảy ngày nay được chiếu liên tục 42 ngày, tổng số suất chiếu là 3.978, tổng số ghế là 540.900 ghế… Bộ phim không có doanh thu cao do BHD phát hành là phim Quyên cũng được chiếu liên tục trong 27 ngày với số suất chiếu là 833 suất, tổng số ghế là 95.564 ghế. Phần lớn các phim này do các đơn vị phát hành ngoài CGV như Galaxy, BHD… phát hành.

{keywords}
Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” do Galaxy phát hành được CGV dành trên 7.000 suất chiếu.

Phần lớn các phim Việt Nam đều được Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam nhận chiếu tại các cụm rạp. Trên thực tế, các cụm rạp nhận phim chiếu phụ thuộc vào chất lượng, giá trị và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khách hàng trong khu vực mà cụm rạp hoạt động. Do đó, các cụm rạp như Galaxy, BHD… cũng có sự chọn lọc phim cho từng cụm rạp của họ.

Dù là phim nước ngoài hay Việt Nam, việc chọn lựa phim cho từng cụm rạp hoàn toàn do khả năng thu hút người xem của bộ phim đó. Các cụm rạp của Galaxy, BHD… không phải lúc nào và với bộ phim nào cũng chiếu trên toàn hệ thống rạp của họ. Thực tế, các cụm rạp cũng từng từ chối phim Việt Nam không có giá trị thương mại như các phim Lịch sử, chính trị – trong khi chúng tôi luôn dành hai phòng chiếu đặc biệt là CGV Art House để hỗ trợ cho thể loại phim này.

Số lượng rạp chiếu của CGV hiện chiếm 40% tổng số rạp phim trong cả nước. Theo Luật cạnh tranh, thì khi doanh nghiệp chiếm quá 30% thị phần, ở vị trí thống lĩnh thị trường, sẽ bị áp các chế tài chống độc quyền nếu có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. CGV có lo lắng không?

- Pháp luật của các nước không cấm các doanh nghiệp phát triển, cho dù sự phát triển đó đạt đến mức thị phần lớn. Pháp luật Việt Nam cũng tương tự. Bởi lẽ nếu pháp luật áp dụng chế tài đối với các doanh nghiệp đạt thị phần lớn thì chắc chắn sẽ triệt tiêu động lực phát triển vì chẳng còn doanh nghiệp nào “dám lớn”. Chúng tôi rất tin tưởng vào pháp luật và sự tôn trọng của pháp luật đối với những doanh nghiệp dám đầu tư và mạo hiểm đầu tư để lớn mạnh một cách hợp pháp.

Việt Anh