Nhiều phim dù đã bị gắn mác 16 hay 18+ như '50 sắc thái: Đen'; 'John Wick 2' nhưng vẫn bị hội đồng duyệt yêu cầu chỉnh sửa, dẫn đến việc ra rạp chậm hơn dự kiến.

Bảng tiêu chí phân loại phim chính thức có hiệu lực và được áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/1/2017, kéo theo nhiều bất cập trong khâu thực thi và phần nào tác động đến doanh thu của các nhà phát hành.

Những bất cập từ việc dán nhãn

Bắt đầu từ ngày 1-1-2017, bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo độ tuổi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua chính thức có hiệu lực và được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, bảng tiêu chí Phân loại phim (căn cứ Thông tư số 12/2015/TT-BVHTTDL) có 4 loại dán nhãn: phim dán nhãn P được phép phổ biến rộng rãi tới mọi khán giả, nhãn C13 cấm khán giả dưới 13 tuổi, C16 cấm khán giả dưới 16 tuổi, nhãn C18 cấm khán giả dưới 18 tuổi.

{keywords}
"Tây du ký: Mối tình ngoại truyện" gây xôn xao với những cảnh không phù hợp với trẻ nhỏ

Tuy quy định rõ ràng trên giấy tờ nhưng đối với việc phân loại khán giả theo độ tuổi, có thể thấy việc thực thi còn nhiều bối rối. Trường hợp của “Tây du ký: Mối tình ngoại truyện” là một ví dụ điển hình. Bộ phim được công chiếu vào ngày 28/1 với mức nhãn P (dành cho mọi đối tượng khán giả). Tuy nhiên ngay từ phần đầu, những phân cảnh bạo lực, chém bay đầu, phá làng xóm hay Đường Tăng thẳng tay quất roi tới tấp vào mặt đồ đệ để răn đe thực sự khiến các khán giả nhỏ tuổi phát sợ.

Tại thị trường quốc tế, bộ phim được dán nhãn PG-13, không phù hợp với khán giả 13 tuổi. Chính vì vậy, sự “thoáng” trong khâu kiểm duyệt khiến nhiều người đặc biệt quan tâm.

Gần đây nhất, ba bộ phim “Fifty Shades Darker”, “John Wick: Chapter 2” “Rings” cũng trải qua quá trình kiểm duyệt khắt khe và buộc phải ra lùi lịch công chiếu, muộn hơn nửa ngày so với dự kiến. Theo đó, “Fifty Shades Darker” được dán nhãn C18, “Rings” dán nhãn C16 và “John Wick 2” dán nhãn C18.

Tuy đã dán nhãn phân loại theo độ tuổi khán giả nhưng những bộ phim trên vẫn không được giữ nguyên vẹn so với bản gốc. Đối với “Fifty Shades Darker”, những phân cảnh giường chiếu, tình tứ trong căn phòng đỏ đã bị lược bỏ. Tương tự với “John Wick: Chapter 2”, một số cảnh hành động của nhân vật chính cũng bị cắt bớt. Đoạn kết của “Rings” cũng không còn được trọn vẹn.

{keywords}
John Wick 2 được dán nhãn C18 nhưng những cảnh bạo lực vẫn bị cắt bỏ

 Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Trước những bất cập trong quá trình thực thi bảng tiêu chí phân loại phim, ông Vũ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia trả lời trên báo Thanh Niên: “Việc phân loại này vẫn phải chịu sự tác động của điều luật cấm trong hoạt động điện ảnh (điều 11 của luật Điện ảnh, Điều 9 của Nghị định 54 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Điện ảnh và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Điện ảnh).

Ngoài ra còn có quy định khác nữa ở luật Quảng cáo, luật Bản quyền, Thông tư 02 của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch về việc hạn chế sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Đầu tiên các bộ phim bị chi phối bởi cả điều luật đó, sau đó mới đến phân loại. Không phải là có phân loại theo từng lứa tuổi thì các cảnh bạo lực hay có yếu tố tình dục được rộng rãi hơn trước mà chỉ là phân loại tác phẩm và khán giả hợp lý hơn thôi. Việc phân loại phim theo hệ thống phân loại mới bắt đầu từ ngày 1/1/2017 nên chúng tôi đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

{keywords}
Cảnh trong phim '50 sắc thái: Đen'

Có hay không ảnh hưởng tới doanh thu phát hành?

Trả lời VietNamNet về những ảnh hưởng của quy định dán nhãn đối với doanh thu, đại diện nhà phát hành CGV cho biết: “Thật ra, còn quá sớm để kết luận rằng quy định mới về dán nhãn phim gây ảnh hưởng đến doanh thu phát hành phim. Hiện nay, chỉ có một số phim được sản xuất theo quy định về dán nhãn phim mới (quy định có hiệu lực từ tháng 1/2017). Tuy nhiên, về lâu dài những quy định về dán nhãn phim sẽ có tác động tích cực tới việc đa dạng hóa nội dung phim và sự lựa chọn của khán giả. Các nhà sản xuất phim cũng sẽ phải chú ý hơn vào nhóm đối tượng khán giả cho các tác phẩm của mình”.

Trước một số ý kiến cho rằng việc phân loại khán giả đối với các tác phẩm trong nước có quy trình chặt chẽ, khắt khe hơn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu phim Việt, tạo thế bất lợi khi cạnh tranh với những phim ngoại ra mắt cùng thời điểm, đại diện CGV bày tỏ quan điểm khách quan hơn.

{keywords}
Diễn viên nhí Trọng Khang khóc nấc khi "Chạy đi rồi tính" bị gắn nhãn C16

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc phát hành CGV cho biết: “Dịp Tết năm nay không phải là lần đầu tiên các phim của Việt Nam có doanh thu thấp hơn phim nước ngoài, và cũng thật khó để kết luận nguyên nhân này là do các quy định gắn mác phim mới có hiệu lực vừa qua. Còn có nhiều yếu tố quan trọng hơn như sự thay đổi thời gian phát hành của những bộ phim Việt không giống như những năm trước, đó là các phim lớn của Việt Nam được phát hành trải dài trong suốt năm. Các nhà sản xuất phim và các nhà làm phim không còn ấn định việc phát hành phim của mình vào đúng dịp Tết nữa, vì họ hiểu rằng nội dung của phim mới là yếu tố giúp phim có doanh thu tốt kể cả được phát hành vào các dịp khác.

So sánh số liệu thực tế cho thấy doanh thu của 2 phim Việt trong Tết năm nay tương đương với doanh thu của 4 phim Việt trong Tết năm ngoái. Như vậy cũng không thể đánh giá việc quy định dán nhãn mới làm ảnh hưởng tới doanh thu của phim Việt trong Tết vừa qua”.

Dương Di