Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo đó, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại và chịu trách nhiệm về phim đưa lên. Trong đó, ông đặc biệt lưu ý với những phim liên quan tới quốc phòng, an ninh, hải đảo, trẻ em, tôn giáo, dân tộc, phải đưa trách nhiệm vào.

"Điển hình, VTV1 chiếu Người phán xử, sau khi chiếu bộ phim đó thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều. Chúng ta đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng luật không giải quyết được mà đưa cho ông trùm làm người phán xử, kể cả phán xử cả lực lượng công an. Phán xử tất cả mà đưa vào đó mà chiếu trên giờ vàng thì ai chịu trách nhiệm về vấn đề này", phát biểu của Thiếu tướng Lê Tấn Tới nóng trong dư luận, tạo tranh luận đa chiều. VietNamNet liên hệ một số chuyên gia trong lĩnh vực tội phạm học và tâm lý học tội phạm để lắng nghe ý kiến của họ. 

{keywords}
Phim "Người phán xử" từng rất hot năm 2017.

Phim ảnh khiến khán giả bắt chước làm theo

Từ thực tiễn chiến đấu trong lực lượng cảnh sát hình sự gần 20 năm và nghiên cứu về tội phạm học trong chương trình đào tạo tiến sĩ luật học, nhà văn Đào Trung Hiếu khẳng định ảnh hưởng của các ấn phẩm văn hoá đến việc hình thành nhân cách của khán giả - nhất là người trẻ, là có thật. Trong đó, phim ảnh là loại hình sản phẩm văn hóa có phạm vi tác động rộng rãi đến số đông người xem. Tác động này có thể theo 2 hướng tích cực hoặc tiêu cực.

Theo ông, dòng phim phản ánh chủ đề về thế giới ngầm, xã hội đen với đặc thù mô tả cuộc sống của thế giới tội phạm - nơi thường diễn ra những ứng xử lệch chuẩn, coi thường pháp luật và vô nhân tính, thông qua các xung đột, mâu thuẫn, thanh toán, đâm chém, bắn giết... lẫn nhau chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến khán giả ở mức độ nào đó.

“Tôi cho rằng ý kiến đánh giá về sự liên quan giữa tình hình tội phạm hoạt động băng nhóm theo kiểu xã hội đen với một số bộ phim có nội dung bạo lực không phải là không có căn cứ khoa học. Người nghiên cứu sâu về tội phạm học rất hiểu điều này.

Bởi vì suy cho cùng, nguyên nhân của mọi tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác, đều là kết quả từ sự xuống cấp, băng hoại về đạo đức, văn hoá xã hội. Mà vấn đề đạo đức, văn hoá chịu sự tác động sâu sắc từ môi trường văn hoá đương đại. Các sản phẩm văn hoá lại là một thành tố cấu thành nên môi trường văn hoá. Nói phim bạo lực tác động đến tình hình tội phạm là theo ý đó”, ông Hiếu cho hay.

{keywords}
Nhà văn Đào Trung Hiếu.

Nhà văn Đào Trung Hiếu tin rằng các biên kịch, đạo diễn chắc chắn không cố ý cổ xúy lối sống coi thường pháp luật của dòng phim này nhưng việc phản ánh quá đậm đặc, chi tiết đời sống trong thế giới tội phạm, các xung đột đâm chém… có những “phản ứng phụ” không mong muốn.

“Đối tượng bị tác động dễ thấy nhất là thanh thiếu niên vì đặc điểm của lứa tuổi nay là đang trong quá trình định hình nhân cách; kinh nghiệm sống, trình độ về thị hiếu văn hóa, định hướng giá trị… còn nhiều hạn chế. Việc tiếp cận thường xuyên với các sản phẩm có tính bạo lực trên mạng hay truyền hình, vô hình trung tạo nên suy nghĩ trong các cháu rằng đó là những hành vi được chấp nhận. 

Khi thần tượng một vai diễn nào đó, họ có thể bắt chước cách nghĩ, hành động của nhân vật hoặc những hành động lệch chuẩn này sẽ đi vào tiềm thức khán giả trẻ một cách tự nhiên, trở thành khuôn mẫu ứng xử. Gặp các tình huống ngoài đời sống tương tự trong phim họ có thể ứng xử theo hình mẫu đó. Và như vậy hậu quả với an ninh trật tự là điều có thể nhìn thấy trước", ông Hiếu phân tích.

TS. Lê Nguyên Thanh (Trưởng bộ môn Tội phạm học, khoa Luật Hình sự, ĐH Luật TP.HCM) cho biết, phim ảnh thuộc lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Đời sống văn hóa có ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi, lối sống của cá nhân trong xã hội. Vì thế, Nhà nước luôn rất coi trọng mặt trận tư tưởng văn hóa trong định hướng phát triển xã hội nói chung và nhân cách cá nhân nói riêng.

Theo ông, ở góc độ hành vi, phim ảnh tác động đến hành vi cá nhân bằng nhiều cách, trong đó có bắt chước. Thuyết bắt chước (Modeling Theory) đã được phổ biến từ rất lâu trong Tâm lý học và Tội phạm học. Sự bắt chước (imitation) theo quy luật từ trên xuống (top down): người nghèo có xu hướng bắt chước người giàu; người trẻ có xu hướng bắt chước người lớn hơn; tầng lớp thấp có xu hướng bắt chước tầng lớp cao hơn...

{keywords}
TS. Lê Nguyên Thanh.

"Nếu người có địa vị cao, có uy tín, có tài năng, là ngôi sao bóng đá, điện ảnh, thời trang... dễ được người khác bắt chước hành vi, phong cách, quan điểm thẩm mỹ của họ. Vì thế, các nhà kinh doanh thường thuê các ngôi sao quảng cáo cho các sản phẩm của họ", ông nói. 

Kiểm duyệt nhưng đừng bóp chết sáng tạo

TS Thanh nhấn mạnh, không thể phủ nhận vai trò của phim ảnh tác động đến nhận thức, thẩm mỹ, hành vi của con người, nhất là diễn viên thường là các ngôi sao. Vì thế trong sản xuất và khai thác phim ảnh, nếu thấy bộ phim có thể gây ra tác động xấu đối với một bộ phận khán giả nào đó, thường là trẻ dưới 18 tuổi nhà sản xuất và cơ quan thẩm định khuyến cáo rõ độ tuổi được phép xem đó (18+). Nhà sản xuất, nhà thẩm định và nhà khai thác phim cần thận trọng và có trách nhiệm trong việc đưa một bộ phim ra trình chiếu trước công chúng. Nếu trình chiếu trên VTV thì sức lan tỏa càng lớn và không bị giới hạn thành phần xem. 

Nhà văn Đào Trung Hiếu đồng tình với giải pháp tiền kiểm và hậu kiểm đối với những bộ phim được trình chiếu. Sau giai đoạn tiền kiểm, phim lên sóng phát sinh vấn đề về nội dung có thể yêu cầu dừng chiếu để chỉnh sửa, nếu không đảm bảo có thể cho dừng sóng.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm duyệt cũng cần hết sức lưu ý kẻo bóp chết phim Việt. Bởi, việc tiết chế sự thật được phản ánh trong phim có thể khiến khán giả xa lánh, quay lưng vì phim không dám phản ánh hiện thực xã hội. "Không thể cầm kéo lăm lăm sẵn sàng cắt nát những câu chuyện được kể trong phim", ông nói.

{keywords}
Một cảnh trong phim "Người phán xử".

Theo nhà văn, cần đánh giá một tác phẩm điện ảnh cần dựa trên giá trị nội dung và nghệ thuật một cách công tâm theo cơ sở khoa học.

“Cầm kéo cắt phim là cả một nghệ thuật, đòi hỏi phải có tay nghề rất cao. Người kiểm duyệt phim cần có sự am hiểu sâu sắc về điện ảnh và có tầm nhìn xa đối với tác động của phim đối với đời sống xã hội. Việc đánh giá phim không theo các tiêu chí này mà mang màu sắc của sự cảm tính, suy diễn, quy chụp.… có thể thủ tiêu sự sáng tạo. Theo tôi, nên mời vào hội đồng duyệt phim các chuyên gia trong lĩnh vực mà bộ phim đề cập, để có được cái nhìn sâu sắc của nhà chuyên môn", ông nói thêm

Về câu hỏi phim Người phán xử có phải là nguyên nhân của tội phạm bạo lực, xã hội đen hay không, TS. Lê Nguyên Thanh đặt vấn đề phải chứng minh quan hệ nhân quả một cách thận trọng sau khi phim đã được trình chiếu như có phải trong phim có nhiều cảnh phạm tội bạo lực, băng nhóm rất ấn tượng? Có phải tình hình tội phạm này đã gia tăng sau khi chiếu phim? Phần lớn người phạm tội thừa nhận đã từng xem và yêu thích phim?... 

"Phim ảnh có ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi, lối sống cá nhân. Tuy nhiên, để kết luận phim Người phán xử được trình chiếu trên VTV có làm gia tăng tội phạm bạo lực, xã hội đen hay không cần được chứng minh thêm, còn hiện tại vẫn là giả thuyết", ông cho hay.

Nhà văn Đào Trung Hiếu nói thêm, bộ phim này được remake từ kịch bản gốc của Israel nên đó là câu chuyện về mức độ phát triển của tội phạm ở nước ngoài chứ không phải tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.

“Có lẽ 10-20 năm nữa tại Việt Nam cũng chưa thể xuất hiện một "người phán xử" như trong phim này. Tuy nhiên trong sáng tạo điện ảnh, có chỗ cho sự sáng tạo mang tính dự báo, cảnh báo tương lai", ông nói.

Trích đoạn phim 'Người phán xử'

Gia Bảo

Thiếu tướng Lê Tấn Tới: Sau phim 'Người phán xử' tội phạm xã hội đen xảy ra nhiều

Thiếu tướng Lê Tấn Tới: Sau phim 'Người phán xử' tội phạm xã hội đen xảy ra nhiều

Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, sau khi VTV1 chiếu bộ phim "Người phán xử", tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen xảy ra rất nhiều.