{keywords}

Sau 2 lần dự thảo, dự thảo lần thứ 3 Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được xây dựng và tiếp tục lấy ý kiến của giới làm phim cũng như các cơ quan chức năng trong hội nghị sáng 9/12 do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chủ trì.

Quản lý phim trên mạng như thế nào?

{keywords}
Lượng phim lớn hơn hàng ngàn lần phim chiếu trên truyền hình hay ngoài rạp đang được đưa lên mạng và cần có sự quản lý, kiểm duyệt nội dung. 

Vấn đề được các đại biểu nêu ý kiến nhiều nhất và khó quản lý nhất hiện nay xoay quanh Điều 19 Phổ biến phim trên không gian mạng. Trong khi phim chiếu rạp phải qua Hội đồng duyệt phim Quốc gia thông qua, Đài truyền hình chịu trách nhiệm về nội dung phim phát sóng thì lĩnh vực phim chiếu trên không mạng lại đang khó quản lý.

Chính vì vậy, dự thảo lần 3 của Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1 gồm các quy định cụ thể về việc phổ biến phim trên không gian mạng cũng như yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng tại Việt Nam.

Phương án 2 cho rằng phim phổ biến trên không gian mạng tại Việt Nam phải được cấp phép phổ biến và phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình. 

{keywords}
TS Ngô Phương Lan đưa nhiều ý kiến xác đáng góp ý cho Luật Điện ảnh sửa đổi.  

TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho rằng, điều 19 dự thảo rất chặt chẽ nhưng có thể không khả thi vì nếu quản lý theo phương thức truyền thống thì nhà cung cấp dịch vụ OTT sẽ đưa vào kho nội dung của mình một lượng phim nhiều gấp hàng nghìn lần so với lượng phim chiếu ở rạp, dẫn đến khó có hội đồng nào duyệt phim xuể. Tuy nhiên nếu không duyệt các phim phổ biến trên môi trường mạng sẽ dẫn đến nhiều hậu quả và không công bằng so với việc phổ biến phim trong các môi trường khác.

Bà Lan cũng cho rằng việc yêu cầu các tổ chức cá nhân nước ngoài phổ biến phim trên không gian mạng phải có chi nhánh hoặc văn phòng tại Việt Nam khó khả thi. Trên thực tế các tổ chức nước ngoài sẽ vẫn cung cấp dịch vụ trên mạng cho người xem Việt Nam và hoàn toàn đứng ngoài vòng kiểm soát của pháp luật Việt Nam. Do vậy TS Lan đề nghị lấy thêm ý kiến các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân liên quan để quy định về việc phổ biến phim trên không gian mạng vừa công bằng với việc phổ biến phim trong các môi trường khác, phù hợp với sự phát triển của điện ảnh, công nghệ và khả thi.

{keywords}
Khác với series 'Bố già' của Trấn Thành trên YouTube hồi đầu năm, phim điện ảnh cùng tên ra rạp Tết 2021 sẽ phải qua hội đồng duyệt phim quốc gia. 

Đồng quan điểm, ông Lê Mạnh - Phó giám đốc VFC cho rằng việc xây dựng dự thảo về Phổ biến phim trên không gian mạng là phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian qua có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các quy định nên đã đem lại rủi ro cho người sử dụng tại Việt Nam. Nhiều nội dung đưa lên mạng chưa được biên tập hoặc xuất hiện nội dung vi phạm Luật Điện ảnh và Luật Báo chí, có nội dung xấu độc ảnh hưởng tới trẻ em. Do vậy sắp tới Cục PT-TH và TTĐT sẽ tham mưu ban hành quy định mới để quản lý tận gốc các nội dung vi phạm, bảo vệ quyền lợi người sử dụng tại Việt Nam.

Ông Thế Phong, đại diện HKFILM ủng hộ phương án 1 hơn phương án 2 trong dự thảo điều 19 Luật Điện ảnh (sửa đổi) với lý do cơ quan cấp phép không thể kiểm tất cả các phim chiếu trên mạng được mà chỉ có thể hậu kiểm. Thực tế thi hành luật sẽ gặp nhiều khó khăn cũng như khó về việc xử lý vi phạm. Ông Phong cũng đề xuất nên bổ sung quy định là phim đảm bảo có bản quyền phù hợp từ chủ sở hữu bản quyên. 
 
Tại Hội thảo, đại diện phòng Thanh tra pháp chế, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết Bộ TT&TT thường xuyên theo dõi nhắc nhở các Đài TH phát sóng phải tuân thủ các quy định đưa ra. Lực lượng thanh tra Bộ và các Sở TT&TT tăng cường kiểm duyệt với công tác biên tập để không lọt các phim có nội dung cấm, hạn chế sai sót thấp nhất nội dung vi phạm. Đại diện Cục này cũng thông tin trong khoảng 6000 phim phát sóng trên truyền hình thì về cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật ở Việt Nam.

Tuy nhiên với các phim phổ biến trên Interrnet, đây là vấn đề nan giải bởi số lượng đăng tải tính bằng từng giây từng phút với hàng trăm nghìn video clip, phim full, bản trích đoạn phim được đưa lên. Do vậy cần thiết đưa ra phương án quản lý phim trên Internet trong dự thảo lần này. Tuy nhiên việc quản lý phim trên nền tảng mạng rất rộng và đặt ra nhiều vấn đề bởi không chỉ có phim Việt phát sóng trên Internet mà có nhiều phim được cung cấp trên các trang xuyên biên giới.

Vẫn lúng túng chuyện phân quyền hội đồng duyệt phim 

{keywords}
Đường lưỡi bò phi pháp được Trung Quốc cài cắm trong phim hoạt hình 'Everest: Người tuyết bé nhỏ' chiếu tại Việt Nam. 

Vấn đề hội đồng duyệt phim luôn được nêu trong các hội thảo lấy ý kiến sửa Luật Điện ảnh và lần này không phải ngoại lệ. Ở dự thảo lần 3, điều 26 về Hội đồng phân loại phim quy định việc cấp phép phổ biến và phân loại phim, quyết định phát hành phim được thực hiện trên cơ sở ý kiến tư vấn của hội đồng phân loại phim. Thẩm quyền thành lập Hội đồng phân loại phim cũng được quy định rõ, phân về Hội đồng phân loại phim của Bộ VHTTDL, Hội đồng phân loại phim của tỉnh và Hội đồng phân loại phim của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động PT-TH.

{keywords}
Ông Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng duyệt phim quốc gia.  

Ông Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện thốt lên tại hội thảo trước khi đọc tham luận sáng 9/12: "Khi về duyệt phim tôi có ngạc nhiên, tại sao áp lực của hội đồng lớn như thế, công việc nhiều đến như thế!". Năm ngoái Hội đồng duyệt cũng đối mặt nhiều chỉ trích khi để lọt hình ảnh bản đồ 'đường lưỡi bò' phi pháp của Trung Quốc trong phim hoạt hình Everest: Người tuyết bé nhỏ. Mỗi năm hội đồng duyệt 10 người duyệt hàng trăm phim lớn nhỏ ra rạp, cả phim sản xuất trong nước lẫn phim nhập khẩu.

Vì vậy ông Trần Thanh Hiệp đề xuất, với phim Việt Nam, việc thẩm định, phân loại phim nên để cho giám đốc cơ sở sản xuất phim thẩm định và phân loại. "Việc giao quyền thẩm định và phân loại phim cho các cơ sở làm phim tự thực hiện chính là khuyến khích quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm", ông Hiệp nói. Tuy nhiên với phim nhập khẩu thì Hội đồng của Bộ VHTTDL vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm kiểm định và phân loại phim truyện chiếu rạp chứ không có chuyện giao cho các cơ sở kinh doanh phổ biến phim thẩm định và phân loại. 

{keywords}
Phim 'Ròm' từng phải nộp phạt vì mang đi LHP Busan khi chưa qua cửa kiểm duyệt tại VN.

Liên quan đến thẩm quyền cấp phép phổ biến phim, TS Ngô Phương Lan băn khoăn: "Dự thảo đang phân cấp thẩm quyền cấp phép phổ biến phim ở trung ương (Bộ VHTTDL) và địa phương (UBND cấp tỉnh). Vậy có cần đề phòng trường hợp phim do tỉnh này cấp phép mà tỉnh kia từ chối chiếu? Để tránh tình trạng đó thì cần có quy định trong Luật. Chưa rõ phim tham gia các LHP quốc tế, LHP chuyên đề tại Việt Nam thì thẩm quyền cấp phép thuộc ai?".  

Như vậy có rất nhiều nội dung cần được làm rõ và cụ thể hơn trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) sắp tới. 

Quỳnh An 

Cuộc 'tái hôn' bất ngờ của điện ảnh Việt với VTV

Cuộc 'tái hôn' bất ngờ của điện ảnh Việt với VTV

Sau một thời gian dài kể từ "Điện ảnh chiều thứ 7", điện ảnh Việt lại bắt tay trở lại với VTV làm tuần phim Việt mỗi quý một lần, giới thiệu những tác phẩm đặc sắc của điện ảnh nội theo từng chủ đề khác nhau.