Truyền thuyết về Quán Tiên chưa công chiếu nhưng vừa được trao giải Cánh diều bạc tại giải Cánh diều của Hội Điện ảnh, vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký khác như Anh trai yêu quái, Mắt biếc... Kết quả này gây bàn tán, tương tự như một vài lần trước đó khi phim của Đinh Tuấn Vũ được xướng tên.

Zing có cuộc trao đổi với đạo diễn Đinh Tuấn Vũ - người mới tròn 30 tuổi, có 6 phim điện ảnh nhưng cũng luôn vướng điều tiếng được ưu ái tại các giải thưởng, được tạo điều kiện làm phim vì là con trai của Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh.

"Tôi bị nhìn nhận nghiêm khắc"

- Phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” do anh đạo diễn vừa giành Cánh diều bạc tại giải thưởng Hội Điện ảnh khi chưa công chiếu. Tại sao chưa công chiếu anh vẫn quyết định tham gia dự giải, vốn dễ trở thành vấn đề gây tranh cãi?

- Tôi chỉ tập trung làm chuyên môn. Còn quyết định tham gia các Liên hoan phim (LHP) quốc tế và trong nước hoàn toàn là quyết định của nhà sản xuất (NSX) phim. Không chỉ Truyền thuyết về Quán Tiên mà các phim tôi làm từ trước đến nay cũng đều do NSX quyết định có gửi đi LHP hoặc giải thưởng điện ảnh.

- Việc “Truyền thuyết về Quán Tiên” vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký năm vừa qua như “Anh trai yêu quái” hay “Mắt biếc” để về “ngôi hậu” cũng là vấn đề nhận được những bàn luận. Anh nói gì về kết quả này?

- Trong những phim được giải thưởng năm nay, tôi chưa xem Anh trai yêu quái. Còn Mắt biếc, theo tôi là một bộ phim được làm chỉn chu, đầu tư rất lớn và công phu.

Tôi nghĩ tất cả sự bàn luận về phim của tôi xuất phát từ việc nhiều người chưa xem phim. Hy vọng họ sẽ dành thời gian để ra rạp khi phim Truyền thuyết về Quán Tiên được công chiếu.

- Có ý kiến trong hậu trường Cánh diều: “Cứ phim của Đinh Tuấn Vũ là được giải”. Anh phản hồi ra sao?

- Tôi đã làm 6 phim điện ảnh, cũng mới chỉ có 2 phim được Cánh diều thôi. Và cũng có vài phim của tôi thậm chí không tham gia giải thưởng này. Có lẽ do ai đó ấn tượng với phim của tôi quá đến mức nghĩ vậy chăng?

- Nhắc đến Đinh Tuấn Vũ, truyền thông và cả một bộ phận giới làm nghề vẫn luôn nghĩ anh được ưu ái ở các giải thưởng vì mẹ anh từng là Cục trưởng Cục Điện ảnh nhiều năm. Anh đối diện với những điều này như thế nào?

- Sự thật là ngược lại. Phim của tôi luôn được xem và nhìn nhận bằng con mắt nghiêm khắc trong các Liên hoan phim chứ không hề được ưu ái. Dù thế nào, tôi luôn lấy đó làm động lực để tự hoàn thiện bản thân và những bộ phim tiếp theo của mình hơn nữa.

'Toi bi nghi ky vi la con trai cua nguyen Cuc truong Dien anh' hinh anh 1 91814003_10213437320086131_6907659875694673920_o.jpg

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nhiều lần gây tranh cãi khi đoạt giải ở Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.

"Nhiều người nghĩ tôi dễ đoạt giải vì là con của nguyên Cục trưởng"

- So với thị trường đạo diễn, anh còn trẻ, đã làm nhiều phim, đã đi qua nhiều thể loại, đã được ghi nhận ở những giải thưởng. Nhưng tại sao báo chí và cả một bộ phận giới trong nghề vẫn có những nghi kỵ về anh, về những tác phẩm của anh?

- Như bạn đã nói, đơn giản vì tôi là con trai của nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh. Bởi vậy, nhiều người nghĩ tôi làm phim dễ dàng và đạt giải thưởng cũng dễ lắm.

Khi tôi đạt giải thưởng quốc tế lớn nhất tại LHP ở Manila, Philippines (các phim tham dự đến từ Malaysia, Tây Ban Nha, Pháp, Philippines...), họ không thể “trách” Ban giám khảo quốc tế, thì họ lại nói rằng: khi làm Cuộc đời của Yến, tôi được các nghệ sĩ gạo cội giúp đỡ là chính chứ cũng không phải làm gì. Buồn cười hơn, có người từng nói với bố tôi rất nghiêm túc: “Phim Cuộc đời của Yến thực ra là do Victor Vũ đạo diễn chứ không phải Đinh Tuấn Vũ đúng không?”.

Điều quan trọng là tôi không làm phim để chứng tỏ hay xoá bỏ nghi kỵ. Tôi làm phim vì đó là công việc tôi say mê đến mức nghiện ngập.

- Anh ít có những bộ phim đại thắng phòng vé, thậm chí có những phim bị cho là thất thu. Vì sao?

- Tôi luôn muốn phim của mình được khán giả yêu mến. Nên ở điểm này, tôi thừa nhận mình còn phải trau dồi nhiều hơn nữa để những bộ phim của mình đến được với đông đảo khán giả.

Với Truyền thuyết về Quán Tiên, tôi nghĩ mình vẫn đang đi đúng trên con đường đó.

- Có trường hợp “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” - một bộ phim của anh, bị tẩy chay vì scandal của Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn - An Nguy. Với tư cách đạo diễn, anh nghĩ gì?

- Tôi là người cầu toàn, bởi vậy với mỗi dự án phim tôi đều đeo đuổi nó đến tận cùng và từng khâu nhỏ nhất về âm thanh, âm nhạc, kỹ xảo, chỉnh màu... thậm chí còn tự dựng trailer cho phim. Bởi vậy, mọi chuyện khác ngoài chuyên môn, tôi rất lơ mơ. Có lẽ đó cũng là điều mà tôi phải cải thiện.

'Toi bi nghi ky vi la con trai cua nguyen Cuc truong Dien anh' hinh anh 2 thumb_1.jpg

Đinh Tuấn Vũ sinh năm 1989 là đạo diễn của các phim Cuộc đời của Yến, Taxi Em tên gì hay Chú ơi, đừng lấy mẹ con...

"Phim chiến tranh Việt không được truyền thông mạnh mẽ"

- Là phim Việt đầu tiên phát hành sau thời gian cách ly xã hội, "Truyền thuyết về Quán Tiên" của anh có áp lực?

- Những ngày này, tôi đang hồi hộp theo dõi lượng khán giả tới rạp “hậu cách ly”. Việc các rạp chiếu đóng cửa một thời gian dài dường như khiến thói quen ra rạp của khán giả bị ảnh hưởng khá nhiều.

- Trước "Truyền thuyết về Quán Tiên", anh cũng đã có vài bộ phim về cuộc đời phụ nữ. Điều gì thôi thúc anh?

- Bản thân mỗi câu chuyện lại có sự thôi thúc riêng của nó. Và cái duyên để tôi bắt gặp những câu chuyện mình từng kể trên phim cũng vô cùng khác nhau.

Truyền thuyết về Quán Tiên là truyện ngắn của cố nhà văn Xuân Thiều đã ám ảnh tôi lâu lắm rồi, thậm chí từ trước khi tôi làm Cuộc đời của Yến.

Qua thời gian, tôi đã lập gia đình, có con trai... Và tôi cảm nhận được nhiều khía cạnh sâu sắc về nỗi đau của từng người phụ nữ trong nguyên tác. Thôi thúc được truyền tải cho người xem những nỗi đau khó nói đó giúp tôi đủ dũng cảm để làm bộ phim này.

- Nỗi cô đơn của phụ nữ trong chiến tranh là một ẩn ức suốt nhiều năm, không ít tác phẩm văn học đã khiến người đọc phải rơi nước mắt ngay trên những trang văn. Làm đề tài ấy được cho là không dễ?

- Ngôn ngữ văn học rất khác ngôn ngữ điện ảnh. Với Truyền thuyết về Quán Tiên, cố nhà văn Xuân Thiều dành nhiều trang viết về nội tâm của nhân vật Mùi, về những câu hỏi, những lời tự vấn bản thân, sự dằn vặt trong tâm trí cô. Và chính những dằn vặt được tích tụ đó đã khiến cô bùng nổ trong một đêm đau đớn và kỳ lạ nhất...

Vậy làm thế nào để biến những nội tâm phức tạp thành hình ảnh đây? Câu hỏi đó đã đeo đẳng tôi suốt quá trình chỉnh sửa kịch bản, chuẩn bị cho bộ phim.

Cũng có lúc tôi định dùng “tiếng nội tâm”, như thế sẽ dễ hơn nhiều. Nhưng tôi đã quyết định không sử dụng kỹ thuật đó mà hoàn toàn tạo ra những tình huống để nhân vật tự thân bộc lộ ra những cảm xúc bên trong đủ để người xem cảm nhận và đồng cảm với Mùi.

- Trong khi phim về chiến tranh, về bom lửa của nước ngoài không ít phim thắng lớn, được ca ngợi thì không ít phim chiến tranh Việt đắp chiếu vì không có khán giả, báo chí thờ ơ, giới quan sát không đánh giá cao. Theo anh, tại sao?

- Lý do có lẽ là vì chưa có phim nào được truyền thông mạnh mẽ cả. Nếu điều đó thay đổi, tôi tin phim chiến tranh Việt Nam sẽ có khán giả, thậm chí có thể đạt doanh thu cao.

'Toi bi nghi ky vi la con trai cua nguyen Cuc truong Dien anh' hinh anh 3 59335004_10211333509892191_123703824153051136_o_1.jpg
'Toi bi nghi ky vi la con trai cua nguyen Cuc truong Dien anh' hinh anh 4 62411906_10211553409949555_7534022994016862208_n.jpg

Đinh Tuấn Vũ cho rằng dù phim Nhà nước hay tư nhân cũng phải hướng đến khán giả.

"Không phải cứ phim Nhà nước là khô khan, cứng nhắc"

- Có người từng xem “Truyền thuyết về Quán Tiên” và cho rằng đó là một bất ngờ của phim nhà nước vì không ai nghĩ phim khai thác táo bạo đến vậy, thậm chí không ít vấn đề nhạy cảm?

- Nhà văn Xuân Thiều đã khai thác những vấn đề đó trong văn học từ hơn 3 thập kỷ trước. Nên sự táo bạo của tôi cũng là sự tiếp nối tinh thần đó.

Có những cảnh nhạy cảm tôi cũng đắn đo nhiều đêm liền không biết có nên đưa vào phim không. Nhưng rồi điều tối quan trọng vẫn là phải giữ được tinh thần của tác phẩm. Tôi nghĩ những gì mình đã quyết định là chính xác.

- Yếu tố kinh dị, rùng rợn được đưa có phả để câu khách cho phim Nhà nước vốn vẫn bị cho có cách làm khô khan, cứng nhắc. Anh nói sao?

- Dù là phim Nhà nước hay tư nhân thì liệu có mục đích nào cao hơn việc hướng đến khán giả?

Và nếu nói phim Nhà nước là khô khan, cứng nhắc thì không phải. Thương nhớ đồng quê, Lưỡi dao hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là dẫn chứng cho thấy những sinh động của phim Nhà nước.

Đối với Truyền thuyết về Quán Tiên, yếu tố rùng rợn là một phần của câu chuyện. Bởi không rùng rợn sao được khi ba cô gái xinh đẹp phải ở giữa một hang động rộng lớn giữa rừng sâu? Khi đêm xuống, ngay cả một âm thanh nhỏ nhất vọng đến cũng khiến họ phải nép chặt vào nhau rồi...

- Câu chuyện hậu trường đáng nhớ nhất mà anh có thể chia sẻ?

- Có lẽ là cảnh... tắm tiên. Nhìn trên phim và ảnh thấy ba nữ diễn viên rất sảng khoái đùa giỡn nhưng sự thực là nước suối hôm đó lạnh ngắt bởi vừa trải qua một đêm mưa rào.

Mặc dù vậy, cả Thuý Hằng, Minh Khuê và Mai Anh đều không ai kêu ca một tiếng. Tôi nghĩ nếu ai tinh ý thì khi xem phim sẽ nhận ra làn da và môi của họ tím lại vì lạnh trong những cảnh phim đó.

(Theo Zing)

Phim Việt duy nhất 'liều mình' ra rạp

Phim Việt duy nhất 'liều mình' ra rạp

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nói gì khi đưa phim ra rạp vào thời điểm hậu giãn cách mà ngay cả các hãng phim bom tấn cũng phải né để tránh thiệt hại...