Vĩnh cửu là một bộ phim không có cốt chuyện rõ ràng và được đặt nặng cảm xúc lên trên tất cả. Chính vì thế, mỗi một khán giả đều có một cảm nhận riêng cho mình với những gì họ đã từng trải qua và bây giờ họ tiếp nhận từ bộ phim…

Điểm đầu tiên dễ nhận ra nhất từ Vĩnh cửu là chất màu của khuôn hình- vàng đậm. Cái màu nắng xuyên suốt bộ phim giống như màu nắng của trời Châu  u mùa hè vào những lúc cuối giờ chiều, rực rỡ sau một ngày tươi đẹp nhưng cũng chuẩn bị lụi tàn khi hoàng hôn về đến. Sự giao thoa giữa lộng lẫy- lịm tắt này khiến cho cảm xúc của mỗi khuôn hình bộ phim luôn được đặt ở trạng thái tiếp nhận những được-mất một cách bình thản. 

{keywords}

Có sự đau đớn trong tiếng khóc thiết của nhân vật khi một người thân yêu ngừng thở trước mặt mình, nhưng đồng thời cũng có sự ngơ ngác khi nhìn người mình yêu thương chấp chới, rồi sau đó mất hút dưới màu nước biển xanh thẳm trong tầm nhìn… Cách nào cũng vậy, đều là sự bị động trước những cuộc ra đi không báo trước về sinh mệnh.

Nhưng mùa hè trong Vĩnh cửu không chỉ là mất mát, mà còn rất nhiều những tươi vui khi trở đi trở lại là những cảnh trẻ con rượt đuổi nhau trong khu vườn xanh lá ngập hoa. Tiếng cười con trẻ và cả sự ý nhị của những người lớn khi nằm cạnh nhau, ngồi cạnh nhau uống trà và đọc sách… Cuộc sống thảnh thơi nối tiếp như một sự bất tận.

{keywords}

Đạo diễn Trần Anh Hùng có chia sẻ, sự vĩnh cửu với ông chính là tình yêu của người đàn ông với người phụ nữ. Nối tiếp vào đó là đứa con ra đời. Và cứ thế tình yêu truyền thừa ấy đi qua tất cả mặc kệ thời gian…

Bộ phim, nói theo cách nào đó, giống như một cuốn gia phả của gia đình của người phụ nữ có tên là Valentine. Và nó được kể tiếp với sự xuất hiện của người con dâu Mathilde rồi tiếp diễn với cô bạn thân của Mathidle là Gabrielle. 

{keywords}

Cái mùa hè bất tận trong Vĩnh cữu được neo giữ bởi câu chuyện của 3 người phụ nữ này. Mất mát và niềm vui đến với họ một cách tự nhiên, không ngắt quãng nhưng đồng thời nó cũng tạo ra sự tuyệt vọng về niềm tin bản thân ở đâu đó trong số những người thân yêu của họ. Để có người phải rời bỏ cuộc sống thường nhật hiến đời mình cho đức tin như không còn lựa chọn nào khác tốt hơn. Xong đến cuối cùng, chính con người đó cũng bị lạc loài với đức tin mà mình đã lấy nó làm đời sống.

Vĩnh cửu mang đạo diễn Trần Anh Hùng đến với một thể loại khác với tất cả những gì anh từng làm trước đó. Chính vì mỗi buổi sáng bước ra phim trường anh mới hình dung mình sẽ làm gì, với từng ấy diễn viên sẽ xuất hiện trong bối cảnh chứ không toan tính trước. Thế nên, sự sắp đặt cảm xúc vì thế mà hiện diễn rất rõ. Không hiểu sao, cảm giác của người viết khi xem những lúc chuyển cảnh trong phim thì cảnh sau luôn có một độ trễ nhất định từ 1-3 giây so với cảnh trước. Như thể là đạo diễn phải hô : “Diễn!” thì cảnh phim mới bắt đầu và diễn viên mới diễn. 

Độ trễ này một phần cũng đến từ những góc máy mà nhà quay phim Lee Bin Ping tạo ra. Đặc biệt là với những cảnh nhân vật đi theo những lối hành lang của căn biệt thự rộng lớn mà họ sống. Tiêu biểu nhất cho quan điểm này chính là vào lúc gần cuối phim, người chồng của Mathilde đi dọc theo hành lang trong nhà, và nối tiếp từng bước đi ấy là cảnh những đứa trẻ con lần lượt bước vào phòng ngủ, từng căn phong một, từng nhóm trẻ một. Thứ tự rõ ràng, động tác gần giống nhau, biểu cảm cũng tương tự…

Bộ phim có quá nhiều cảm xúc, nhưng những cảm xúc đó để lộ sự sắp đặt của bàn tay đạo diễn. Kiểu như máy quay đi đến đâu thì diễn viên diễn đến đó. Có một sự chờ đợi trước khi bắt đầu thay vì là hãy cứ bắt đầu rồi sau đó máy quay sẽ xuất hiện. Vậy nên, nếu không phải là những diễn viên nổi tiếng (thứ sẽ tạo nên sự chú ý cho bộ phim bên cạnh tên tuổi của đạo diễn và nhà sản xuất) Audrey Tautou, Bérénice Bejo và Mélanie Laurent thì nếu là một dàn diễn viên khác cảm xúc về bộ phim cũng sẽ chịu sự thay đổi rất ít.

Phim của Trần Anh Hùng luôn đẹp và thậm chí là đẹp đến độ duy mỹ. Tuy nhiên, cái đẹp của 10 năm trước và 10 năm sau đã khác, thậm chí là chỉ cần cách vài năm đã khác. Cái khác này không chỉ phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ làm phim mà còn là sự phát triển về tư duy và nhận thức của một nhà làm phim hiện đại. 

{keywords}
Phim ra mắt khán giả Việt Nam từ 9/9

Đạo diễn đã mất 6 năm để làm được Vĩnh cửu. Nghĩa là có khoảng gần 2.000 ngày bộ phim ấy đã được chiếu trong đầu của anh trước khi nó xuất hiện trên màn ảnh rộng bằng những thước phim sống động. Một thời gian dài, đủ dài để Vĩnh cửu đạt đến độ hoàn hảo của một bộ phim nghệ thuật với một đạo diễn kỹ tính như Trần Anh Hùng…

Ai cũng có lý do của riêng mình. Việc các liên hoan phim Cannes 2016, Venice 2016- hai nơi đã từng vinh danh tên tuổi của đạo diễn Trần Anh Hùng- không nhận phim Vĩnh cửu cũng không phải là không có cơ sở. Khi với lịch sử lâu đời của Liên hoan phim cùng các thành viên ban tuyển chọn, ban giám khảo nổi tiếng trong nghề… Chắn chắn chúng ta không nên chủ quan nhận định rằng họ thiếu tầm để phải bỏ lỡ một tuyệt tác. 

Vĩnh cửu là một bộ phim về cảm xúc. Xin phép được nhắc lại một lần nữa về điều đó. Và đã là cảm xúc thì không có khuôn thước nào có thể định giá được… Chỉ là cảm xúc ấy có đạt đến điểm mà đạo diễn phim mong đợi và có đạt đến điểm mà khán giả nói chúng mong đợi, chứ không riêng gì những khán giả đã yêu thích Trần Anh Hùng. 

Việt Phong