- Nhiều người nói quan họ đẹp bởi cả một văn hóa gắn liền với nó nhưng không hẳn vậy. Chỉ với lời ca và giai điệu da diết, thiết tha, hơi thân phận và một chút dí dỏm cũng đủ chinh phục lòng người.

Yêu nhau!

Người quan họ thường khiêm nhường, ít nói về mình, tự nhận phận em trong cách xưng hô, kể cả khi liền anh giao tiếp với liền chị. Người quan họ thường nhường cho bạn phần hơn. Nhưng khi giãi bày tình cảm yêu đương lại khác. Dù vẫn lời lẽ tế nhị song cũng rất mạnh dạn bày tỏ nỗi lòng nhớ thương đến người mình yêu bằng lời ca say đắm trong những giai điệu trữ tình, thiết tha.

{keywords}

Một canh quan họ cổ ở Bắc Ninh ngày na.

Có lẽ ai cũng biết mấy lời quan họ quen trong bài “Ngồi tựa song đào”: Ngồi rằng là ngồi tựa í ơ có mấy song ơ ới ơ ơ đào là ngồi tựa có ơ song đào ấy mấy đêm là đêm ơ ơ hôm qua… Đó là tâm trạng cô gái nhớ về người tri kỷ, nỗi nhớ da diết, cồn cào khiến cô không ngủ được, cứ bồn chồn ra vào, lại ngồi tựa mình bên cửa sổ ngóng ra ngoài màn đêm.

Sự nhớ thương đã bùng lên tới khát khao, tới độ: “Năm canh gió lạnh đêm trường/ Nửa chăn, nửa chiếu, nửa giường để đó đợi ai?” Để rồi cô gái trong trắng tinh khiết và thơm như bông hoa nhài tự lấy đôi tay mình ngắt nhụy mà mơ đôi tay ai đang “đón gió ghẹo trăng”:“Đôi tay ngắt nhụy huê nhài/ Tay giơ đón gió,tay chòi ghẹo trăng”. Lại chợt tỉnh về thực tại, cô đành tự an ủi rằng: “Rủi may bởi tại chị Hằng”.

Trong khi đó người tri kỷ của cô gái lại đang một mình “Ngồi tựa mạn thuyền” nhìn “Trăng in mặt nước càng nhìn càng xinh”. Rõ ràng chàng trai đã nhìn khuôn trăng in trên mặt nước mà ngỡ như khuôn mặt người thương. Trong không gian sơn thủy hữu tình mà thành thơ, thành tiếng trúc tiếng tơ hay chính là tiếng lòng chàng trai: “Trông lên sơn thủy hữu tình/Thơ ngâm ngoài lái rượu bình trong khoang/ Đôi tay em dạo cung đàn/ Tiếng tơ tiếng trúc bổng trầm thiết tha”. Và anh cũng tự an ủi về sự xa cách nhớ nhung người yêu rằng: “Làm trai chơi chốn cầu hà”.

Đó là một cặp đối hay, tình tứ và được nhiều người biết đến nhất. Cái hay của quan họ tạo nên sự khác biệt so với dân ca khác là cách kết thúc bài. Chủ yếu các bài đều được phổ từ thơ lục bát, song thay vì kết thúc ở câu 8 như thông thường, trong quan họ hay gặp kết thúc ở câu 6. Việc này một mặt tạo cảm giác không hoàn chỉnh và còn tiếp diễn bởi quan họ là hình thức hát đối đáp. Khi một bên ra vế đối thì bên kia phải đáp lại. Như thế sẽ tạo cảm giác liền mạch cho người hát cũng như người nghe hát. Một mặt khác, nó tạo nên một cảm giác còn thiếu, khiến người nghe cứ vấn vít mãi theo câu hát không sao dứt ra được. Chính vì thế mà sự giãi bày nhớ nhung da diết của quan họ lại càng thêm đậm đà.

Chả lấy được nhau!

Còn gì buồn hơn khi yêu nhau mà không lấy được nhau? Có lẽ từ “cái sự” buồn ấy cộng thêm tâm hồn nghệ sĩ bay bổng người quan họ mới ra được những câu hát da diết đến thế. Tất nhiên, việc không được lấy nhau không phải là quy định bắt buộc của những người chơi quan họ như đã có hiểu nhầm. Chuyện không lấy nhau chỉ xảy ra ở những bọn quan họ (từ chỉ một tốp nghệ nhân) kết bạn với nhau trong khi giữa hai làng của họ có tục kết chạ.

Kết chạ là kết nghĩa anh em, khi hai làng kết chạ thì coi như người trong một nhà vì thế không được lấy nhau. Kết chạ là một nét đẹp văn hóa Việt Nam rất phổ biến ở vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ, Kinh Bắc chỉ là một vùng trong đó. Vì thế, nếu 2 bọn không nằm trong 2 làng kết chạ thì vẫn được lấy nhau. Nhưng dẫu sao vẫn có những người quan họ yêu nhau, không lấy được nhau và giãi bày trong những câu ca như rút từ ruột gan ra vậy.

Yêu nhau mà không lấy được nhau thì biết trách ai đây? Thôi thì đành trách ông tơ hồng sao chẳng se duyên! Tôi từng được nghe anh hai Hữu Duy hát bài “Lên tiên cung” hay đến lạ lùng. Hay và lạ ở chỗ nội dung đề tài độc đáo, cách triển khai cũng hết sức thú vị: “Bực mình lên tận tiên cung/ Đem tơ hồng xuống hỏi thăm vài nhời/ Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi/ Lênh đênh bèo nổi hoa trôi vài thì/ Biết mặt nhau mà làm chi/ Để đêm tưởng nhớ để ngày nhớ thương/ Tò vò mắc phải nhện vương/ Đã trót ran ríu thì thương nhau cùng”. Và cuối cùng bài kết ở câu 6 (biến thể) lưng lửng: “Tôi với ai lên tận tiên cung”.

"Lên tiên cung"- quan họ cổ do Hữu Duy thể hiện

Cũng vẫn là yêu nhau nhưng không lấy được nhau, tôi từng nghe NSƯT Khánh Hạ hát có cách giãi bày rất khác. Nếu như “Lên tiên cung” mang tính trữ tình, thì “Con ếch” dí dỏm dù nó đang truyền tải chuyện tình buồn không có ngày đơm hoa kết trái. Mở đầu bài là “Ngồi dồi núc lạt cho mềm/ Buộc lưng con ếch treo lên cái cày/ Yêu nhau ta đi ban ngày/ Ngượng ngùng đâu để mẹ thày rày la/ Đi đêm sợ kẻ gian tà/ Nói vào thì ít, nói ra thì nhiều”.

Tới đây thì âm nhạc chựng lại để người quan họ giãi bày nỗi lòng mình: “Yêu nhau chả lấy được nhau” Và rồi trở lại nhịp độ ban đầu có phần trong sáng với nội dung ca từ là hướng giải quyết cho việc không lấy được nhau rằng: “Ta về dao kéo nạo đầu đi tu/ Người đi tu ở chùa nào?” Cũng có những biến thể khác, nội dung vẫn như vậy: “Người về mượn thợ đánh dao/ Em về đánh kéo nạo đầu đi tu”. Cứ ngỡ kết cục của một chuyện tình lại ra nông nỗi này, giống như chuyện tình Lan và Điệp thì buồn quá. Hóa ra không phải vậy, cách giải quyết của người quan họ không tiêu cực mà rất dí dỏm: “Để em làm tiểu em vào tu chung” (có người hát là: “Ắt hẳn là ta tu chung”). Vậy là dù không lấy được nhau nhưng vẫn có thể suốt đời ở bên nhau.

Cái tình của người quan họ là vậy. Sự trọn nghĩa vẹn tình cũng chính là một trong những yếu tố giúp quan họ trường tồn cùng thời gian và luôn được người đương thời yêu mến!

Nguyễn Quang Long