-"Vấn đề văn hóa trong các doanh nghiệp hiện nay vô cùng cấp thiết, thế giới đã chú trọng tới vấn đề này từ khá lâu trong khi Việt Nam lại có vẻ lơ là", PGS TS Dương Thị Liễu - Phó viện trưởng Viện văn hóa kinh doanh.

{keywords}
Nhạc sĩ An Thuyên (thứ 2 từ trái qua phải) trao con dấu và giấy phép hoạt động cho ông Trần Trọng Toàn - Viện trưởng (thứ 2 từ phải qua trái) và bà Dương Thị Liễu - Viện phó.

Sáng 6/11 tại Hà Nội, Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ra mắt đơn vị trực thuộc là Viện văn hóa kinh doanh. Viện văn hóa kinh doanh ra đời có sứ mệnh đặc biệt quan trọng là góp phần gia tăng các giá trị văn hóa cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Tiêu chí hoạt động của Viện cũng được ban lãnh đạo đề ra rất rõ ràng dựa trên 3 giá trị cốt lõi: Khác biệt, Chuyên sâu và Thực tiễn. Trong năm 2015, Viện sẽ tổ chức các cuộc hội thảo đồng thời xây dựng khung/tiêu chí văn hóa trong doanh nghiệp cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Nói về tầm quan trọng và ý tưởng ra đời Viện văn hóa kinh doanh này, PGS TS Dương Thị Liễu - Phó Viện trưởng Viện văn hóa kinh doanh cho hay: "Trên thực tế hiện nay, vẫn có không ít những doanh nghiệp kinh doanh buôn bán còn nhiều bất ổn về đạo đức, ứng xử với nhân viên... nên cần có một tổ chức đứng ra nghiên cứu, tư vấn chuyên sâu về vấn đề văn hóa doanh nghiệp".

Ông Trần Trọng Toàn - Viện trưởng Viện văn hóa kinh doanh cho rằng, vai trò của văn hóa kinh doanh trong thúc đẩy phát triển bền vững thực sự quan trọng. "Trong điều kiện một nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn đang trong quá trình hoàn thiện, các doanh nghiệp Việt Nam vừa phải tự tăng cường năng lực vừa phải cạnh tranh gay gắt trong một môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mà nếu không xây dựng và phát triển được văn hóa kinh doanh của chính mình thì sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà", ông Toàn nhấn mạnh.

Ông Toàn cho biết, Viện văn hóa kinh doanh vừa ra đời với nhiều thách thức không nhỏ nên rất cần sự hợp tác của rất nhiều cơ quan ban ngành, nhất là các doanh nghiệp.

P.V