Tập 1 bộ biên niên sử "Tư trị thông giám" của sử gia Tư Mã Quang chính thức phát hành tại Việt Nam ngày 25/11. 

Tác phẩm sử học "Tư trị thông giám" gồm 18 tập, được thực hiện chuyển ngữ bởi nhóm dịch giả Bùi Thông - Phạm Thành Long - Nguyễn Đức Vịnh.

"Tư trị thông giám", là bộ sử quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, được viết theo thể biên niên. Nội dung của nó bao trùm một khoảng thời gian lịch sử rất dài, bắt đầu từ Chu Uy Liệt vương thời nhà Chu (403 trước Công nguyên), và kết thúc vào đời Chu Hiển Đức nhà Hậu Chu (959 sau Công nguyên), tổng cộng 1.362 năm, xuyên suốt 16 triều đại chính thống (theo sắp xếp của Tư Mã Quang).

{keywords}


Xuất phát từ mục đích viết sử để góp phần củng cố sự thống trị của vương triều, xuyên suốt tác phẩm, nội dung và hình thức của sách mang màu sắc chính trị rất rõ nét, có thể nói, đây là điều quyết định quan điểm chính trị của sách. Bộ sử này không chỉ đơn thuần là ghi chép sự kiện, mà còn thông qua các sự kiện đó, phân tích rõ đầu mối của trị - loạn - hưng - suy, phân tích thiện ác, các chính sách… từ đó đúc rút kinh nghiệm, thành tấm gương soi cho bậc đế vương thi hành đạo trị quốc.

"Tư trị thông giám" ghi chép về rất nhiều mặt, bao gồm: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, học thuật, tôn giáo, triết học, chính sách đối nội – đối ngoại, tư liệu sử học, kinh học, ấn chương học, thiên văn học, địa lý học, thổ mộc kiến trúc, thuỷ lợi… phạm vi cực kỳ rộng lớn. Vua Tống Thần Tông nói: "Cả thảy ghi chép về mười sáu triều, biên thành hai trăm chín mươi tư quyển, bày trong một gian phòng mà tóm lược được hết việc cổ kim, nội dung rộng mà chốt được yếu điểm, ghi chép tinh giản mà thuật rõ các việc, đấy cũng là tổng hợp các loại điển chương chế độ đời trước, là bộ thư tịch sâu rộng đầy đủ rồi".

Tài liệu mà "Tư trị thông giám" trích dẫn vô cùng phong phú, ngoài chính sử ra, còn có 322 loại tài liệu liên quan đến dã sử, truyện trạng, phả lục... Những tài liệu cổ này đến nay phần lớn đã thất truyền, nhờ "Tư trị thông giám", giới học thuật thấy lại được một phần của rất nhiều tài liệu đã mất, một phần tri thức của người xưa qua sách này được bảo tồn. 

T.Lê