Chiều 18/11, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì kết hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ trao giải báo chí về chủ đề Văn hoá ứng xử. 37 tác phẩm xuất sắc từ 8 cơ quan báo chí được trao giải báo chí văn hoá ứng xử

VietNamNet xin trích đăng lại các tác phẩm đoạt giải để nhân rộng hơn nữa kết quả tốt đẹp của giải báo chí Văn hoá ứng xử lần đầu được tổ chức.  

Loạt bài Văn hoá công sở - Văn hoá người Hà Nội do nhóm tác giả Kiều Duy Chánh, Cù Xuân Trường, Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Hồ Hải Hà báo Hà Nội mới thực hiện đoạt giải Nhất giải báo chí Văn hoá ứng xử. 

Bài 1: Công chức - “công bộc” của dân

Công chức là công bộc của dân, là cánh tay nối dài của chính quyền trong việc phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Thời gian qua, hình ảnh công chức ở Hà Nội được cải thiện rất nhiều khi hệ thống quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống, song hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Những câu chuyện mắt thấy, tai nghe của phóng viên Báo Hànội mới cho thấy, vẫn còn không ít tồn tại, cần được căn chỉnh kịp thời, để củng cố, nâng cao hơn nữa văn hóa công sở.

Trăm nghe không bằng một thấy

8h sáng mới đến giờ làm việc, song từ trước đó, nhân viên bộ phận “một cửa” UBND phường Thành Công (quận Ba Đình) đã có mặt tại trụ sở, sẵn sàng phục vụ công dân giải quyết thủ tục hành chính. Từ 8h30, người dân đến văn phòng mỗi lúc một đông, khiến nhân viên trực tại vị trí này liên tục bận rộn trong vòng quay “tiếp nhận - giải đáp - trả kết quả”. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hà nội mới, mọi thủ tục tại đây được tiến hành nhanh gọn và nhân viên luôn niềm nở, tận tình.

Trong khi đó, tại UBND phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), 10h40 thứ bảy (ngày 6/7) tấp nập người ra vào và không khí làm việc cũng rất khẩn trương, nhằm phục vụ yêu cầu của các cá nhân, tổ chức. Trong vai người dân đến chứng thực hồ sơ, phóng viên Báo Hà nội mới được cán bộ bộ phận “một cửa” của phường hướng dẫn chu đáo, dù sát giờ nghỉ, vẫn đề nghị: Mang giấy tờ đi "chụp phôtô" nhanh, văn phòng sẽ chờ, trả luôn kết quả.

Thực tế cho thấy, hiện nay, việc đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất đã thổi làn gió mới, làm cho bộ mặt công sở “khang trang, hiện đại và quy củ” hơn. Nhiều nơi đã trang bị đầy đủ điều hòa, quạt mát, ghế ngồi chờ… phục vụ người dân, doanh nghiệp đến giao dịch, làm việc. Cùng với đó là bảng, biển hướng dẫn được lắp đặt ở những nơi dễ tiếp cận. Hòm thư góp ý, sổ ghi ý kiến… được treo, để công khai. Và, sự xuất hiện của hệ thống máy tính kết nối mạng, hỗ trợ công dân đăng ký trực tuyến một cách dễ dàng, cho thấy chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động luôn được coi trọng.

Cùng với cơ sở vật chất, phong cách giao tiếp, tác phong phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cũng có tiến bộ rõ rệt. Không chỉ các phường Thành Công, Quốc Tử Giám, mà tại bộ phận “một cửa” ở các xã, phường, thị trấn như: Kim Mã (quận Ba Đình), Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ), Quốc Oai (huyện Quốc Oai), Trạm Trôi (huyện Hoài Đức)… đều có thể nhận thấy cán bộ làm việc ở đây có thái độ niềm nở, thân thiện, sẵn sàng tạo điều kiện tối đa để người dân hoàn thành các thủ tục hành chính. Chủ tịch UBND phường Quốc Tử Giám Lê Ngọc Tú cho biết, 100% nhân viên bộ phận “một cửa” của phường đã tốt nghiệp đại học loại giỏi, được đào tạo chính quy, có khả năng sử dụng công nghệ và hiểu việc. Mọi người đều thấm nhuần tinh thần “hết việc mới về”. Ông Trần Văn Hùng (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) nhận xét: "Khi tôi đến giao dịch tại bộ phận “một cửa” của UBND thị trấn Quốc Oai thấy các thủ tục được thực hiện nhanh chóng theo quy định của pháp luật. Đây thật sự là những chuyển động tích cực về tác phong phục vụ".

Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên Báo Hà nội mới vào tháng 6 và nửa đầu tháng 7, vẫn còn nhiều nhân viên bộ phận “một cửa” trên địa bàn thành phố chưa thực hiện nghiêm túc các quy định như đeo thẻ, mặc đồng phục, giờ giấc làm việc… cũng như các nguyên tắc về tiếp dân khác. Chẳng hạn, ở UBND phường Văn Miếu (Đống Đa) sáng 25/6, có hiện tượng nhân viên bộ phận “một cửa” nói trống không với công dân; nhân viên ăn uống trong giờ làm việc. Tại bộ phận “một cửa” UBND xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất) chiều 10/7, nhân viên mải nói chuyện riêng, không tập trung tiếp công dân. Còn tại xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ), lịch niêm yết thời gian tiếp dân của Chủ tịch UBND xã là thứ tư hằng tuần, song thời điểm phóng viên có mặt (14h56 ngày 10/7), cả phòng chủ tịch UBND xã và phòng tiếp dân đều khóa cửa...

Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Thúy Hà cho biết, phường đã kiểm tra, xác nhận có xảy ra những hiện tượng nêu trên và khẳng định đã kiểm điểm, chấn chỉnh, yêu cầu không được tái phạm.

Ký ức một thời công chức

Ngược thời gian về những năm 60 của thế kỷ trước, khi miền Bắc đang khắc phục những "vết thương" chiến tranh, trong ký ức của bà Lê Thị Kim Loan (cựu nhân viên Văn phòng UBND huyện Gia Lâm), ngày đó Hà Nội là cả một bầu không khí khẩn trương, hối hả. Mặc dù đời sống thiếu thốn đủ thứ vẫn không ảnh hưởng tới tinh thần lạc quan, ý thức phụng sự của người dân thành phố. Bà Loan cho biết: Ý thức tự tôn của người vùng giải phóng tác động rất nhiều tới tác phong cán bộ, công chức. Luôn cống hiến hết mình, không màng quyền lợi cá nhân.

Nhân viên bộ phận “một cửa” quận Hoàn Kiếm hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Nhớ về thời kỳ đó, ông Nguyễn Văn Hậu, một cán bộ của Bộ Vật tư (sau này là Bộ Thương mại, rồi Bộ Công Thương) nói: “Thế hệ ngày ấy cơ bản là lực lượng kháng chiến về tiếp quản Thủ đô. Phẩm chất đã được trau dồi qua gian khó, kỷ luật cũng được rèn luyện từ quân ngũ. Mỗi người đều có ý thức học tập tấm gương của Bác Hồ, để bồi đắp cho mình những giá trị tốt đẹp hơn”.

Đảm nhận nhiệm vụ thẩm duyệt, cấp phát vật tư, trang thiết bị máy móc cho các địa phương, có nhiều cơ hội để tư lợi, nhưng cán bộ, công chức không mảy may tơ tưởng. Ông Hậu kể: “Thời đó, anh em cơ bản là nghèo. Cũng có khi được địa phương cho quà, mời thuốc, nhưng mọi người đều từ chối. Có lịch công tác thì từ sáng sớm, mọi người đã nhắc nhau, ăn no tại nhà để không làm phiền cơ sở”.

Khi hỏi về công chức thời xưa và thời nay, ông Hậu cho rằng, thời nào cũng có người này, người kia. Không phải ngày xưa không có những tiêu cực hay bây giờ thiếu hụt những vun đắp cho giá trị văn hóa. Vấn đề cơ bản là nhận thức và ý thức của người thực thi. Lấy câu chuyện của gia đình mình làm ví dụ, ông Hậu cho biết: “Nhiều năm gia đình tôi phải chịu cảnh cục nóng điều hòa nhà hàng phía trước xả vào và cũng không ít lần kêu với UBND phường Trung Tự (quận Đống Đa), thậm chí, năm 2016, chính quyền đã lập biên bản, yêu cầu chủ nhà hàng tháo gỡ, di chuyển thiết bị, song đến nay, mọi việc vẫn vậy. Mỗi lần tôi nhắc chuyện này, cán bộ phường lại bảo: “Bác cứ thư thư rồi giải quyết”. Tính ra, đến giờ đã được 3 năm”. 

Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, công chức trước hết là “công bộc” của dân. Người “khoác áo” công chức là đại diện cho Nhà nước nên trong giao tiếp ứng xử hay thực thi công vụ phải chuẩn mực và có văn hóa. So với thời xưa, cán bộ, công chức hiện giờ đang có những điều kiện lý tưởng để làm việc và cống hiến. Bởi vậy, không lý do gì mà hiệu quả thực thi công vụ, bồi đắp hệ giá trị văn hóa công sở lại kém đi.    

Theo Hanoimoi

Bài 2: Câu chuyện về nhận thức và ý thức

Trao giải báo chí về 'Văn hoá ứng xử': Mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa

Trao giải báo chí về 'Văn hoá ứng xử': Mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa

37 tác phẩm xuất sắc từ 8 cơ quan báo chí được trao giải báo chí về chủ đề 'Văn hoá ứng xử'.