- “Thương được cứ thương đi” như ánh nắng ấm áp soi vào mỗi trái tim con người, đánh thức những yêu thương tưởng chừng đã ngủ quên bởi những mệt mỏi của guồng quay cuộc sống mưu sinh.

Có ngày nào mở những trang báo, chúng ta không bắt gặp tin tức chấn động về những vụ cướp của giết người, sát hại đồng loại chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ? Bạn nghĩ gì về điều đó? Bạn có thấy buồn về một thế giới tưởng như đủ đầy nhưng thật ra quá ư thiếu thốn. Thứ mà người ta thiếu nhất, có lẽ chính là "tình thương".

Và, tình thương ấy xuất phát từ sự trân trọng cùng thấu hiểu giữa người với người. Đó cũng là những gì mà tác giả Hồng Hải gửi gắm tới người đọc qua tuyển tập tản văn mang cái tên rất chân tình: “Thương được cứ thương đi”.

Chẳng phải người nổi tiếng nhưng các nhân vật vẫn mang lại nguồn cảm hứng sống và yêu thương dào dạt cho chúng ta. Từ chú lái xe, những người lao động nghèo thậm chí là một tử tù, câu chuyện giản dị của họ khiến người đọc rơi nước mắt để rồi tự soi vào chính mình, để nhận ra rằng yêu thương luôn cần được vun tưới và chúng ta không bao giờ dược đánh mất bản năng diệu kỳ ấy. 

{keywords}
Cuốn sách nhẹ nhàng, tình cảm đi vào lòng người

Chỉ cần dừng lại một chút, chậm thôi, hãy cúi xuống và mở lòng ra, chìa bàn tay giúp đỡ những phận người côi cút, lam lũ, những con người lầm lỗi nhưng luôn mong ngày được trở về hay chỉ đơn giản là tĩnh lại để lắng nghe một câu chuyện nhỏ của một ai đó đang ngập ngừng giấu trong đáy mắt. Như câu chuyện về một người phụ nữ nghèo, vô gia cư, chị lam lũ kiếm ăn từng ngày nhưng vẫn cố dành tiền vào cửa hiệu mua một bó hoa đẹp để viếng đưa một người bạn không nhà đã lặng lẽ ra đi trong giá rét ngoài đường. “Em muốn đặt ít bông để lên cho đỡ lạnh lẽo” - chị đã nói vậy. 

Ngữ khí dè dặt nhưng chan chứa tình người. Hay như câu chuyện bạn nhỏ vé số mà ở đó, tác giả được nghe những tâm sự thật thà về một cuộc sống khốn khó, bươn chải của một cậu bé quê Phú Yên đang tuổi đi học nhưng vì miếng cơm đã phải lăn lộn bán vé số trên Sài Gòn từ hè năm lớp Ba. Ngày nào cũng vậy, em cắp vé đi bán từ năm giờ sáng cho đến tận 9-10 giờ đêm mới được về. Người ta trả bao nhiêu, em gửi hết về quê để lo tiền học cho hai nhỏ em, còn tự hứa với mình sẽ nuôi chúng học Đại học.

Nhưng chưa hết, em bé không chỉ có trách nhiệm với gia đình mà còn biết quan tâm sâu sắc đến những hoàn cảnh xung quanh mình. Khi được tác giả tặng cho đôi áo mói, em còn xin phép để tặng một cái cho người bạn mồ côi cha bất hạnh vừa mới bị giật cả triệu vé số. Em còn phụ cậu bạn ấy năm trăm đền cho chủ. Tấm lòng của em khiến cho nhiều người lớn phải kính trọng. 

Bên cạnh những câu chuyện được tác giả góp nhặt từ cuộc sống xung quanh, “Thương được cứ thương đi” cũng như lời cảm ơn của anh tới gia đình - dòng suối vô tận của yêu thương. Chính những bài học sâu sắc về cách sống mà cha anh truyền dạy cho các con như: trao ái ngữ, biết tha thứ, lấy mình làm gương… đã nuôi nấng trong anh một trái tim rộng mở, một tâm hồn biết yêu thương và sẻ chia với mọi người. Quả thật, tình yêu thương nếu được khơi nguồn và vun dưỡng, sẽ cớ sức lan toả diệu kì. Bài học cuộc sống đôi khi chỉ đến từ những điều giản đơn và thầm lặng như thế thôi.

Với giọng văn giản dị nhưng chân tình và lắng đọng của tác giả Hồng Hải, “Thương được cứ thương đi” như ánh nắng ấm áp soi vào mỗi trái tim con người, đánh thức những yêu thương tưởng chừng đã ngủ quên bởi những mệt mỏi của guồng quay cuộc sống mưu sinh. Để cho dù ngày mai có hối hả, bộn bề đến thế nào đi chăng nữa, ta cũng không quên dành cho nhau những yêu thương dịu dàng và chân thật. Để không lướt qua, không bỏ mặc đồng loại. Để học cách cảm thông cho những lỗi lầm và khích lệ nhau trong gian khó.

Mai Anh