Đạp xe vì tình từ Ấn sang Âu do nhà văn – nhà báo Per J Andersson chấp bút. Ông từng là người đồng sáng lập tạp chí du lịch Vagabond và thường xuyên đến Ấn Độ trong 30 năm qua.

Làm sao nghĩ được một người có thể đạp chiếc xe cà tàng giá 60 rupee xuyên qua 11.263 km từ Ấn Độ của châu Á sang Thụy Điển của châu Âu trong suốt 4 tháng ròng chỉ để gặp lại người mình thương? Mà người thương đó, tình yêu đó, mới chỉ gặp gỡ nhau trong 1 tuần. Chuyện tình của PK (PK Mahanandia) và Lotta (Charlotte Von Schedvin) chỉ có thể miêu tả bằng hai từ: Định mệnh! 

{keywords}
Cuốn sách dành cho ngày Valentine

Chuyện tình đầy rung động ấy, không phải là một thiên tiểu thuyết hư cấu nào cả, mà có trong đời thực. Sau này, chính PK đã hồn nhiên chia sẻ: “Tôi không có kiến thức về địa lý, về mức độ lớn của châu Âu. Tôi thậm chí không biết tính khoảng cách bằng kilomet. Nếu tôi biết nó xa đến mức nào, có lẽ tôi không dám đi. Thật may tôi không biết!”.

Thật may là anh không biết, nên tình yêu của anh mới lớn lao và trong trẻo đến thế. Giống như đặc điểm nguyên thủy của tình yêu, là cứ yêu thôi, nào biết ngày mai ra sao.

Nếu ai đó đã mất niềm tin vào tình yêu, hoặc không tin có điều đó trên đời này, thì có lẽ Đạp xe vì tình từ Ấn sang Âu sẽ là sự cứu rỗi. Bởi vì nhìn kìa, điều tuyệt diệu đó vẫn còn tồn tại, mà lại giản dị và đẹp đẽ xiết bao.

Câu chuyện như thì thầm với độc giả rằng đừng bao giờ tuyệt vọng vì cô đơn, trên thế gian này luôn có một người nào đó đang chờ đợi ta và sẽ xuất hiện rạng rỡ như tia nắng mặt trời ấm áp. Thế nhưng, Đạp xe vì tình từ Ấn sang Âu không đơn thuần chỉ kể lại câu chuyện tình yêu hiếm có ấy. Độc giả sẽ cảm nhận được không khí ngột ngạt của xã hội Ấn Độ bao trùm cuộc sống PK – một kẻ “tiện dân” dưới đáy xã hội Ấn Độ, được liệt vào hạng bất khả tiếp xúc.

Bất công chưa bao giờ biến mất khỏi thế giới này nhưng chắc ít ai có thể hiểu nổi cách phân chia giai cấp thứ bậc của người Ấn khi ấy. Bạn nghiễm nhiên sẽ là “tiện dân”, khi sinh ra trong một gia đình hạ đẳng, không cần thêm điều kiện gì khác. Một khi bị xếp vào hạng “tiện dân” tại Ấn, nghĩa là bạn thuộc thành phần nhơ bẩn, không thể chạm vào. Những thứ đau đớn đó có sức mạnh dày vò một con người biết chừng nào? Huống hồ người nhạy cảm có tố chất nghệ sĩ như PK. 3 lần tự sát của anh là 3 nhát dao cứa sâu vào lòng người đọc.

 

{keywords}
 PK và Lotta cưới nhau năm 1979, họ có 2 người con, hiện gia đình sống tại Boras. PK làm cố vấn Văn hóa và Nghệ thuật cho Chính phủ Thụy Điển và cũng là Đại sứ Văn hóa của bang Orissa ở Thụy Điển.


Nhưng rồi đọc hết và nhìn lại, cuộc đời anh đã trải qua nhiều chi tiết kỳ diệu biết bao, phong phú biết bao. Ngủ vất vưởng tại nhà ga, nhưng cũng ngủ trong một căn phòng tráng lệ của nhà tài phiệt. Bị khinh thường và phỉ nhổ vì đẳng cấp thấp nhưng lại được gặp những vĩ nhân, như Thủ tướng Indira Gandhi hay nữ phi hành gia đầu tiên của thế giới Valentina Tereshkova, và vẽ chân dung cho họ, được họ xem trọng. Bị hụt hẫng trong tình yêu với cô gái đầu đời, cũng chỉ vì đẳng cấp thấp kém nhưng rồi lại gặp được người trong mộng của mình…

Những thăng trầm vui buồn cay đắng đó, đâu dễ để có trong cuộc đời của một con người. Và dễ gì một người đã trải qua từng ấy cung bậc cảm xúc, lại vẫn giữ được tâm hồn trong trẻo như PK. PK cuối cùng vẫn yêu được hồn nhiên như thế, sống một cuộc đời hạnh phúc bên người thương của mình như thế. Vậy có nghĩa là chỉ cần không bỏ cuộc và luôn chân thành thì tình yêu sẽ là món quà dành cho chúng ta ở cuối con đường.

Tình Lê

Tìm lại ký ức Tết xưa qua trang sách

Tìm lại ký ức Tết xưa qua trang sách

Đọc “Tết xưa thơ bé”, “Nhớ ơi là Tết”, người lớn sẽ bồi hồi nhung nhớ một thời đã xa, trẻ em thì lại thấy như đang được nghe những câu chuyện cổ tích mà bà và mẹ rủ rỉ hàng đêm.