“Người thầy giáo, cũng như bác sĩ phẫu thuật, không được phạm lỗi lầm. Mặc dù bệnh tật về đạo đức không dẫn đến cái chết về thể xác” – Anatoly Alexin.

Alexin mệnh danh là “nhà văn tuổi trẻ” của văn đàn Nga, được biết đến qua những tác phẩm truyện sâu sắc, giàu triết lý và ý nghĩa xoay quanh thế hệ trẻ nói riêng xã hội Xô Viết nửa sau thế kỷ XX nói chung. Anh thường viết về đề tài thiếu nhi song người lớn cũng rất quan tâm tìm đọc để sống tốt, yêu thương đúng cách và thấu hiểu con.

Đứa con muộn – tập truyện vừa của anh lần này không nằm ngoài tiêu chí đó, bao gồm ba câu chuyện: Anh trai tôi chơi kèn Clarinet; Đứa con muộn và Người thứ ba ở hàng thứ năm.

{keywords}
Bìa tập truyện vừa Đứa con muộn.

Người thứ ba ở hàng thứ năm là bài học muộn của một bà giáo già về hưu. Giỏi, tận tâm và nghiêm khắc nhưng mãi sau 35 làm nghề, bà mới nghiệm ra rằng phải tôn trọng sự khác biệt về cá tính của từng học sinh, từng con người thay vì ép tất cả theo cùng một khuôn phép từ một học sinh đặc biệt. Còn nước còn tát, bà bắt tay vào thực hiện sự nghiệp dạy học cuối cùng với cô cháu gái của mình.

Trái lại, Đứa con muộn là chuyện kể về cậu con mọn muốn chạy trốn đến tận cùng thế giới chỉ vì được gia đình quá yêu thương và quan tâm. Rõ ràng, tình yêu thương thái quá sẽ vô tình khiến cho người được yêu thương cảm thấy tù túng, gò bó hơn là hạnh phúc.

Trong đời sống thường ngày vốn phức tạp và bận rộn, việc thương yêu sai cách như vậy không hề hiếm gặp. Cha mẹ luôn thương con vô bờ nhưng không có thời gian để lắng nghe con, hoặc quá chăm bẵm, bảo bọc khiến trẻ không thể thoải mái phát triển. Đây cũng là thông điệp chính mà Alexin muốn gửi gắm đến độc giả.

Gia Bảo