{keywords}
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương vừa chính thức khai mạc Triển lãm sách kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh theo hình thức trực tuyến trên Sàn Book365.vn với tên miền truy cập TrienlamsachHCM.Book365.vn. 

Trong khuôn khổ lễ khai mạc sáng 19/5, GS Phong Lê đã có buổi toạ đàm cùng độc giả với chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách danh nhân văn hoá”. 

GS Phong Lê cho rằng, câu chuyện về Người nhiều vô cùng, không bao giờ có thể nói hết được và càng theo thời gian lại càng vời vợi tầm cao. Nhưng có 2 khía cạnh để chia sẻ, nhất định phải chia sẻ về Bác là: Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hoá thế giới. Tuy nhiên ở khuôn khổ chương trình, GS Phong Lê dành thời gian nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở góc độ Danh nhân văn hoá thế giới.

GS Phong Lê nghiên cứu sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi Hồ Chí Minh không chỉ là cứu tinh của dân tộc, một anh anh hùng dân tộc, mà còn bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ duy nhất của thế kỷ 20 có tư chất văn hóa.

{keywords}
GS Phong Lê tại buổi tọa đàm. 

Nói về tư chất văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Phong Lê chia sẻ rằng có 2 đại lượng để nói về Người. Thứ nhất là 30 năm Người xa xứ. “Một người thanh niên ở tuổi 20 đã bắt đầu xa xứ và cuộc xa xứ ấy bắt đầu đi về phương Tây. Còn vì sao đi về phương Tây thì đó là câu chuyện lịch sử nhưng phải có 30 năm xa xứ Nguyễn Ái Quốc sau là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Đại lượng thứ 2 rất quan trọng để xác nhận tính chất văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh là 50 năm viết. Cùng với sự nghiệp cách mạng Bác có một sự nghiệp viết rất lớn, đa dạng với rất nhiều thể loại: báo chí, chính luận, thơ văn và các loại nghệ thuật khác nữa.

“Nếu tính bài viết đầu tiên của Bác mang tên Nguyễn Ái Quốc chính là Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versaille  (6/1919) và bài viết cuối cùng chấn động chính là bản Di chúc (1969). Một vị anh hùng dân tộc lại có sự nghiệp viết dài như vậy, nó song hành với sự nghiệp giải phóng dân tộc thì có thể thấy rằng tầm vóc danh nhân văn hoá của Bác như thế nào. Người hoạt động cách mạng, muốn mưu cầu độc lập cho một dân tộc cần phải có vũ khí, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm nhưng bên cạnh vũ khí đó có vũ khí của 'tiếng nói'. Bác Hồ là người đã vận dụng vũ khí của tiếng nói đó trong suốt 50 năm viết của mình”, GS Phong Lê chia sẻ.

{keywords}
Các tác phẩm của Bác đang được trưng bày tại triển lãm sách trực tuyến kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đọc văn thơ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, GS Phong Lê luôn luôn đặt cho mình các câu hỏi về những bí ẩn chưa biết hết được. Nghiên cứu về Bác và văn thơ Bác, đối với ông, là đứng trước những bí ẩn ấy.

Theo GS Phong Lê, có hai giai đoạn viết của Bác là in đậm dấu ấn văn chương. Đó là giai đoạn 1917 - 1923, Bác ở Paris, sau một hành trình nhiều năm qua nhiều xứ sở. Giai đoạn này Bác vừa viết báo vừa làm báo và trong sự nghiệp báo chí đó, có nhiều tác phẩm có giá trị văn học, hoặc đích thực là văn học.

Tác phẩm tiêu biểu của Bác thời kỳ này là Bản án chế độ thực dân Pháp, đến năm 1946 mới được ấn hành ở Việt Nam và đến năm 1960 mới có bản dịch ra tiếng Việt. Bên cạnh, là những tiểu phẩm, ký, truyện ngắn viết với phong cách rất hiện đại. Những tác phẩm này, phải đến năm 1974 mới sưu tập được và dịch ra tiếng Việt.

Bác khởi đầu sự nghiệp viết bằng văn báo chí và ký, truyện ngắn bằng tiếng Pháp, ở Paris. Những truyện, ký mang hai phẩm chất: Cách mạng và Hiện đại. Chính hai phẩm chất cơ bản đó đã xác định sớm nhất gương mặt mới của văn học Việt Nam trong bối cảnh thế giới và trong phân biệt với hàng ngàn năm văn học trung đại.

Giai đoạn hai từ 1941 đến 1945, mở đầu với những bài thơ ngắn về Pác Bó và kết thúc bằng Tuyên ngôn độc lập. Đây là lúc thời cơ cách mạng đã đến với dân tộc và cũng chỉ đến lúc này Bác mới có thể về nước sau 30 năm xa xứ.

Phải sau 30 năm, đất nước mới có thời cơ cách mạng và Bác mới có thể về nước. Sự nghiệp viết của Bác lại đến một cách hào hứng, trong những bài thơ tuyên truyền cổ động đăng trên tờ Việt Nam độc lập. Và Nhật ký trong tù, trong một hoàn cảnh ngẫu nhiên mà có.

Các giai đoạn khác của Bác cũng có văn và thơ. Như Nhật ký chìm tàu (1930). Như những vần thơ xướng họa trong chống Pháp. Như những bức thư gửi các giới đồng bào trong đó vang động núi sông là Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn Độc lập Tự do (1965) và thơ Xuân chúc Tết, rồi Di chúc... Tất cả đều có thể rút ra những giá trị văn học.

“Và 3 tác phẩm để đời mà Người đã để lại cho chúng ta là: Bản án chế độ thực dân Pháp - tác phẩm có tầm của một bản án, nhân danh những người bị áp bức trên toàn thế giới nói về chủ nghĩa thực dân; Nhật ký trong tù - một bức tự họa chân dung về mình cực kỳ xuất sắc mà qua đó thể hiện chân dung một con người vĩ đại nhưng cũng rất dung dị; Tuyên ngôn độc lập - lời tuyên bố mang ý nghĩa lịch sử khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam”, GS Phong Lê nói. 

GS Phong Lê cho rằng, dẫu văn thơ chỉ là một bộ phận nhỏ trong hoạt động của Bác nhưng nó vẫn là nơi kết tinh và soi tỏ rõ nhất chân dung Hồ Chí Minh - con người vừa của dân tộc, vừa của nhân loại; con người của một sự nghiệp lớn nhất đối với dân tộc và cả nhân loại. 

Trong khuôn khổ buổi toạ đàm, GS Phong Lê cũng chia sẻ về cuốn sách Nửa thế kỷ văn thơ Hồ Chí Minh mới xuất bản của ông.

{keywords}
 

Cuốn sách có một chủ đề bao trùm và xuyên suốt trong sự nghiệp nghiên cứu của GS Phong Lê: đó là các giá trị vừa thời sự, vừa vĩnh cửu của thơ văn Hồ Chí Minh. GS Phong Lê đã lựa chọn, sắp xếp những nghiên cứu của mình theo một cấu trúc từ chung đến riêng, từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể nhằm làm sáng tỏ nguồn sức mạnh tinh thần vĩ đại Hồ Chí Minh đã đem lại cho dân tộc Việt Nam.

Nguồn sức mạnh có khởi nguồn từ Yêu sách của nhân dân An Nam năm 1919 đến Di chúc năm 1969 và từ Di chúc năm 1969 cho đến nay - năm 2019 là chẵn 100 năm. Một trăm năm - một sự nghiệp thiêng liêng, một cuộc đổi đời vĩ đại mà Hồ Chí Minh đã đem lại cho “dân tộc ta, non sông ta, đất nước ta”.

 

Tình Lê

Xem trực tiếp hơn 700 xuất bản phẩm, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Xem trực tiếp hơn 700 xuất bản phẩm, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Độc giả có thể xem trực tiếp hơn 700 xuất bản phẩm, tư liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Triển lãm sách trực tuyến về Người.