Con người đang mất kết nối với thiên nhiên, xã hội và chính mình

Tôi biết tiếng Anh và Đức nên thường đọc sách gốc viết bằng 2 ngôn ngữ này. Tôi chỉ đọc sách viết bằng tiếng Việt chứ hiếm khi đọc sách dịch vì khó hiểu. Dịch giả rất khó để thể hiện đúng tư duy của tác giả. Tôi cũng là dân dịch thuật nên hiểu rằng bản gốc và bản dịch có thể khác xa. Chẳng hạn, việc cố dịch cho thuận tai người Việt có thể làm rơi rớt ý nghĩa của nội dung gốc. Hai mảng tôi thích nhất là ngôn ngữ và tâm lý đều rất khó chuyển ngữ.

Tôi bắt đầu thói quen đọc từ khi đi du học Đức. Ở cấp THPT, học sinh không được rèn thói quen đọc mỗi ngày. Các em đọc nội dung đã chọn sẵn thay vì đọc thứ mình muốn nên việc đọc phần nhiều mang tính nghĩa vụ. Chưa kể, việc đọc cũng rất hình thức, học sinh tự cảm nhận thì ít, được “mớm” cảm nhận là nhiều. Khi sang Đức, trường kết hợp đọc “nghĩa vụ” và đọc tự do, yêu cầu chúng tôi viết tóm tắt, diễn đạt cảm nhận. Dần dần, tôi mới chuyển từ “phải đọc” sang “muốn đọc”.

Tôi sợ bản thân tự tin vào những thứ mình đang có nên luôn đọc thêm. Sách là người bạn dám nói những thứ trái quan điểm hoặc ngoài tầm hiểu biết của tôi. Vì vậy, chúng ta cần đọc nhiều để có quan điểm riêng nhưng vẫn rộng mở với những quan điểm khác mình.

Thuật toán Internet rất thông minh. Chúng chỉ gợi ý thứ bạn thích thay vì thứ bạn cần. Nếu không ý thức rõ, điều này rất nguy hiểm. Chúng ta tưởng mình ngày càng thông minh nhưng thực tế là ngày càng bị gói gọn trong thế giới bé xíu của mình. Mạng xã hội cũng khiến con người tưởng rằng họ ngày càng liên kết nhưng thực tế là ngày càng rời xa nhau.

{keywords}
 

Tôi thường đọc sách về ngôn ngữ vì đang dạy ngôn ngữ và đọc sách tâm lý học hành vi để hiểu thêm về con người. Tôi không phải fan đọc nhưng có ý thức ép mình đọc. Chẳng hạn, với công việc di chuyển nhiều, tôi không để “chết” thời gian trên xe, máy bay, ở sân bay, chờ diễn, chờ chạy chương trình… Lạ là các sân bay hay khách sạn lớn ở Việt Nam đều hiếm thấy sách. Một lần, tôi ghé phòng chờ một khách sạn 5 sao để đọc thì thấy tạp chí ở đây đều phát hành 2 – 3 năm trước. Có lẽ do khách không có nhu cầu nên nơi đó cũng không muốn tốn chi phí lấy báo mới.

Tôi đọc mỗi lần 4 cuốn, việc chọn mang sách nào khi đi công tác khá tốn thời gian. Có cuốn mất 3 – 4 ngày, có cuốn mất cả tháng. Tôi có thói quen khi đến bất cứ thành phố nào trên thế giới đều mua ít nhất 1 quyển sách làm kỷ niệm.

Tôi muốn review 2 cuốn sách đến độc giả VietNamNet: Lost connection cho mảng tâm lý và Fluent Forever: How to learn any language fast and never forget it cho mảng ngôn ngữ. Cuốn Fluent Forever đơn giản, dễ đọc, bày chúng ta cách học bất kỳ ngôn ngữ nào nhanh và không bị quên. Mỗi ngôn ngữ có đặc điểm riêng nhưng Gabriel Wyner lại tìm thấy điểm chung để học tất cả ngôn ngữ. Những lời khuyên của tác giả khá lạ nhưng hay. Chẳng hạn, học ngôn ngữ phải gắn kết với cảm xúc, làm thế nào đưa cảm xúc vào học từ, cách tạo ra cảm xúc là gì…

Cuốn thứ 2 là Lost connection, tôi rất thích vì nó cần thiết cho con người trong xã hội đương đại: chúng ta, không kể ai, đều có thể đối mặt với chứng trầm cảm. Xung quanh tôi đều có người từ trầm cảm cấp độ nhẹ tới trầm cảm y khoa. Tôi đọc sách để hỗ trợ bạn bè và điều trị chính mình. Cuốn sách này chỉ ra cho bạn dấu hiệu của trầm cảm và cách tìm thấy hy vọng, thoát khỏi trầm cảm. Tôi thích nhất việc tác giả chỉ ra rằng cách con người sống đang mất kết nối với tự nhiên, với xã hội và với chính mình. Người trầm cảm bẩm sinh do di truyền chiếm một phần rất nhỏ, hầu hết là chúng ta mắc kẹt trong vấn đề của chính mình.

Xây thư viện sẽ vô nghĩa nếu không có nhu cầu đọc

{keywords}
 

Việc đọc sách để làm màu không có gì phải lên án. Tôi thấy một người đang chăm chú đọc sách trông rất ngầu hoặc đọc sách bên biển cũng là một hình ảnh đẹp. Nếu có người nhìn mình khi đang đọc, tôi cũng điều chỉnh tư thế một chút. Tôi cũng nghĩ mình trông ngầu hơn đấy! Đọc sách để làm màu không tốt nhưng cũng chẳng xấu. Nếu đích đến của tôi là lấy kiến thức thì quá trình thực hiện nó, tôi làm màu một chút cũng chẳng sao! 

Thường tôi thích ngồi một góc quán café đông người để ngắm nghía con người. Tôi thấy anh này đang giả vờ đọc sách, cô kia đang rất tận hưởng khi chụp selfie… Và đó là chất liệu để tôi sáng tạo Jazz – đời nhất, gần gũi nhất. Vì Jazz không khuôn mẫu, cao siêu, xa vời. 

Một trong những lý do người trẻ ít đọc vì thực dụng, vội vã, đòi hỏi kết quả minh thị, tức thì – những điều sách không thể đáp ứng các bạn. Đọc sách là công việc tích lũy, các bạn sẽ nhận thứ lợi ích lớn hơn, giá trị hơn rất nhiều những lợi ích trước mắt.

{keywords}
 

Tựu trung, gu nghệ thuật của khán giả Việt Nam còn một màu từ nghe nhạc, xem phim, truyền hình… chứ không chỉ đọc. Chúng ta chọn thứ dễ xem, dễ nghe hoặc dễ đọc với lý do thường trực là “thấy mệt nếu phải suy nghĩ nhiều”. Tôi lại cho rằng được suy nghĩ, tư duy là một đặc quyền của con người. Chúng ta phải thấy vui khi được tư duy chứ…

Nâng cao văn hóa đọc không thể là vấn đề từ một phía, ví dụ hô hào xây thư viện sẽ vô nghĩa nếu người dân không có nhu cầu đọc. Vì vậy, điều chúng ta có thể làm là thay đổi từ gốc hay tập thói quen đọc cho trẻ em từ bé. Trẻ không cần đọc nhiều, đọc dài nhưng phải được tự do chọn đọc thông qua việc nói rõ chúng muốn đọc gì. Dĩ nhiên cha mẹ phải định hướng cho con đọc chứ không thả trôi nhưng đó là vấn đề giáo dục. Quan trọng nhất, cha mẹ phải dành thời gian đọc cùng con, thảo luận với chúng về những gì đọc được trong sách.

Ca sĩ Hồ Trung Dũng

Ảnh: Bảo Hòa

Nhà văn Hà Thanh Phúc: Tôi 'ép' nghệ sĩ đọc sách của mình

Nhà văn Hà Thanh Phúc: Tôi 'ép' nghệ sĩ đọc sách của mình

"Tôi có tặng sách, “ép” những anh chị, bạn bè là nghệ sĩ đọc sách của mình và thỉnh thoảng nhờ họ viết lời bạt nữa. Nhìn chung, mọi người khá yêu thích những trang viết của tôi", Hà Thanh Phúc nói.