Bí thư Đoàn phường Phương Canh Bùi Công Thành cho biết: Hiện với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, giới trẻ được tiếp cận khối lượng tri thức khổng lồ nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ làm mai một thói quen đọc sách truyền thống. Với mong muốn giữ gìn, phát triển văn hóa đọc rộng rãi trong thanh thiếu nhi, cũng như người dân ở địa phương, Đoàn phường đã thực hiện công trình Tủ sách thanh thiếu niên. Tủ sách được đặt tại Nhà văn hóa tổ dân phố 6 Hòa Thị, phường Phương Canh.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2019, đến nay, địa chỉ này trở thành không gian văn hóa đọc yêu thích cho đông đảo thanh, thiếu nhi và người dân. Với gần 2.000 đầu sách phong phú về lĩnh vực như chính trị - văn hóa - xã hội, pháp luật đời sống, sách về Bác Hồ, sách kỹ năng sống, truyện thiếu nhi…, hiện nay, Tủ sách được duy trì mở cửa vào thứ tư và tối thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.

{keywords}
Dù Tủ sách thanh thiếu nhi của Đoàn phường Phương Canh mới đi vào hoạt động nhưng đã có rất đông các em nhỏ đến đọc sách. 

Gần một tháng nay, em Nguyễn Hoài Phương, học sinh Trường Trung học cơ sở Nam Từ Liêm đã quen với việc mỗi thứ tư hằng tuần cùng bạn đến đọc sách tại Nhà văn hóa Tổ dân phố số 6, phường Phương Canh. Cầm trên tay cuốn “Thần đồng Đất Việt”, Nguyễn Hoài Phương tươi cười chia sẻ: “Mỗi cuốn sách như một người bạn mang đến cho em thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa. Em mong muốn ngày càng có nhiều sách hay để có cơ hội học hỏi thêm những điều thú vị”.

Đã thành thói quen, từ khi có Tủ sách, thứ 7 và chủ nhật, Vũ Thị Hà An, thiếu nhi phường Phương Canh lại đến đọc sách tại Nhà văn hóa. Hà An chia sẻ: “Mỗi cuốn sách như những người bạn mang đến cho em nhiều cảm xúc khác nhau. Có những cuốn sách cho em thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa, có những cuốn sách lại mang đến sự giải trí. Em hy vọng tủ sách thiếu nhi này sẽ ngày càng nhiều sách hay để chúng em có cơ hội học hỏi thêm nhiều điều thú vị”.

Chuẩn bị lên lớp 8 và rất ham đọc sách, Nguyễn Thùy Linh, học sinh Trường Trung học cơ sở Phương Canh phấn khởi nói: “Các anh, chị đoàn viên không chỉ giới thiệu và hướng dẫn đọc sách hay, mà còn chỉ dạy những kỹ năng sống, những kiến thức rất bổ ích, cũng như giải đáp mọi thắc mắc của chúng em”.

Trực tiếp hướng dẫn thiếu nhi tìm hiểu, lựa chọn sách để đọc cho phù hợp với lứa tuổi, Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 6, phường Phương Canh Vũ Thành Hiếu cho biết: “Trong tủ sách của Đoàn phường, ngoài sách khoa học, kỹ thuật, văn học, lịch sử, pháp luật…, còn có nhiều cuốn sách về Bác Hồ. Thông qua những cuốn sách về Người, Đoàn Thanh niên muốn tuyên truyền các tác phẩm, những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thế hệ trẻ địa phương. Từ đó, mỗi đoàn viên, thanh niên, các em thiếu nhi sẽ tự giác học tập và làm theo gương Bác”.

Không chỉ thanh thiếu nhi, người dân trong khu dân cư cũng rất hào hứng khi tủ sách được xây dựng. Bà Đàm Thị Thanh - Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, phường Phương Canh chia sẻ: “Từ lâu, chúng tôi đã muốn xây dựng phòng đọc để nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng. Việc xây dựng tủ sách thanh thiếu nhi rất thiết thực, ý nghĩa, nhất là đối với việc giáo dục trẻ em trong cuộc sống hiện đại, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Từ khi có tủ sách, bà con trong khu dân cư rất tích cực đến hưởng ứng...”.

 

{keywords}
Ngoài các đầu sách về khoa học, kỹ thuật, văn học, lịch sử, pháp luật…, còn có nhiều cuốn sách về Bác Hồ được các em nhỏ yêu thích.


Ông Lê Xuân Mạnh, 70 tuổi, trú tại phường Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã khắc sâu lời dạy của Bác: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Sách, báo in trở thành người bạn thân thiết đem đến những thông điệp bổ ích trong cuộc sống, giúp ông Mạnh có kho tàng tri thức phong phú. Dù đã cao tuổi nhưng ông vẫn chăm chỉ đọc sách và luôn căn dặn, nhắc nhở các cháu cần giữ gìn văn hóa đọc.

Theo ông Mạnh, không có thói quen nào tự nhiên có, tất cả đều phải được hình thành trên nền tảng cơ bản và thói quen đọc sách cũng vậy. Vì thế, để mỗi người, nhất là thế hệ trẻ cần có thói quen đọc sách, mỗi địa phương, đặc biệt là tổ chức Đoàn – Hội cần tạo dựng những tủ sách dành cho thanh thiếu niên. Thư viện có ý nghĩa thiết thực đối với việc giáo dục trẻ em trong cuộc sống hiện đại.

“Tôi hi vọng trong thời gian tới, mô hình tủ sách dành cho thanh thiếu nhi sẽ được lan rộng đến nhiều địa phương trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thế hệ trẻ và nhân dân”, ông Mạnh bày tỏ.

Từ thành công ban đầu, đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân, thời gian tới, Đoàn Thanh niên phường Phương Canh sẽ xây dựng thêm 2 điểm đọc sách trên địa bàn, để ngày càng lan tỏa văn hóa đọc trong thanh, thiếu nhi.

Theo Tạp chí Đảng cộng sản