Ngày bé bạn bè đọc Nguyễn Nhật Ánh, tôi thì không

- Trong 4 cuốn sách của mình, cuốn nào anh ít hài lòng nhất?

Tôi ít hài lòng nhất ở quyển đầu tiên – Tìm nhau giữa Sài Gòn. Lúc đó, tôi chưa có tâm thức của một tác giả viết sách. Tôi nghĩ đơn giản vì tôi nổi tiếng nên nhà sách yêu cầu hợp tác, họ đăng lại những bài viết cũ của tôi. Tôi viết mới tầm 1/3 trong quyển đó.

Và sau này dấn thân sâu, tôi thấy quyển ấy thật loãng và ngây ngô. Nhưng dù sao, đó là tất cả tâm trạng của tôi những ngày rất trẻ, kể cả yêu thương, đau buồn và giận dỗi đều rất trẻ dại. Cũng là cái để nhớ cho mình.

{keywords}
Tùng Leo là MC đa tài.

- Nếu phải review chi tiết một cuốn sách Tùng Leo tâm đắc cho độc giả VietNamNet, đó sẽ là...?

Tôi sẽ nói về Những con đường mang tên Đừng có nhớ. Có lẽ nó là cuốn sách bán chậm nhất trong 4 cuốn đã xuất bản nhưng lại là cuốn tôi thích nhất. Vì lúc đó, tôi viết trong tâm trạng tại chỗ của mình.

Tôi tin trong cuộc đời này, một trong những thứ ai cũng phải trải qua là cảm giác phải trốn chạy trái tim còn tan nát của mình khi nhìn thấy những kỷ niệm xưa trên từng góc phố. Tôi muốn người ta hiểu tình yêu Sài Gòn không chỉ là vì hàng quán, nắng mưa, vì ly chè quán cà phê. Tôi yêu Sài Gòn vì đó là nơi chứng kiến những mối tình của tôi đi qua, khi vui vui đến trào nước mắt, khi buồn cũng đã buồn đến ngơ ngác lòng.

Ở cuốn này, một mối tình cụ thể đã diễn ra, có cả những điều đen tối, xấu xa hoà lẫn những điều lãng mạn, đáng thương khác. Cuốn này, tôi đại diện cho một tuổi trẻ quá giàu năng lượng trong yêu thương và đam mê, dẫn đến nỗi đau tự thân vì tự quăng mình vào lỗi lầm và sai phạm.

Tôi đặc biệt thích truyện ngắn Ra bờ sông đứng khóc trong quyển này. Nó mô tả về một kẻ trong sáng đến tận cùng trong một mối quan hệ 4 người không thôi dày vò nhau. Và giọt nước mắt nức nở ngoài bờ sông đã cứu rỗi linh hồn kẻ sai đường, nhưng người khóc vĩnh viễn không còn ngây thơ nữa…

{keywords}
Bên trong cuốn "Những con đường mang tên Đừng có nhớ".

Thói quen đọc của một MC, tác giả, diễn giả như anh thì thế nào?

Tôi vốn dĩ là dân chuyên văn từ bé, lại có bố là thầy giáo dạy Triết. Sách ở nhà tôi rất nhiều. Còn nhớ khi chuyển nhà và sửa nhà, bố tôi chăm sóc và giữ gìn sách rất kỹ. Từ bé, tôi đã bắt đầu đọc Tam quốc, Chiến tranh và hoà bình, Ba chàng lính ngự lâm,… sau khi đã đọc xong Truyện cổ Andersen và những cuốn dành cho trẻ con khác.

Đến cấp 2, tôi lại bị cuốn hút bởi những tác giả dòng hiện thực của Việt Nam và tìm đọc cho bằng hết. Có giai đoạn, tôi đọc đâu thuộc đó, đặc biệt văn học dân gian và các bài phân tích. Tôi luôn cảm thấy sách là một thế giới rất đặc biệt của cảm xúc. Sau này, tôi phát hiện ra, khả năng sư phạm, thuyết trình hay dẫn chương trình, làm công việc sáng tạo của tôi đều bắt nguồn từ việc đọc sách từ tấm bé.

- Anh có thể nói cụ thể hơn về gu đọc?

Tôi thích đọc truyện và những tác phẩm phân tích nghệ thuật, những quyển khai phá đầu óc về văn hoá, về du lịch chứ không đọc sách theo tác giả. Tôi có niềm yêu thích rất lớn với văn học dân gian và truyện cổ. Tôi thích nền văn học đương đại, cận đại của thế giới. 

Có điều, tôi thường không đọc theo trào lưu. Ví dụ, ngày còn bé, tất cả bạn bè anh em đều đọc Nguyễn Nhật Ánh, tôi thì không. Mãi đến sau này, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là quyển đầu tiên của chú mà tôi đọc trọn vẹn. Tôi đọc của chú Nguyễn Đông Thức nhiều hơn. Tôi thích góc nhìn về tuổi thanh niên vì những năm tháng thanh niên của tôi rất máu lửa và tuyệt vời như thế.

Sex là gia vị, không phải cần câu

- Trong sách của anh, người đọc có thể bắt gặp kiểu chi tiết đại loại nhân vật xưng "tôi" nhắc đến chuyện làm tình với người yêu khá... thản nhiên. Chuyện tế nhị như sex đưa vào văn như thế nào là hợp lý, chừng mực, theo anh?

Thật ra, tôi viết về nụ hôn nhiều hơn. Với tôi, thứ nồng cháy nhất trên cõi đời này là nụ hôn.

Với các tác phẩm khác có cái nhìn trần trụi về sex, tôi nghĩ đó là cách tác giả đi tìm đồng minh của mình trong thế giới cảm xúc nhiều lầm lẫn. Sex, nếu viết chỉ để cảm thấy điên cuồng thì thật ra chỉ là những tiểu thuyết khiêu dâm có đầu tư thêm cốt truyện và kỹ thuật câu chữ.

Nhiều tác giả thích tỏ ra mình khiêu dâm. Đó là sự kém bản lĩnh của người viết trong lối sống của họ. Sex là gia vị, không phải cần câu.

{keywords}
Amanda Huỳnh viết lời bạt cho Tùng Leo đầu cuốn "Những nụ hôn tạm biệt".


- Nguyễn Ngọc Thạch mới thông tin việc phát hành tản văn cuối cùng vì thấy giai đoạn viết về nỗi buồn và cô đơn trong cuộc đời đến đây là đủ. Anh thì sao? 

Nguyễn Ngọc Thạch chuyên nghiệp, thành danh hơn tôi trong lĩnh vực này. Tôi vẫn chỉ là một kẻ tay ngang trong văn đàn nên không hoạch định trước mình sẽ viết gì. Tất cả đều là cảm xúc dẫn dắt.

Thật ra, tôi đã có kế hoạch viết 1 cuốn chung với Amanda Huỳnh (TS. Huỳnh Thụy Phan Trang, tác giả cuốn Lam - PV) một cuốn sách hai đầu, một câu chuyện được kể bằng 2 người viết yêu nhau. Một cuốn khác sẽ là thế giới điện ảnh, những câu chuyện của tôi khi làm kịch bản phim và bị nhân vật của mình chi phối. Có thể năm 2021, tôi sẽ ra một quyển.

Thật ra, thứ phân định chất lượng người viết không phải thể loại sách mà là văn phong, lối tư duy và trải nghiệm của tác giả đó. 

{keywords}
 

Vạ miệng vì thẳng thắn nhưng được đánh giá cao về độ chính trực

- Có ý kiến cho rằng: Văn thơ cho người trẻ hiện nay nhìn chung vô vị, nhang nhác nhau, không bổ ích nhưng rất được lòng người trẻ. Hẳn anh có lý giải cho vấn đề này?

Tuổi trẻ, trong quá trình tìm kiếm lối đi để trưởng thành, thường rất cô độc về trải nghiệm cảm xúc. Vì thế, khi thơ văn viết về nỗi buồn – những nỗi buồn trẻ dại, người ta dễ đồng cảm. Tôi cũng từng phán xét người trẻ sao quá dễ dãi trong chuyện đọc, họ có thể phát cuồng vì những quyển sách chỉ đáng điểm trung bình về chất lượng. Nhưng đánh giá như vậy là sai!

Tuổi trẻ hay tuổi nào cũng đi tìm tấm gương phản chiếu lại lòng mình. Âm nhạc của tuổi trẻ luôn thay đổi và lúc nào cũng bị chê nông cạn bởi “người già”, nhưng đó là thế giới của họ. Người viết trẻ và người đọc trẻ, cả hai đều cần thời gian để trưởng thành.

{keywords}
 

- Tùng Leo từng là MC phát ngôn rất thẳng thắn nhưng sau một vài vụ việc lùm xùm khiến anh trở thành đối tượng bị người dùng mạng xã hội công kích, dường như anh kín tiếng hơn?

Tôi kín tiếng dần vì 2 lý do chính. Thứ nhất, tôi đã bắt đầu một sự nghiệp mới. Môi trường kinh doanh rất bận rộn và áp lực, tôi cũng dần không còn thời gian lẫn những quan tâm của mình đến những vấn đề nhỏ nhặt khác. Thứ hai, tôi là người vẫn còn hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ở vai trò quản lý. Người lùi về phía sau ánh sáng sẽ không còn cần nhu cầu được ồn ào.

Mặt khác, đồng ý với bạn, nghệ sĩ phải có trách nhiệm phát ngôn. Chính những gì bạn nói về tôi trước đây – vạ miệng vì thẳng thắn mà ở môi trường mới, tôi được đánh giá cao về độ chính trực. Cái gì cũng có lý do của nó và chuyện gì cũng có cả mặt tốt và mặt xấu.

Cẩm Lan 

Hồ Trung Dũng: Đọc sách để làm màu không tốt nhưng cũng chẳng xấu!

Hồ Trung Dũng: Đọc sách để làm màu không tốt nhưng cũng chẳng xấu!

"Đọc sách để làm màu không đáng lên án. Nếu có người nhìn mình khi đang đọc, tôi cũng điều chỉnh tư thế một chút để trông ngầu hơn", Hồ Trung Dũng chia sẻ với VietNamNet.