- Cánh báo chí muốn gặp nhà thơ Dương Kỳ Anh, người được mệnh danh là  "ông trùm hoa hậu Việt Nam" bây giờ cũng khó vì ông ở ẩn...

Bây giờ ta đi ở ẩn / Ẩn vào cây, ẩn vào hoa / Ẩn vào sương, ẩn vào nắng / Mặc bình minh với chiều tà... (trích bài thơ ẨN trong tập thơ Thong Thả).

Nhà thơ Dương Kỳ Anh (tên thật là Dương Xuân Nam) vừa ra mắt tập thơ Thong Thả mới xuất bản và có bạn bè, những nhà báo, nhà thơ, nhà văn đến chia vui khá đông. Nhà thơ Dương Kỳ Anh nói ông đã xuất bản 25 tập sách gồm 5 tập thơ, 3 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn và nhiều tập phóng sự, ghi chép, sưu tầm , biên soạn... nhưng chưa bao giờ tổ chức ra mắt tập nào cả, lần này ra mắt tập thơ Thong Thả mới xuất bản là cái cớ để gặp gỡ bạn bè, những người làm báo, làm văn nhiều năm mà ông cùng gắn bó nhưng vì ông đi "ở ẩn" ở nhà vườn nên ít có dịp gặp nhau...

{keywords}
Nhà thơ Dương Kỳ Anh.

Đọc Thong thả, dễ nhận thấy thơ ông bây giờ đã đi vào chiều sâu của tâm tưởng với những suy ngẫm minh triết, những cảm nhận sâu xa về cuộc đời, về con người, về thế sự nhân tình ... Ông nói từ ngày nghỉ công tác quản lý, không trực tiếp làm trưởng ban tổ chức, trưởng ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, ông thấy 'nhẹ cả người'. Ông đọc lại Kinh Thánh, giáo lý nhà Phật, đọc lại Lão Tử, Trang Tử, Osho... Ông đọc lại Nguyễn Trãi, Nguyên Du... nghiệm ra được nhiều điều, cảm nhận được nhiều điều để bình tâm hơn trước cuộc sống hiện đại đang quay cuồng như cơn lốc...

Trong bài thơ "Như người xưa ấy" ông viết: ..."Đọc sách mà không đòi nghĩa sách*/ Kim cổ soi chung một chữ nhàn / Có ấy là không, không là có / Có không, không có cõi nhân gian... Ta phơi áo mỏng cùng sương núi / Nắng dệt tằm tơ tấm lụa mềm / Bát cơm chan ánh trăng vàng rợi / Như người xưa ấy chốn thần tiên...

Sống chậm đang là xu hướng của nhiều người ở nhiều nước trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, của đời sống đa chiều, của những cơn lốc thế sự ...

Nhà thơ Dương Kỳ Anh vốn yêu thiên nhiên, yêu sự yên tĩnh, yêu cái đẹp nên khi được đắm chìm trong thiên nhiên ông cảm thấy mình thực sự hạnh phúc, thực sự cảm nhận được những gì mà lâu nay ông vì sự bận rộn của công việc đã bỏ qua: "Ta nằm khảnh ngoài hiên / gió mát chờ trăng lên / Trăng lên, kìa lạ quá / Trăng ngẩn ngơ trước đèn ...'' (Trích bài thơ Nhàn trong tập Thong Thả).

Nói nhà thơ Dương Kỳ Anh đi ở ẩn, thực ra cũng chỉ là cách để ông bình tâm, xa lánh mọi sự ồn ào, mọi sự bon chen và dành nhiều thời gian cho văn chương. Ông đọc và viết hàng ngày. Ngày nào cũng ngồi bên máy tính năm 6 tiếng đồng hồ. Ông viết hàng trăm bài báo cho nhiều tờ báo, còn giữ hẳn một chuyện mục cho một tờ báo, chuyên mục "Chuyện gia đình những người nổi tiếng" khá hấp dẫn bạn đọc.

Gần 8 năm nghỉ công tác quản lý, ông đã xuất bản 8 cuốn sách, mỗi năm ông in một cuốn, nhiều tập truyện ngắn của ông như "Người lấy hai vua" (nhà XB Hội nhà văn); "Người rêu'' (Nhà XB Văn Học)... đã được bạn đọc nhiệt thành đón nhận; cuốn "Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ”(Nhà xuất bản giáo dục) và cuốn "Những bài thơ tình nổi tiếng thế giới và lời bình" (Nhà XB Thanh Niên) và tập ghi chép "Chuyện gia đình những người nổi tiếng" (Nhà XB Văn Học), thực sự là những cuốn sách bổ ích và hấp dẫn ...

Trong một bài viết về nhà thơ Dương Kỳ Anh đăng trên báo Văn Nghệ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (hiện là Phó chủ tịch hội nhà văn VN) nhận định: "Phải công nhận rằng, ông càng viết thì thơ ông càng thâm trầm và tinh tế. Việc vượt qua chính mình, nhất là trong sáng tạo nghệ thuật, là một việc cực kỳ khó khăn. Mấy năm gần đây, ông còn cho ra mắt những cuốn tiểu thuyết đầy nỗi dày vò và đau đớn về cuộc đời này...".

Thân đi ở ẩn mà hồn thơ vẫn đau đáu với thế sự nhân tình là vậy ... Thì ra, Dương Kỳ Anh đi ở ẩn cũng khác người thật. Ông ẩn vào thiên nhiên để hiểu hơn thiên nhiên, để thấy thiên nhiên quả là một bà mẹ vĩ đại mà chúng ta phải giữ gìn bảo vệ môi trường sống. Trong bài thơ "Bụi" ông viết: ..."Ta yêu mảnh vườn lớp lớp cây xanh / Những buổi mai yên tĩnh / Nghe cành hoa dấy trèo lên ngọn cây thông/ Giữa mùa đông / Nở tràn hoa tím...".

Ông ẩn vào thế sự nhân tình để bình tâm thấy được cái hay, cái đẹp của những con người bình thường trong cuộc sống hàng ngày, những con người nơi đầu song ngọn gió, ngày đêm canh giữ biển đảo thân yêu của tổ quốc: "Đất nước không thể lùi/ Ta phải lùi một bước / Như người vợ chờ chồng / Trăng treo đầu giấc ngủ / Như người con ngóng bố / Võng mắc vào biển xanh / ... Đất nước không thể lùi / Ta phải lùi một bước / Lùi vào phía hy sinh / Lùi vào nơi thua thiệt / Cùng với nhân dân mình ...(trích bài “ Đất nước không thể lùi” trong tập thơ Thong Thả).

Không phải tận bây giờ, mà từ lâu nhà thơ Dương Kỳ Anh đã đi ở ẩn trong thơ, đúng hơn, ông đã ẩn mình trong thế sự nhân tình để nghiệm ra nhiều điều mà không phải ai cũng thấy được: ... Ta thì ta đi ở ẩn / Cả khi ở chốn quan trường / Ẩn vào cô đơn im lặng / Sự đời coi như khói sương... Trong một bài viết in trên báo Văn Nghệ bình bài thơ Ẩn của nhà thơ Dương Kỳ Anh, nhà thơ Phan Cung Việt cho hay: "Tôi làm chứng cho bài thơ Ẩn và nhà thơ Dương Kỳ Anh - người đã viết nên bài thơ Lặng im nổi tiếng. Lặng im ấy và ẩn này là một. Hai mà một. Thử bình tâm để thấy một mà lại hai. 

{keywords}
Ông Dương Xuân Nam và các HHVN

Dù trong cuộc đời tác nghiệp, nhà thơ Dương Kỳ Anh dắt tay hoa hậu đi khắp đó đây châu lục. Có người bảo ông không ẩn. Nhưng tôi biết, với anh là công việc. Thật ra ông vẫn lặng im. Vẫn là ẩn trong nhan sắc. Mà ẩn trong nhan sắc vốn nổi song ba đào mới đáng nói. Đọc tập thơ Thong Thả của Dương Kỳ Anh, ta cảm nhận được sự vô cùng của không gian, sự vô hạn của thời gian và sự hữu hạn của đời người, thấy được những quy luật và sự biến hóa của cuộc sống, mà con người cần biết, cần hiểu, cần đối mặt để sống cho thanh thản, sống cho hữu ích, sống cho không chỉ bản thân mình, gia đình mình mà còn cho quê hương, đất nước, cho những điều tốt đẹp nhất mà con người với tư cách là chủ thể của cuộc sống có thể làm, có thể hy vọng, có thể hướng tới. Bởi thời gian nói như nhà thơ Dương Kỳ Anh: " ... Bây giờ ta đi ở ẩn / Bạn bè chỉ gặp qua meo* (email) / Thời gian như con hạc trắng / Ngàn năm vỗ cánh bay vèo...".

Thảo Dương