- Cho dù chuyện gì xảy ra, dường như mùa xuân, tình yêu luôn ngập tràn trong thơ Lưu Quang Vũ. 

Nhật ký mùa xuân 1965, Lưu Quang Vũ viết: “Muốn thực hiện được những điều to tát, người ta sống như là mình không bao giờ chết cả…” Suốt quá trình sáng tạo, nhà thơ-nhà viết kịch đã lăn vào cuộc sống, như “bông lúa đòng ngậm sữa mùa xanh”, như “giọt nước vui trong ngọn suối lành”, cống hiến hết mình, “góp cả đời tôi cho cuộc sống”. (Trích nhật ký Lưu Quang Vũ, bản viết tay đang lưu giữ tại gia đình bà Lưu Khánh Thơ - em gái cố thi sĩ). 

Mùa xuân nhiều dấu ấn 

Chắt lọc tinh tuý, có được những sáng tác để đời, nhưng thói quen viết đã hình thành ngay từ những trang nhật ký mà nhà văn đã miệt mài ghi lại từ buổi khởi đầu hành trình đời mình. “Ngày 31-1-1964. Hôm nay đã là ngày 30 Tết rồi. Mùa xuân đã về rồi đây. Sao trong những ngày giáp Tết này, lòng người cứ thấy náo nức lạ thường. Hà Nội đang độ đẹp trời, không khí nhộn nhịp với hoa, với pháo… Xuân này đến, đối với mình, càng có nhiều điều đáng ghi nhớ, mùa xuân cuối cùng của đời học sinh, sang năm là bay vào cuộc sống rồi. Xuân 65, Xuân đất nước có bao nhiêu biến chuyển lớn lao…”.

{keywords}
Tập bản thảo trường ca Lưu Quang Vũ

Chiều 30 Tết, Lưu Quang Vũ ra phố Thuốc Bắc, tìm đến ông đồ già viết đẹp nhất mà anh đã để ý và ông cũng đã quen mặt chàng trai còn trẻ thế mà lại yêu thơ cổ, yêu nghệ thuật viết chữ truyền thống, Vũ nhờ ông viết bài “Cảm tưởng đọc thiên gia thi” của Hồ Chủ Tịch và một đoạn “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn, chàng trai trẻ chỉ có đủ tiền nhờ ông đồ già viết trên giấy thường, nhưng ông đồ đã khảng khái rút đôi giấy xuyến rất đẹp, rất quý để cho chữ mừng xuân và cũng là để tri ân một tấm lòng với chữ nghĩa.

Từng nét mực mạnh mẽ, bay bổng hiện lên khiến ai ngang qua cũng phải đứng lại nhìn và tấm tắc khen. Ông đồ già còn tặng Lưu Quang Vũ ba chữ “Ất Tị Xuân” trên giấy đỏ thắm, cho địa chỉ nhà và mời Lưu Quang Vũ tới chơi để tri kỷ bình thơ. Mùa xuân Ất Tị năm ấy, có hai bức trướng thơ trên tường, Lưu Quang Vũ tự sự: “Treo lên thấy sáng rực cả nhà”, còn khách khứa đến chơi thì rôm rả bình thơ và trò chuyện về nghệ thuật tranh thuỷ mặc.  

Tối mùng 1 Tết, Lưu Quang Vũ xốn xang, rạo rực viết: “Buổi tối đầu tiên của mùa xuân, lòng rạo rực như có niềm vui gì sắp đến… Hai chị em Tuất đến chơi, cũng đẹp và tươi như chúa xuân vậy. Cả hai chị em đều mặc áo dài, áo len…” Rồi, sau đó là mối trăn trở nghẹn ngào: “Khuya, nghe bố nói chuyện về Hàn Mặc Tử. Một buổi chiều mấy mươi năm về trước, bố thuê một chuyến xe tới thăm thi sĩ đang ở trại hủi Quy Hoà. Xe đỗ cách đó hai cây số, bố đi bộ vào trên con đường lạnh vắng. Trại hủi chẳng mấy khi có người tới thăm… Hàn Mặc Tử và bố đứng cách nhau năm hàng dây thép gai. Thi sĩ nói: “Thuận đã có lòng tới thăm Tử đây, thật là đáng quý, nhưng đến một lần thôi, đừng có đến lần thứ hai Thuận ạ…” Năm ấy, Hàn Mặc Tử mới hai mươi mấy tuổi đầu, bệnh hủi nhẹ vào đây đã thêm nặng. Nhà thi sĩ ôm một khối sầu đau đớn và day dứt…”.

Lưu Quang Vũ tự sự: “Câu chuyện về nhà thơ sao tê tái cả lòng mình… Giữa ngày xuân này, câu chuyện ấy làm mình càng thấy yêu thêm cuộc sống tươi đẹp hôm nay, muốn đem hết tài năng, trí tuệ ra mà viết, mà vẽ…”.

Tình xuân còn mãi với nhân gian 

Bà Lưu Khánh Thơ kể nhiều đêm anh trai bà trùm chăn ngồi co ro viết giữa những mùa đông lạnh giá và thiếu thốn. Thế nhưng thơ Lưu Quang Vũ bài nào cũng rất “tình”, rất ấm.

“Thôi mắt đừng xót xa/nỗi buồn thời quá khứ/từ nay anh sẽ thở/trong mối tình của em. Lưu lạc giữa hoàng hôn/đồng mưa và cỏ lạnh/nghẹn ngào thương nhớ em/dưới một trời bom đạn. Đường anh xa vắng lắm/lòng em có đến cùng/áo bay về mênh mông/chập chờn trên gác tối/ngọn lửa nhỏ cô đơn/đang nghĩ gì phương ấy” (Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên, 1973). 

{keywords}
Thơ tình viết về người đàn bà không có tên.

Dường như mùa xuân tuổi trẻ và tình yêu luôn tràn ngập trong Lưu Quang Vũ, cho nên đối với nhà thơ, ngay cả đáy thất vọng cũng sẽ hoá sinh dòng nhựa mới “khi em nắm tay anh”, còn “khi em tựa xuống vai anh, lúa gặt về nóng rực, con gái con trai hát lưng đồi nắng, mật đổ tràn trên suối đất thơm”.

Mối tình của Lưu Quang Vũ với Xuân Quỳnh nhiều cay đắng xót xa mà cũng rất đỗi ngọt ngào. “Năm tháng và tuổi trẻ đi qua/mắt em buồn hoang vắng/làm sao anh biết được/điều ta tìm ẩn hiện nơi đâu. Mỗi con người một vật thể cô đơn/nhìn rõ nhau qua cửa kính trống trơn/nhưng không thể nghe nhau, không thể nói…” (tặng Quỳnh, ngày xưa).

{keywords}
Thơ tặng Xuân Quỳnh

Họ đã đi cùng nhau trên chặng cuối của cuộc đời, cho dù đường gập ghềnh sỏi đá, và những vần thơ đầy tình đã ở lại mãi mãi ám ảnh nhân gian: “Ngủ nhé Quỳnh ơi, mọi việc để anh làm/anh rửa bát, dọn nhà, xếp lại những trang thơ Quỳnh viết dở/cái tẩu, lọ hoa, mặt bàn, tàn thuốc lá/ngủ ngon Quỳnh ơi gian phòng nhỏ như thuyền/giấc ngủ trôi về như dải sông đen/có rong dại có ngút ngàn lau trắng…” (Thơ ru Quỳnh ngủ).

{keywords}
Thơ ru Quỳnh ngủ

Mặc dù nhà riêng của bà Lưu Khánh Thơ khá rộng và gia đình đã dành một khu vực để lưu giữ bản thảo của cặp vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ, nhưng vẫn không đủ điều kiện để bảo quản vì toàn bộ bản thảo các tác phẩm đều là bản viết tay trên giấy, thời tiết mưa phùn của mùa xuân phía Bắc rất khó tránh ngấm ẩm. Hơn nữa, tuổi của bản thảo cũng đã khá lâu, xấp xỉ 50 năm nên rất khó giữ gìn di cảo thoát khỏi sự tàn phá của thời gian. 

28 năm trôi qua sau ngày mất của cặp vợ chồng Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh, bà Lưu Khánh Thơ cho biết đã hiến tặng Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 nhiều bản thảo của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ để giám định, xử lý kỹ thuật và trưng bày trong điều kiện được bảo quản. 

{keywords}
Tập thơ Mây trắng của đời tôi

Dù đã đi xa nhưng tâm huyết của người thơ vẫn còn nguyên đó, ngồn ngộn chất chứa trên hành trình đi tìm sáng tạo, như vần thơ Lưu Quang Vũ viết: “Đi dọc một triền sông/những chiếc trống đồng vùi trong cát/những mảnh bình vỡ nát/những mũi tên lăn lóc/khắp đồi núi hoang vu/những rìu đá cổ sơ, những hang động khổng lồ/những đống lửa còn tro tàn sót lại… Tôi đi tìm dòng máu của tôi/hơi thở đầu sôi sục của tôi…” (Đất nước đàn bầu)

Hòa Bình