“Trong mỗi đứa trẻ đều có một trái tim rung động. Và câu chuyện này như nói hộ trái tim của trẻ. Tôi mong rằng, người lớn chúng ta hãy cảm nhận những mong muốn từ trong sâu thẳm tâm hồn trẻ bằng ánh mắt chân tình và trái tim thật bao dung”, lời chia sẻ của tác giả Shigenori Kusunoki về cuốn sách “Ước gì cháu không bị mắng” do chính ông viết và được minh họa bởi họa sĩ Kiyotaka Ishii.

Đây là cuốn sách được dư luận chú ý trong Cuộc thi cảm nhận về sách dành cho Thanh thiếu niên toàn Nhật Bản, giành giải thưởng JBBY năm 2010 và đạt giải thưởng Ehon cho nhà trẻ lần thứ 3.

{keywords}
'Ước gì cháu không bị mắng' – Lời thì thầm của từ trái tim bé thơ.

“Ước gì cháu không bị mắng” kể câu chuyện về cậu bé thường bị mẹ mắng khi ở nhà và cô mắng khi ở trường. Điều đặc biệt là cậu luôn biết mình sẽ bị mắng trong hoàn cảnh nào. Đó là khi em khóc, khi khiến các bạn khóc hay khi nộp bài chậm. Cậu bé rất buồn. Vì cậu biết “Hôm qua mình đã bị mắng. Hôm nay cũng thế. Ngày mai sẽ tiếp tục bị mắng cho mà xem”. Cậu bé luôn mong được mẹ khen “con thật là ngoan” nhưng cậu nhận ra “mẹ và cô lúc nào cũng nhìn mình bằng khuôn mặt giận dữ”.

Cậu bé không biết làm thế nào để không bị mắng, không biết làm thế nào để được khen, vì vậy trong ngày mùng 7 tháng 7, cậu bé đã viết một điều ước lên mảnh giấy nhỏ gửi thần Tanabata. Nếu các bạn ước chơi đàn giỏi, ước trở thành cầu thủ bóng đá thì cậu bé ước rằng: “Ước gì cháu không bị mắng”.

{keywords}
Cuốn sách Ehon Nhật Bản “Ước gì cháu không bị mắng” như lời chia sẻ của các bạn nhỏ đối với bố mẹ và những người lớn xung quanh.

Điều ước nhỏ bé ấy của cậu bé trong câu chuyện chắc hẳn đã khiếu nhiều cha mẹ, thầy cô giật mình. Bởi có lẽ trước những áp lực của cuộc sống, công việc, người lớn ít có khi nào dừng lại và nghĩ về cách mà mình đã ứng xử với con, với học sinh của mình hàng ngày. Thậm chí, đôi khi các bậc cha mẹ không kiểm soát được sự nóng giận trước những giây phút nghịch ngợm quá đà của trẻ.

Cuốn sách Ehon Nhật Bản “Ước gì cháu không bị mắng” như lời chia sẻ của các bạn nhỏ đối với bố mẹ và những người lớn xung quanh, rằng: Hãy bao dung hơn với những giây phút nghịch ngợm, những khoảnh khắc hồn nhiên hơi quá đà của trẻ.

Cuốn sách cũng là lời thức tỉnh các bậc cha mẹ, thầy cô, giúp người lớn nhìn nhận lại cách hành xử với trẻ, về những việc làm khiến trái tim non nớt của trẻ bị tổn thương. Qua đó, người lớn biết cần phải dành thời gian để thấu hiểu trẻ, đặt mình vào vị trí của trẻ thay vì la mắng khi trẻ mắc lỗi.

Tác giả Shigenori Kusunoki sinh năm 1961 tại tỉnh Tokushima. Ông từng là giáo viên tiểu học, phó giám đốc thư viện thành phố Naruto, hiện tại ông tiếp tục công việc giảng dạy và sáng tác văn học thiếu nhi. Ông là Ủy viên Hội đồng phê bình của Hiệp hội các nhà văn hóa thiếu nhi Nhật Bản, đồng thời là hội trưởng Hội Văn học Thiếu nhi tỉnh Tokushima.

Họa sĩ Kiyotaka Ishii sinh năm 1976 tại tỉnh Shizuoka. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Nagoya. Trong suốt 6 năm, ông vừa vẽ tranh, thiết kế đồ họa và vừa tham gia chăm sóc các cháu nhỏ. Ông giành nhiều giải thưởng minh họa sách tranh với các tác phẩm nổi tiếng như “Cây cột điện và chàng trai kỳ lạ”, “Câu được rồi! Câu được rồi!”.

Tình Lê

'Khi bố còn thơ', món quà ý nghĩa cho mọi trẻ em

'Khi bố còn thơ', món quà ý nghĩa cho mọi trẻ em

"Khi bố còn thơ" viết cho thiếu nhi đơn sơ, thú vị và có tính giáo dục cao.