Tham dự hội thảo có lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hải Dương cùng đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Hội thảo nhằm xác định cơ sở lý luận, làm rõ nội hàm khái niệm hệ giá trị văn học, nghệ thuật, những yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại. Thông qua hội thảo, các nhà khoa học phân tích thực tiễn để nhận diện, đánh giá thực trạng giá trị của văn học, nghệ thuật Việt Nam trên các lĩnh vực cơ bản. 

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội thảo 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: Nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay có ý nghĩa không chỉ với đời sống văn học nghệ thuật mà còn trực tiếp góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ban tổ chức đã nhận được hơn 80 tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ cả nước. Các tham luận có nhiều cách tiếp cận, lý giải vấn đề, xuất phát từ thực tiễn các lĩnh vực khác nhau nhưng đều tập trung làm rõ chủ đề Hội thảo đó là: Xác định cơ sở lý luận, làm rõ nội hàm khái niệm hệ giá trị văn học nghệ thuật (VHNT) và yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại; nhận diện, đánh giá giá trị của văn học nghệ thuật Việt Nam trên các phương diện cơ bản; đề xuất phương hướng, mục tiêu và các kiến nghị giải pháp...

Giáo sư Hà Minh Đức nhấn mạnh vấn đề con người và dân tộc trong góc hệ giá trị văn chương. Ông cho rằng: "Văn nghệ đối diện với con người hôm nay phải thể hiện được những phẩm chất mới và phê phán những hiện tượng tiêu cực. Phương châm chân – thiện – mỹ vẫn có giá trị nhưng phải nhận thức những đổi thay. Thế nào là chân – thiện – mỹ trong tình hình hôm nay. Cái gốc là phải đề cao tôn vinh cái đẹp, cái hay của con người mới. Cái gốc là chủ nghĩa nhân đạo, góp phần thúc đẩy cho cuộc sống phát triển và con người tốt đẹp"

Soi chiếu dưới góc nhìn của triết học, GS Hồ Sĩ Quý cho rằng việc xây dựng hệ giá trị VHNT về thực chất là nhằm tìm kiếm các định hướng sáng suốt để VHNT nước nhà phát triển lành mạnh, văn nghệ sĩ sáng tạo được nhiều tác phẩm hay, có giá trị, có ích cho dân, cho đất nước và bản thân nghệ thuật. Hệ giá trị VHNT Việt Nam một mặt cần bao gồm trong nó những giá trị phản ánh được lý tưởng, niềm tin, kỳ vọng và nguyên tắc hoạt động của VHNT Việt Nam.

Nhưng, mặt khác hệ giá trị VHNT cũng không được phép lảng tránh trách nhiệm tạo hành lang cởi mở cho sự phản ánh các giá trị đích thực của xã hội hôm nay và của đời sống văn nghệ hiện nay – các giá trị ngầm định, đang âm thầm và mãnh liệt chảy trong đời sống xã hội. Vì vậy, hệ giá trị VHNT Việt Nam hiện nay phải là "Nhân dân, Tổ quốc và tác phẩm".

Trên cơ sở phân tích đúng và trúng thực trạng hiện nay, hội thảo đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp trọng tâm, đồng bộ và khả thi để từng bước triển khai xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh kiến nghị, để tránh tình trạng thiếu chuẩn mực, hỗn loạn trong đánh giá các hoạt động nghệ thuật, cần xác lập hệ giá trị cho từng bộ môn nghệ thuật như hội họa, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… Cần đẩy mạnh hoạt động lý luận phê bình VHNT, coi đó là lĩnh vực mũi nhọn trong hoạt động VHNT nước nhà. Nên đưa giáo dục mỹ học vào các cấp học của chương trình phổ thông và đại học bên cạnh các môn văn hóa khác…

Thay mặt Hội đồng phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: Kết quả hội thảo sẽ góp phần bổ sung luận cứ khoa học để đánh giá thực trạng, xây dựng hệ giá trị VHNT Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó, hội đồng sẽ có báo cáo tư vấn cụ thể giúp Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo vấn đề quan trọng này.

Tình Lê

Ấn bản 'Việt Nam sử lược' kỷ niệm 100 năm phát hành

Ấn bản 'Việt Nam sử lược' kỷ niệm 100 năm phát hành

'Việt Nam sử lược' là công trình lịch sử của Trần Trọng Kim được in ấn chất lượng với thiết kế mỹ thuật đẹp.