"Mùa chinh chiến ấy" là những mảng hồi ức của nhà văn – chiến binh Đoàn Tuấn về anh và đồng đội trong cuộc chiến biên giới Tây Nam.

Chiến trường K giai đoạn cuối năm 1978 đến giữa những năm 1980 là nơi bộ đội Việt Nam phải đối mặt với một kẻ địch nguy hiểm, liều lĩnh và môi trường xa lạ, khắc nghiệt hơn cả hai cuộc kháng chiến trước đó. Trong bối cảnh âm thầm mà khốc liệt của gần 40 năm về trước ấy, truyện đưa người đọc theo dấu chân tuổi 18 của nhân vật “tôi” – người lính sư đoàn 307, đi tới tận những miền rừng núi heo hút xứ người. Đó là cuộc hành quân dài hàng ngàn cây số: từ Pleiku, theo đường 19 tiến về hướng Tây, để đẩy lùi và tiêu diệt tàn quân Khmer Đỏ ở vùng Đông - Bắc Campuchia.

{keywords}

Thế hệ lính thứ ba, nhập ngũ sau 1975 cũng đã khác trước. Họ phần nhiều là những học trò vừa rời ghế nhà trường từ các tỉnh miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa... đến những thanh niên miền Nam mới làm quen với cuộc sống của chế độ mới. Phải chiến đấu trên mảnh đất không phải quê hương mình, trước những sức ép kinh khủng của chiến tranh, những người lính trẻ vấp phải vô số thử thách về phẩm chất con người lẫn cạm bẫy của việc từ bỏ hàng ngũ. 

Nhưng họ đã ở lại, đã chiến đấu, hy sinh, năm này qua năm khác… để ngày trở về, mang theo thứ tài sản vô giá của cuộc đời quân ngũ: tình đồng đội. 5 năm ở chiến trường K của Đoàn Tuấn, với lịch sử chỉ như thoáng chốc, nhưng với mỗi người lính mười tám, đôi mươi ngày ấy là cả một thời tuổi trẻ để lại. Thân thương như máu thịt mình.

Đoàn Tuấn viết trong sáng, tự nhiên nhưng khi cần cũng không hề né tránh những mảng gai góc của hiện thực. Những trang văn đầy ắp chi tiết dựng lại cả một giai đoạn lịch sử vẫn còn nóng hổi để mỗi người Việt cần nhớ.

T.Lê