Nhiều người vẫn nói nghệ sĩ Xuân Huy chảnh, không tham gia nhiều vào các sự kiện âm nhạc của Việt Nam nhưng anh bảo, tính anh thế, cái tôi rất cao. Anh không muốn trở thành công nhân đánh đàn mà chỉ muốn là nghệ sĩ chơi đàn thôi. Thế nhưng Xuân Huy xuất hiện rất thường xuyên trong các chương trình hòa nhạc Điều còn mãi của VietNamNet.

Nguyễn Xuân Huy từng là một tài năng lớn của violin Việt Nam những năm 80 – 90 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, người ta nhắc đến anh với rất nhiều mỹ từ, là người trẻ nhất của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, người Việt chơi lâu nhất trong dàn nhạc Century của cố công nương Diana, nghệ sĩ Việt đi biểu diễn ở các quốc gia nhiều nhất. Thế nhưng bẵng đi một thời gian, gặp lại nghệ sĩ Xuân Huy tại căn nhà nhỏ trên đường Đê La Thành, không gian sống đơn sơ cộng với vẻ bề ngoài giản dị khiến người viết ngạc nhiên. Như đoán biết được suy nghĩ của người đối diện, nghệ sĩ Xuân Huy nói ngay: “Bao nhiêu năm trên các sân khấu lớn nhỏ, tôi toàn mặc áo đuôi tôm thắt cà vạt nhiều rồi, giờ thế này cho thoải mái”.

{keywords}
Nghệ sĩ Xuân Huy trên sân khấu Điều còn mãi

Tuổi thơ ‘dữ dội’

Tuổi thơ của Nguyễn Xuân Huy nếu gọi là ‘dữ dội’ cũng chẳng sai. Không có những lúc rong ruổi chơi ô ăn quan hay nhảy lò cò, từ năm 7 tuổi, cậu bé Huy đã phải khổ luyện bên cây đàn cùng với giáo viên của mình.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Bố anh, nghệ sỹ Nguyễn Bảo Đoàn, tốt nghiệp chuyên ngành violin ở nhạc viện Thượng Hải. Mẹ anh, bà Phạm Thị Đông là một nghệ sỹ thanh nhạc danh tiếng một thời. Với cái nôi nghệ thuật như vậy, chỉ sau 1 năm tập luyện, Xuân Huy đã đỗ vào hệ trung cấp Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

4 năm sau, anh sang Venhepsky (Ba Lan) dự thi “tài năng vĩ cầm trẻ” và đứng thứ 16 trong số hơn 300 thí sinh dự thi. Ngoài ra Xuân Huy còn là thí sinh ngoài top 15 đoạt giải phụ khi chơi tiền cổ điển (Teleman) hay nhất.

Ở tuổi 16, Xuân Huy đứng đầu bảng cuộc thi violinist do Liên Xô tổ chức ở Việt Nam và nhận được một suất học bổng của Trường Trung cấp âm nhạc Gnesiny Liên Xô nhưng anh được đặc cách học âm nhạc trình độ đại học. 18 tuổi, anh được các giáo sư của trường giới thiệu thi vào dàn nhạc giao hưởng Century do Công nương Diana tài trợ. Từ đó trở đi, Xuân Huy được lưu diễn khắp thế giới với cây đàn của mình.

Trở thành võ sĩ vì chỉ muốn được chơi đàn

Những tháng năm ở dàn nhạc giao hưởng, để có thể có kinh phí cho trang trải cuộc sống đắt đỏ nơi xứ người, Xuân Huy đã phải vừa chơi nhạc vừa dạy võ (Vịnh Xuân Quyền) kiếm tiền. Người viết không tin khi anh chia sẻ thông tin này, bởi làm sao bàn tay mềm mại ngày ngày chơi đàn kia lại có thể trở thành võ sĩ với ‘quả đấm thép’ được? Vẫn là sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, đoán chừng người viết không tin, anh xin phép ra ngoài hút một điếu thuốc và định sẽ vào thể hiện vài đường quyền cho tôi xem nhưng chần chừ vài phút anh lại thôi.

{keywords}

{keywords}

Nghệ sĩ Xuân Huy chỉnh sửa dây đàn trước khi chơi nhạc. Ảnh: Tình Lê

Năm 1997 đánh dấu ‘biến cố’ lớn nhất của Xuân Huy trong con đường chinh phục đỉnh cao của âm nhạc. Dàn nhạc có nguy cơ không thể hoạt động khi Công nương Diana đột ngột qua đời sau tai nạn, bố anh nơi quê nhà phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo.

Trở về Việt Nam, anh được Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam chào đón nhưng Xuân Huy cũng chỉ làm việc ở đây được chừng 6 tháng rồi nghỉ. Khi anh rời Việt Nam đi đó là thời hoàng kim của nhạc cổ điển nhưng khi trở về sau 10 năm mọi thứ đã khác xưa, vị trí của nhạc cổ điển ít được chú trọng. Buồn ghê gớm, sau đó Xuân Huy về Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia nhưng cũng không ở lại được lâu vì quá ít đất diễn. Anh quan niệm với một người học hành bài bản, khát khao cống hiến mà không có nơi cho mình “thể hiện” thì nên từ bỏ.

Tự cho mình “nghỉ hưu” khi tuổi ngoài đôi mươi bởi không muốn mình trở thành “công nhân đánh đàn” và cho tới bây giờ Xuân Huy bảo thấy sướng hơn rất nhiều người bởi có thể sống với niềm đam mê của mình, không phụ thuộc ai. Hơn nữa, anh cũng chỉ làm việc có 1,5 tiếng/ ngày mà vẫn nuôi đủ 1 vợ 2 con, vẫn dành nhiều thời gian thăm thú bạn bè, vẫn có nơi để giải stress – đó là chơi đàn, cách chơi của riêng mình.

Đặc biệt, khi ở Nga, Xuân Huy luôn tự hào là người sành công nghệ, những công nghệ tiên tiến nhất anh luôn tìm mua bằng được khiến các bạn cùng phải ghen tị nhưng khi về Việt Nam anh từ bỏ chúng. Ngay cả việc sử dụng internet và facebook Xuân Huy cũng không màng.

“Khi mình quyết định cho mình 'nghỉ hưu' sớm để đi theo con đường mình chọn, mình đã không còn quan tâm tới những gì xảy ra, chỉ chú trọng tới cái mình làm để thỏa mãn đam mê. Giàu cũng chẳng để làm gì miễn là mình vẫn sống ổn, vẫn nuôi con, vẫn làm nghề. Vậy thì quan tâm làm gì những thứ xô bồ ngoài kia hay những thứ người ta tung hô và chửi bới nhau trên facebook”.

Tôi hỏi, tài năng như vậy, từng được tung hô như vậy nhưng giờ tên anh chẳng nhiều người nhắc nhớ, anh có buồn? Xuân Huy cười nói: “Tôi không phải là người chạy theo số đông”.

“Ở ẩn” lâu như vậy nhưng khi được mời tham gia vào Hòa nhạc Quốc gia Điều còn mãi” nghệ sĩ Xuân Huy gật đầu ngay. Anh cho biết với một chương trình được đầu tư cả tâm lẫn tầm làm sao có thể từ chối được. Trong “Điều còn mãi 2015” lần này Xuân Huy sẽ biểu diễn Bài ca chung thủy (sáng tác của Hoàng Dương) cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Tình Lê

Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-VietinBank (nhà tài trợ Kim cương), Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài gòn - Sabeco (Tài trợ Đồng). Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC). Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tài trợ địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội.