-“Việc xác định nguồn vốn 5 tỷ đồng, cần xem xét lại quy định này tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP, cần thiết có thể kiến nghị để sửa đổi Nghị định, hoặc vận dụng sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà xuất bản (NXB) triển khai thực hiện và hoạt động”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nói.


Khó hiểu quy định nguồn vốn 5 tỷ

Ngày 8/1/2016, tại Hội nghị cơ quan chủ quản NXB năm 2015 do Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay, nhiều cơ quan chủ quản và nhà xuất bản “kêu khó” về quy định “cơ quan chủ quản và nhà xuất bản bảo đảm kinh phí hằng năm ít nhất 5 tỷ đồng để nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ xuất bản". trong Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định.

Ông Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam băn khoăn số tiền 5 tỷ các NXB sẽ khó có thể có được. Đối với các NXB được hỗ trợ từ nhà nước thì vẫn còn khó chứ chưa nói tới việc những NXB không được hỗ trợ. Chẳng hạn như NXB Hội nhà văn không có hỗ trợ, không có đơn đặt hàng sẽ không tồn tại. Việc làm có thể khiến các NXB hoạt động cầm chừng chỉ có thể là bán giấy phép, liên kết xuất bản. Vậy nên mới xảy ra tình trạng những sách liên kết xuất bản nhiều khi không thể kiểm soát hết nội dung. "Việc chúng tôi phải làm là làm sao các NXB được 1000 cuốn tương đương khoảng 1 tỷ. Vậy trong một năm, ai có thể đọc hết nội dung cả một nghìn cuốn như vậy nên nhiều khi nội dung không thể kiểm soát được hết", ông Nguyễn Trí Huân nói.

Ông Huân mong muốn nếu nhất định các NXB phải có 5 tỷ thì nên cổ phần hóa xuất bản.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại hội nghị và đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm để gỡ khó cho ngành xuất bản.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính (cơ quan chủ quản của NXB Tài chính) băn khoăn về việc quy định trong Nghị định 159 không nêu rõ nguồn để có 5 tỷ đồng này là từ ngân sách nhà nước hay từ những nguồn huy động khác như xã hội hóa... Vì thế nên vẫn còn khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn An Tiêm, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho biết: Thống kê đến hết tháng 11/2015, trong số 63 NXB trên cả nước, vẫn còn tới 36 NXB (chiếm 57%) thiếu nguồn tài chính để hoạt động xuất bản, tổng kinh phí hàng năm dành cho hoạt động xuất bản dưới 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đề xuất của ông Nguyễn Trí Huân về việc cổ phần hóa xuất bản thì nhà nước không có chủ trương đó.

Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT Chu Hòa cho rằng, đúng là Nghị định 159  của Chính phủ quy định cơ quan chủ quản và NXB đảm bảo kinh phí hằng năm ít nhất 5 tỷ đồng để NXB thực hiện nhiệm vụ xuất bản khiến quá trình cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản gặp khó khăn. Điều này là do giữa Bộ, ngành, cơ quan chủ quản NXB chưa có cách hiểu đúng và thực hiện thống nhất. 

Mắc ngược mắc xuôi, gỡ thế nào?

Tại buổi họp,Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn  cho rằng, những thành tựu đạt được của toàn ngành năm qua là rất quan trọng, nhưng hoạt động của ngành xuất lại bản chưa bền vững. Những khó khăn, thách thức của hoạt động xuất bản vẫn đè nặng lên vai những người làm công tác xuất bản. Hoạt động xuất bản đang ở thời điểm chuyển giao, những điểm yếu kém và hạn chế của ngành Xuất bản đã bộc lộ một cách rõ ràng và gay gắt. Trong những hạn chế và yếu kém đó của các NXB, có vai trò và trách nhiệm của cơ quan chủ quản. Bên cạnh đó, là sự nhìn nhận, đánh giá về hoạt động xuất bản chưa toàn diện, chưa đúng vị trí, vai trò, nhiệm vụ của hoạt động này trong đời sống xã hội cũng làm cho hoạt động này trở nên hết sức khó khăn.

Việc cấp đổi giấy phép cho các NXB đã quá hạn hơn 4 tháng nhưng Bộ TT&TT mới chỉ thực hiện cấp đổi giấy phép thành lập cho 27 nhà xuất bản. Trong số đó, ngoài 02 nhà xuất bản Âm nhạc và Văn hóa - Thông tin đang trong quá trình sáp nhập, có tới 21 nhà xuất bản chưa đủ nguồn kinh phí ít nhất 05 tỷ đồng để duy trì hoạt động xuất bản.

“Đối với vấn đề tồn tại này, đề nghị cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT, Hội Xuất bản để thống nhất phương án thực hiện trên nguyên tắc thống nhất trong việc thực thi các quy định của Luật Xuất bản. Về việc xác định nguồn vốn 5 tỷ đồng, cần xem xét lại quy định này tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP. Cần thiết có thể kiến nghị để sửa đổi Nghị định, hoặc vận dụng sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà xuất bản triển khai thực hiện và hoạt động”, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho rằng, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động xuất bản phát triển là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của toàn hệ thống. Để làm được việc này một cách cơ bản, đồng bộ và nhận được sự đồng thuận của các cấp có thẩm quyền thì cần có sự vào cuộc của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản nhà xuất bản và các đơn vị trong toàn ngành. Vì vậy, Bộ TT&TT đề nghị cơ quan chủ quản của NXB phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành triển khai xây dựng các chương trình, đề án để hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho hoạt động xuất bản.

{keywords}
Ông Chu Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản In và Phát hành mong muốn hoạt động xuất bản đi vào nề nếp để tương lai có những xuất bản phẩm hay , có giá trị đến với thế hệ tương lai

Vấn đề đội ngũ lãnh đạo và BTV của các NXB cũng được Thứ trưởng đặc biệt chú trọng. "Trong tất cả các yếu tố tạo nên sự thành công hay thất bại của một cơ quan, đơn vị thì yếu tố con người luôn được xem là yếu tố hàng đầu, tiên quyết. Song, ở một số NXB, đội ngũ BTV hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu một cách chuyên nghiệp cho hoạt động xuất bản. Đội ngũ BTV thiếu và yếu đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo quy hoạch nguồn, các chức danh Giám đốc, Tổng biên tập NXB. " Chính vì thế, cơ quan chủ quản NXB cần chú trọng quan tâm hơn nữa vấn đề này, không thực hiện cầm chừng như giai đoạn vừa qua", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cuối cùng, để làm 'sạch' môi trường xuất bản, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, cơ quan chủ quản cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý trong việc chỉ đạo định hướng đề tài xuất bản của nhà xuất bản theo chức năng, nhiệm vụ và tôn chỉ, mục đích hoạt động của nhà xuất bản.  Đối với một số bản thảo cần phải thẩm định nội dung trước khi xuất bản hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.  Đây là một trong những giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm trong nội dung xuất bản phẩm, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường xuất bản phẩm và đẩy mạnh việc xuất bản các xuất bản phẩm có giá trị, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 T. Lê