Chỉ dám nhận là “em giáo” của chồng

- Là cô giáo, ngày 20/11 của chị thế nào?

20/11 là một ngày rất đặc biệt vì có lẽ chỉ ngày này, người ta mới nhớ đến tôi. Nghề đưa đò mà, qua sông rồi thôi, dễ quên lắm.

Đối tượng tôi dạy là các bạn VĐV chứ tôi không phải thầy đứng lớp hàng chục học sinh, hàng trăm sinh viên. Ngày này hàng năm, tôi không có trăm bó hoa hay nghìn lời chúc, nhưng vẫn nhận được hoa quà từ những học sinh rất đặc biệt.  

Các môn nghệ thuật nói chung thường có cảnh học trò hay quên thầy. Ở mặt nào đó, nghệ thuật sẽ gắn liền với danh vọng, sự tự tôn. Khi họ tự tôn với hào quang cùng những lời tán thưởng bủa vây, họ thường sẽ quên đi khó khăn ngày trước. Dĩ nhiên, tôi không phủ nhận rằng thành công của một VĐV, nghệ sĩ Dancesport có 80% nỗ lực, 20% là thầy dạy bảo nhưng đôi khi, chỉ một lời khuyên thôi cũng có thể khiến một người thay đổi.

Vì thế, tôi nhấn mạnh rằng những món quà nhận được ngày 20/11 rất đặc biệt. Chúng tôi không ép học trò đăng ký học hay đánh giá hạnh kiểm kém ai cả, các bạn nhớ thì tự đến, không thì thôi.

Ngày 20/11, tôi đã chúc các thầy cô của mình và chúc cả những đồng nghiệp đang làm thầy. Khi đi dạy, đôi lúc tôi cũng quên các thầy cô nên hơn ai hết, tôi muốn nhắn gửi những ai mới làm thầy hoặc đang làm thầy rằng: đừng quên thầy cũ của mình.

{keywords}
Trung tâm của Khánh Thi ngập hoa nhân ngày 20/11.

- Chị tủi thân vì các học trò quên mình ư?

Người quên nhiều hơn người nhớ mình, làm sao không tủi thân? Có những bạn học tôi, ra làm nghề rất thành công và bây giờ cũng làm thầy, nhưng lại phủ nhận mình. Chuyện này xảy ra phổ biến đến 70 – 80% trong giới nghệ thuật.

- Vậy còn “học trò đặc biệt nhất” – Phan Hiển thì sao?

Hiển chẳng nhớ gì cả, chỉ nói vu vơ: “Ôi, hôm nay vui thế nhỉ!”. Tôi cũng không nhắc xa gần gì vì anh ấy chỉ là học trò của mình nhưng là thầy của bao nhiêu người ngoài kia. Chắc vì thế mà người ta quên mình đấy! Với cả ông xã đang tập huấn bên Ý, tôi muốn anh ấy tập trung vào tập luyện.

Không chỉ 20/11 mà các dịp đặc biệt khác, anh ấy cũng quên suốt thôi. Muốn được quà, tôi phải nhắc đi nhắc lại thì may ra Hiển nhớ. Tôi không thấy giận vì đấy là tính người ta rồi. Đã yêu thì phải biết tính của nhau, mà hơi vô tâm, vô tư một chút cũng không phải là tính xấu. Đổi lại, sẽ có lúc anh ấy tặng tôi quà khi không có dịp gì. 

- Chị còn nhớ những ngày mới nhận dạy anh ấy chứ?

Có lẽ khoảng năm 2007 – 2008, tôi gặp Hiển thuở anh ấy chưa biết gì. Lúc ấy, bố mẹ Hiển đọc báo biết tin tôi và anh Chí Anh đi du học, mỗi năm về Việt Nam thăm nhà 3 tháng nên gửi Hiển và An (ca sĩ Hoàng Mỹ An, em họ Phan Hiển - PV) đến học. Gia đình Hiển rất mê nhảy và cầu tiến, đã thích bộ môn nào thì phải tìm bằng được thầy ưng ý hoặc ra nước ngoài học.

Thời điểm đó, Hiển thích Hiphop nhưng sau một thời gian, tôi phát hiện Hiển rất có năng khiếu. Dù anh ấy không cao nhưng tôi tin Hiển sinh ra để dành cho bộ môn này. Chiều cao trung bình của VĐV Đông Nam Á tương đương Hiển. Rất nhiều cặp vô địch thế giới cũng có chiều cao khiêm tốn. Tôi tin rằng, những cá nhân đặc biệt luôn có tài lẻ mà chính tài lẻ đó đưa họ lên đỉnh vinh quang. Tôi và anh Chí Anh bàn cách sao cho Hiển phát triển tốt nhất. Bây giờ, như bạn thấy, Hiển đang là VĐV đứng đầu toàn quốc, được chọn đi thi SEA Games.

Ở góc độ nào đó, tôi vẫn là HLV, cô giáo của anh ấy. À không, tôi chỉ dám nhận là “em giáo” chứ không dám nhận cô của chồng mình. (cười) Tôi sang Ý nấu ăn, chăm sóc để ông xã yên tâm đi tập với HLV quốc tế, vừa về Việt Nam khoảng hai hôm. Tôi vẫn là HLV của anh ấy nhưng ở những kỳ thi lớn, tôi để anh ấy tập với những người giỏi hơn mình.

{keywords}
Làm vợ, Khánh Thi phải bớt áp đặt suy nghĩ lên chồng.

- Việc dạy và học ngày ấy – bây giờ hẳn nhiều khác nhau?

Tôi cực kỳ khắt khe vì bộ môn Dancesport vừa là thể thao, vừa là nghệ thuật, không thuần túy như bơi nhanh, chạy nhanh là cán đích. Bộ môn có yếu tố cảm tính, hoa mỹ, đòi hỏi cái đẹp. Vì vậy, tôi luôn đòi hỏi học sinh của mình rất khắt khe; mà đòi hỏi ông xã khắt khe nhất, yêu cầu cao nhất. Anh ấy đã từng vô địch, có thể nói đứng nhất Việt Nam nhưng ra thế giới chưa chắc đã là gì. Đòi hỏi một người đang ở đỉnh cao phải tốt hơn nữa khó vô cùng.

Việc dạy và học bây giờ khác xưa 50%. Trước đây, tôi có quyền quát mắng chồng trên sàn tập đến ngoài đời nhưng bây giờ, cứ về nhà là tôi im bặt. Ở nhà, tôi phải về đúng vai trò người vợ, không có bóng dáng HLV trong đó. Thậm chí, tôi không bao giờ góp ý công việc khi ở nhà. Tôi chỉ góp ý cho anh ấy trên sàn tập với tư cách HLV.

Thú thật, nhiều lần tôi rất nóng nhưng phải kiềm chế. Lấy nhau và sinh con rồi, tôi phải tìm cách sao cho công tư đều “trong ấm ngoài êm”. Cuối cùng, tôi chọn giải pháp thuê HLV nước ngoài. Có những nội dung tôi hoàn toàn dạy tốt nhưng không nói ra, để ông xã có thể lắng nghe những nhà vô địch thế giới truyền đạt lại. Tôi phải bớt việc áp đặt suy nghĩ lên anh ấy. Dù giải pháp này rất tốn kém nhưng đổi lại, trình độ ông xã được nâng cao và thành tích nước nhà cũng được cải thiện.

Nói thì nghe hay nhưng đôi lúc tôi vẫn nhập nhằng. Mỗi ngày, chúng tôi tự đứng lớp của mình nhưng tan lớp, anh ấy lại về lớp làm học viên, VĐV của mình. Nếu đang dạy mà mấy bé nhà tôi chạy vào chơi là tôi… xụi lơ, nghe anh ấy quát con mà giật mình sợ vì anh ấy đang trong tư cách người chồng và cha của các con mình.  

Có những chuyện “tăng tăng” thế đấy mà đã 4 năm rồi. Hiện tại, tôi làm vợ hơn 80%, phần còn lại cũng chỉ lên lịch cho ông xã chứ không đứng trên sàn trực tiếp dạy nữa. Tôi đang tập trung dạy các bạn VĐV thế hệ mới.

Khi có tuổi sẽ phẫu thuật thẩm mỹ

- Cùng Chí Anh mang Dancesport về Việt Nam sau ngần ấy năm, chị đối với bộ môn có gì thay đổi?

Tôi thay đổi rất nhiều, càng lớn tuổi tôi càng yêu nghề, yêu con đường mình đã chọn. Nghề của tôi có những hạnh phúc rất riêng. Hạnh phúc của người nhà giáo không dừng ở việc dạy cho học trò biết nhảy mà ở việc chúng tôi ngắm nhìn thành quả của mình sau nhiều năm. Thế nên, nghề giáo mới được gọi là nghề “trồng người”.

Bạn trồng cây không đơn thuần chỉ để thấy cây nảy mầm đúng không? Thành công là khi bạn thấy cái cây mình trồng xanh tốt như thế nào dù phong ba bão táp ngoài thiên nhiên. Nhìn một vũ công mình từng dạy thành công trong nghề, chúng tôi rất sung sướng.

Hồi trẻ, tôi đi hát vì thích cảm giác được nổi bật nhưng khi lấy chồng sinh con, tôi không muốn làm trung tâm nữa. Tôi tự biết mình không thể ôm đồm quá nhiều thứ nên chuyển sang đào tạo các nhân tố để họ tỏa sáng. Nếu vào ngày 20/11, những nhân tố ấy nhớ đến mình thì ngày Tết thầy càng vinh hiển hơn.

{keywords}
Tủ kính trưng bày một phần thành tích của kiện tướng Dancesport Phan Hiển.

- Chị ấn tượng với học trò nào nhất, ngoài Phan Hiển?

Tôi có quá nhiều học trò nên không nhớ hết được. Xin nói thật rằng, tôi dạy được rất nhiều người đặc biệt, thành ra không có ai quá đặc biệt. Hầu như các bạn vào tay tôi đều trở thành nhà vô địch ở nội dung riêng của họ. Các bạn ấy nay đã trở thành người có tiếng trong xã hội thu nhỏ của mình, kể cả những người nhớ hay không nhớ.

Tôi cũng không nhớ kỷ niệm gì vì việc dạy học lặp đi lặp lại hàng ngày với những khó khăn, trăn trở, làm được hay không được, thậm chí là cãi vã, khóc lóc… tất cả lặp đi lặp lại như vòng lặp thời gian nên tôi muốn ghi nhớ cũng không được.

Trong bộ môn này, chúng tôi khóc nhiều là chuyện bình thường. Đơn cử, nếu tập hát, bạn có thể vừa ngồi vừa hát nhưng để tập nhảy, bạn bắt buộc phải đứng được. Nếu quá mệt hoặc đau ốm đến không nhấc nổi tay chân, bạn có thể bật khóc ức chế vì cơ thể không đáp ứng được yêu cầu của mình. Và có mệt, có đau ốm thì phải vẫn đi tập, đi thi.

- Các học trò và chồng chị khi tập luyện thường cãi cô giáo điều gì?

Bộ môn của tôi thường hiếm gặp chuyện trò cãi thầy trên sàn tập vì thầy luôn là người trước tiên thị phạm được, làm mẫu để trò thấy và biết mình sai hay đúng ở đâu. Tức là, chúng tôi làm được thì họ mới làm được.

Sau đó, nếu không làm mẫu nữa, người thầy vẫn là người thổi hồn, tiếp sức cho bạn nhảy đẹp. Vì vậy, ít khi xảy ra cảnh trò phản kháng thầy. Nếu có cũng chỉ dừng ở việc học trò phân bua rằng bài này khó quá, không thể làm được và xin thầy đổi bài; nhưng nếu người thầy kiên định phải nhảy đúng bài đó thì học trò vẫn phải thực hiện.

Khi học trò cãi thầy, có nghĩa rằng họ nghĩ mình giỏi hơn chúng tôi, chẳng qua họ không dám nhận thẳng thừng như vậy.

Riêng với Hiển, anh ấy là người kính trên nhường dưới với mọi người. Đó là tính cách từ giáo dục gia đình rồi. Trong trung tâm của tôi, cách anh ấy thể hiện cũng khiến rất nhiều giáo viên kính nể dù họ hơn tuổi anh. Anh ấy hành xử hay suy nghĩ điềm đạm hơn tôi, hay nói thẳng thắn là tính cách Hiển rất già, già lắm. Anh ấy chỉ trở thành trẻ con khi bắt gặp những thú vui riêng.

Hiện tại, tôi ít khi tập với ông xã, chủ yếu lên kế hoạch cho anh ấy. Tôi tránh tập vì phải biết hi sinh. Hồi lấy chồng, tôi đã không đi hát nữa, bớt phần bề nổi để tập trung đưa ông xã lên ngôi vô địch. Không thể có chuyện cả vợ và chồng đều thành công, vinh quang vì anh ấy cần hậu phương, cần HLV và người sắp xếp mọi thứ. Giống như người ca sĩ thành công cần một quản lý và ekip giỏi.

Vì vậy, tôi chấp nhận làm HLV, đi tìm bạn nhảy cho ông xã. Anh ấy đã nhảy với 7 người trong mười mấy năm qua. Tôi không bao giờ cố phải làm bạn nhảy của anh ấy.

- Các cặp vũ công nhảy với nhau tình tứ lắm, chị nhìn mà không lấn cấn ư?

Họ diễn thôi ấy mà, giống như đóng phim vậy. Nếu chột dạ, tôi đời nào đi tìm bạn nhảy cho chồng. Mọi thứ phải rõ ràng mà chính tôi cần rõ ràng đầu tiên. Hồi xưa, tôi đã không nảy sinh tình yêu với ông xã khi tập nhảy cùng nhau.

Bạn hình dung nhé, làm sao cô trò nhảy với nhau mà cô yêu trò được. Nhất là trong tâm thế cô phải hơn trò mà bảo tôi yêu người ta thì… hơi bị khó!

Chưa kể, VĐV khác các vũ công thông thường ở chỗ họ có tinh thần thép, rất kiên định. Dancesport là thể thao, có yếu tố thi đấu, tức là phải ăn thua, sát phạt nhau. Bạn nhảy đơn thuần là đối tác, hôm nay nhảy cặp với nhau nhưng ngày mai, nếu không tiếp tục nhảy với nhau được nữa, có người sẵn sàng trở mặt, chửi nhau là bình thường.

- Chị tin bao nhiêu % ông xã sẽ mang về HCV?

Tôi đặt tất cả niềm tin nơi chồng nhưng chiến thắng là may rủi. Như trận bóng Việt Nam - Thái Lan, chúng ta sút vào còn không được công nhận vì góc nhìn trọng tài khác khán giả. Nghệ thuật là cảm tính nên sẽ phụ thuộc vào việc giám khảo thích hay không thích. Chẳng hạn, giám khảo này có thể không thích anh ấy vì chiều cao nhưng giám khảo khác có thể khen kỹ thuật của anh ấy.

{keywords}
Gia đình nhỏ hạnh phúc của Khánh Thi bên chồng trẻ kém 12 tuổi.

- Khánh Thi giỏi việc nước đã rõ, còn việc nhà có đảm?

(cười lớn) Tôi đang học làm vợ. Tôi biết sắp xếp nhưng không đảm việc nhà đâu. Ở nhà, tôi được bố mẹ chồng, ông bà nội sắp xếp hết chuyện các cháu. Bà ngoại bé cũng thường sang trông cháu. Tôi được gia đình hai bên giúp đỡ đến thế, hầu như chỉ phải chăm con lúc mới sinh chứ bây giờ ít lắm. Tôi biết nấu ăn nhưng nấu không giỏi vì chẳng mấy khi vào bếp. Tôi có thể làm việc nhà nhưng cũng không thường phải làm. Đó là một may mắn lớn của mình.

- Nhờ tập Dancesport mà hơn chồng 12 tuổi, chị vẫn trẻ đẹp?

Thời gian gần đây, tôi ít tập vì bận đi dạy nhiều. Trẻ hay không còn do gien và cơ địa từng người. Mẹ tôi 70 tuổi rồi nhưng còn trẻ đẹp lắm, có thể tôi thừa hưởng gien từ bà.

Tôi cũng biết cách ăn mặc sao cho trẻ hoặc tự chăm sóc bản thân. Tôi không đi spa vì ngủ còn không có thời gian, lấy đâu để đi spa? Tôi thường tranh thủ tự chăm sóc mình lúc làm việc như uống vitamin, sử dụng kem dưỡng. Mai này lớn tuổi, nếu xập xệ quá có thể đi phẫu thuật thẩm mỹ nhưng cũng chưa biết bao giờ.

Bài & ảnh: Gia Bảo

 

Cuộc sống bận rộn của vợ chồng Khánh Thi - Phan Hiển bên hai con

Cuộc sống bận rộn của vợ chồng Khánh Thi - Phan Hiển bên hai con

Cũng như bao phụ huynh khác, vợ chồng Khánh Thi - Phan Hiển thường xuyên ‘đau đầu’ với việc dạy con khi Kubi càng lớn càng tinh nghịch, cô con gái nhỏ Anna lại nhõng nhẽo, khó chiều.