- Cuốn sách được giới sử học Pháp đánh giá là một trong những tác phẩm giá trị nhất viết về nhà quân sự lỗi lạc - vừa ra mắt phiên bản tiếng Việt.

TIN BÀI KHÁC
Đối thoại trực diện giữa Tướng Giáp và nhà báo Pháp
Những gương mặt tiếp nối sự canh tân

"Trong một vụ ẩu đả với người Pháp, Võ Nguyên Giáp bị bắt, kết án ba năm tù giam tại nhà tù Lao Bảo.

Khi đó quan cai trị Marty cho rằng không nên để Giáp bị giam lâu trong tù, vì ở trong tù chàng thanh niên sôi sục ý chí cách mạng này chắc chắn sẽ trưởng thành hơn do được tiếp xúc với các chính trị phạm khác, sau này có thể trở thành một kẻ thù không đội trời chung của chính quyền thực dân, cho nên tốt hơn là tạo điều kiện cho anh ta học thành tài và anh ta sẽ khôn ngoan, dễ bảo hơn.

Sau đó, từ thân phận tù khổ sai, Giáp trở thành học sinh Trường Trung học Albert Sarraut, một trường học tốt nhất ở thuộc địa, thực tế là dành riêng cho con em người Pháp, và số ít quan lại hay công chức cao cấp người Việt được ưu đãi đặc biệt.

Marty đã mắc sai lầm lớn nhất trong cuộc đời hành nghề mật thám của mình…."

Georges Boudarel - "Giap" (1977)


Tác giả của những dòng chữ trên, Georges Boudarel đã mất được gần 10 năm (12/2003). Hai  năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất nước Việt, năm 1977, ông viết "Giap" tại Pháp như một công trình nghiên cứu và một phần trong luận án tiến sĩ của mình.

Nhà sử học Pháp Georges Boudarel

Sử dụng tiếng Việt thành thạo, Georges Boudarel khảo nhiều tư liệu chính thống của Việt Nam, kết hợp với nhiều nguồn sách báo nước ngoài nên trong cuốn sách của ông có nhiều tài liệu và nhiều quan điểm, đánh giá mới mẻ. Ông đã khắc họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ khi còn là một cậu bé cho tới khi trở thành vị chỉ huy của quân đội Việt Nam trong sự tham chiếu, so sánh giữa nhiều nguồn tư liệu khác nhau.

Ngoài những chi tiết nói về những chiến tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - không có gì khác biệt so với các cuốn sách khác của các tác giả phương Tây - còn có những chi tiết rất thú vị cho chúng ta biết về cậu học sinh trung học Võ Nguyên Giáp đã kiên cường trước những âm mưu của kẻ thù như thế nào. Những mua chuộc đã cho một kết quả ngược lại. Chàng trai trẻ Võ Nguyên Giáp đã trở thành học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"…cuốn sách này có lợi thế lớn hơn nhiều so các cuốn sách khác đã viết về GIÁP sau đó [sau năm 1977 - PV]: Không còn bám vào câu hỏi "Giáp và nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi như thế nào?", nhưng Boudarel đã giải thích "Tại sao" họ lại chiến thắng. Và muốn giải đáp được câu hỏi trên, phải tìm hiểu lịch sử đất nước này từ rất lâu trước thế kỷ XX, điều đó Boudarel đã nắm được và chuyển tải sang cuốn sách của ông..." - Alain Ruscio, nhà sử học Pháp tuyên bố (Paris, tháng 11/2012).

Alain Ruscio cũng là một nhà sử học hiểu biết về Việt Nam và từng tiếp xúc với đại tướng Võ Nguyên Giáp.  Alain Ruscio - cho rằng vào thời kì đó, cuốn sách đã không được hoan nghênh như đáng lẽ phải có. Tình hình quốc tế biến chuyển nhanh. Năm 1977, âm vang của chiến thắng 1975 của Việt Nam đã bị những sự kiện quốc tế khác che phủ. Báo chí Pháp không nói nhiều đến công trình nghiên cứu mang tính đổi mới này.

Phiên bản tiếng Pháp (năm 1977) và tiếng Việt (2012)

Trong lời bình cho phiên bản tiếng Việt năm 2012, Alain Ruscio nói về cuốn sách của người đồng nghiệp, đồng hương đã khuất bóng như sau:

"Có lẽ đây là điều trách cứ duy nhất chúng tôi [người Pháp] có thể dành cho nhà sử học này. Bởi với kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về con người, đất nước Việt Nam, "Tổ quốc thứ hai" của ông, thông thạo tiếng Việt, đáng lẽ Boudarel phải viết sớm hơn thế, ngay từ trong chiến tranh mới phải. Bởi nếu thế, có lẽ ông sẽ giúp chúng ta hiểu được nguyên nhân nào đã khiến nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi.

9 tướng lĩnh cao cấp của Pháp, trong đó có những vị có nhiều kinh nghiệm nhất (từ tướng Leclerc đến tướng Salan, không kể trước đó có d'Argenlieu, De Lattre...) lần lượt nắm quyền chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp. Trong giai đoạn chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam, 4 tướng lĩnh, cũng là những người dày dạn kinh nghiệm đã lần lượt thay nhau, trong đó có tướng Westmoreland và Abrams. Tất cả đều xuất thân từ những trường quân sự nổi tiếng nhất phương Tây, như Saint Cyr, West Point...
       
Đối mặt với họ, một người Việt Nam chưa từng ngồi trên ghế các trường quân sự lớn, nhưng đã tự học chiến lược, chiến thuật trên thực địa, đó là VÕ NGUYÊN GIÁP.  

Một mình ông chống lại khoảng 15 sĩ quan cao cấp được đào tạo bài bản tại ở các trường quân sự phương Tây! Cuộc đấu tranh xem ra không cân sức...

Đúng vậy, nhưng Võ Nguyên Giáp đâu phải chỉ có một mình! Ông có nhân dân Việt Nam cùng kề vai sát cánh".

Vân Sam