- Đó là chia sẻ của TSKH Đoàn Hương với Góc nhìn thẳng về cuốn hồi ký của Thương Tín bởi một chữ in ra là có thể làm đau đớn một cuộc đời.

Xem các cuộc đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng

Hồi ký của những người nổi tiếng luôn có sức hút mạnh mẽ đối với xã hội. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn về những yếu tố thực trong nội dung hồi ký. Gần đây nhất, dư luận đang xôn xao về cuốn hồi ký của diễn viên điện ảnh Thương Tín, trước nữa là cuốn hồi ký của diễn viên Lê Vân.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Khoa học Đoàn Hương để phân tích về câu chuyện này.

Xin mời bạn đọc theo dõi cuộc đối thoại tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa TS Đoàn Hương, hiện giờ đang có trào lưu các nghệ sĩ cũng viết hồi ký. Dư luận đang đặc biệt quan tâm cuốn hồi ký của diễn viên điện ảnh Thương Tín, trước đây là cuốn hồi ký của diễn viên Lê Vân. TS có ý kiến như thế nào về trào lưu này?

TSKH Đoàn Hương: Thực ra, hồi ký có nhiều loại, hồi ký lịch sử, hồi ký chính trị, hồi ký của những nhà doanh nghiệp lớn trên thế giới, hồi ký nhiều khi là sách cẩm nang của chúng mình. Nhưng hiện giờ, thế giới cũng như Việt Nam, có một loại hồi ký phát triển, đó là hồi ký giải trí. Đó là cuộc đời của những nghệ sĩ, các nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ nổi tiếng.

Tôi cho rằng, đây là một trào lưu rất hay, để chúng ta hiểu về cuộc đời con người ấy. Với tư cách một nhà nghiên cứu khoa học, tôi thấy rằng, đời tư rất quan trọng trong khi nghiên cứu những vấn đề về một nghệ sĩ. Nhưng ở Việt Nam, có một tình trạng khác với thế giới, người ta đổ xô viết hồi ký và đặc biệt chủ yếu khai thác những tên tuổi có nhiều scandal.

Ví dụ như Thương Tín, và trước đây người ta có ý kiến dư luận với Lê Vân, một nghệ sĩ nổi tiếng. Nhưng những nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ điện ảnh hoặc các diễn viên, thường họ không có kinh nghiệm như chúng ta, là những nhà báo, nhà nghiên cứu, mà họ thường vui vẻ viết hồi ký và thường, họ kể tất tần tật ra. Điều ấy đòi hỏi một tay bút ghi chép phải biết làm việc bếp núc cho gọn gàng.

Nhà báo Phạm Huyền: Trở lại câu chuyện gần đây nhất là cuốn hồi ký của anh Thương Tín với tựa đề "Thương Tín- một đời giông bão", trong cuốn hồi ký này, anh đã không ngần ngại kể ra những chuyện tình cảm riêng tư của mình. Thậm chí, anh còn nêu thẳng tên những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời mình. TS có nhận xét như thế nào về điều này?

{keywords}
TSKH Đoàn Hương (ảnh: VietNamNet)

TSKH Đoàn Hương: Đương nhiên, đứng về hồi ký, kể về đời tư của mình, thực ra không có một toà án nào trừ toà án lương tâm. Nhưng ở đây, có những vấn đề như sau.

Một, tính chính xác của nó đến đâu? Rất có thể, Thương Tín ngộ nhận người đàn bà A, người đàn bà B mê anh ấy, nhưng cũng chưa chắc. Hoặc là, anh ấy nghĩ rằng, ngươi đàn bà C, D không mê anh ấy nhưng người ta lại mê anh ấy thì sao? Thứ nhất, nguyên tắc là để tên viết tắt, hoặc là không để tên, chỉ người ấy, người nọ, diễn viên là người ta hiểu rồi.

Hồi ký là tính chính xác rất cao. Tôi nghi ngờ tính chính xác ở trong cuốn hồi ký của Thương Tín.

Hai, thú thật là đọc những chi tiết ở trong ấy, rất nhiều chi tiết tôi chạnh lòng, khi Thương Tín sung sướng kể về những cuộc tình của mình. Nhưng Thương Tín quên mất một điều rằng, một lời nói ra, tứ mã nan truy. Thương Tín có kể chuyện rằng, một trong những người vợ của Thương Tín nạo thai 5 lần mà anh không biết, mà Thương Tín kể lại một cách rất thản nhiên và anh ấy cho rằng, đó là lý do mà anh ấy ly dị.

Nhưng tôi thương xót cho người đàn bà kia.

Và qua cuốn hồi ký của Thương Tín, tôi nhận ra một điều rằng, có thể độc giả phản ứng với tôi, là Thương Tín hơi ích kỷ, hơi ích kỷ trên phương diện con người. Và vì ích kỷ nên anh thiếu tính nhân văn.

Thứ ba, những nghệ sĩ lớn của thế giới khi họ viết hồi ký, là họ chủ yếu nói đến nghề nghiệp của họ, vì tôi biết, làm nghệ sĩ mà một sự hi sinh rất lớn...

Giá họ kể ra nỗi đau của họ, sự vất vả để khi thành công những điều ấy thì tốt biết bao. Nhưngtrong tất cả trang sách của Thương Tín, tuyệt nhiên không nói một lần nào về việc đóng phim của anh.

Và thứ tư, đừng quên sách in ra, một chữ in ra là có thể một cuộc đời đau đớn. Cho nên khi kể cả mình kể cho người khác, mình phải đọc lại cho cẩn thận

Thứ năm, viết là viết cho độc giả, đừng quên. Tôi và bạn hiểu, nhưng thế hệ trẻ bây giờ, chỉ tưởng tượng các nghệ sĩ sẽ có một cuộc sống rất buông thả, nghệ sĩ nghĩa là không cần lao động nghệ thuật lắm, sẽ có đủ mọi thứ để ăn chơi vui thú.

Rất có thể Thương Tín sau này khi già hơn một chút, anh ấy đọc lại, anh ấy sẽ tiếc vì mình đã nói và viết.

Cũng như Lê Vân chẳng hạn, bây giờ tôi vẫn gặp người nhà của chị, nhưng chúng tôi không bao giờ nhắc đến cuốn hồi ký của chị, vì nhắc đến cuốn hồi ký là động đến nỗi đau của gia đình.

Nhà báo Phạm Huyền: Với những điều mà TS đã rút ra và lưu ý ở cuốn hồi ký của Thương Tín và vừa qua, cũng có những nghệ sĩ ấp ủ ra cuốn hồi ký nhưng đã tự dừng lại, hoặc vì lý do nào đó, họ không xuất bản cuốn đó nữa. Có những ý kiến nói rằng, viết hồi ký là để trải lòng mình, nhưng cũng có người nói rằng, họ viết để đánh bóng tên tuổi. Nhìn lại những cuốn hồi ký vừa qua, TS có những phân tích như thế nào về những yếu tố này?

TSKH Đoàn Hương: Hồi ký là tưởng nhớ, nhớ lại quá khứ nhưng phải rất cẩn thận. Dẫu sao, nó cũng thành những trang viết, những quyển sách như bạn cầm trong tay. Vì thế, phải rất là thận trọng, vì nó sẽ lưu lại rất lâu, có thể hàng trăm năm sau, có thể người nghệ sĩ đã đi rồi nhưng những trang sách vẫn còn lại trong thư viện. Cho nên, phải rất là cẩn thận. Mình viết không chỉ để trải lòng. Thực ra khi viết, mình phải hướng tới độc giả. Nhưng điều này, các nghệ sĩ thường hay quên, vì bao giờ họ cũng coi họ là trung tâm của vũ trụ.

Vì thế, trong nghề viết hồi ký, tối kỵ là dùng để đánh bóng tên tuổi, tạo scandal.

Tôi cho rằng, các nghệ sĩ nên đọc lại các cuốn hồi ký của nước ngoài, như hồi ký của Geihsa chẳng hạn, viết về một cô Geisha trải lòng mình, Nghề Geisha thì ghê gớm lắm bạn biết không. Nhưng cuốn ấy lại là một cuốn rất nghiêm túc và tất cả mọi người đọc, đều đọc một cách rất nghiêm túc.

Tất cả các nghệ sĩ định cầm bút viết hồi ký, phải nhớ, đó là tính chân thực, tính trung thực, tính khách quan và đặc biệt là tính nhân văn trong những trang giấy của mình. Và khi anh nhân văn, anh đau nỗi đau của người khác, đau nỗi đau của mình thì công chúng sẽ chấp nhận anh.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn Tiến sĩ về những chia sẻ rất sâu sắc!

10 năm trước, diễn viên Lê Vân xuất bản hồi ký "Lê Vân- Yêu và sống" đã gây chấn động dư luận vì những tiết lộ gây sốc về ái tình và gia đình mình.

Những ngày qua, diễn viên Thương Tín cũng làm dậy sóng dư luận như vậy với hồi ký "Thương Tín- một đời giông bão".

Một nửa chiếc bánh mỳ thì vẫn là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Và sự thật có thể sẽ làm đau lòng những người liên quan.

Đã viết hồi ký thì phải tôn trọng sự thật nhưng có lẽ, những tác phẩm văn học đặc biệt này sẽ chỉ có giá trị hướng tới chân thiện mỹ khi người viết trung thực với chính mình và trách nhiệm với xã hội.

VietNamNet