- “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” của Việt Nam vừa chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu của nhân loại.

Như VietNamNet đưa tin, hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá rất cao của Hội đồng chuyên gia, những người thẩm định hồ sơ và đưa ra các kiến nghị có tính chất quyết định đối với UNESCO trong việc có công nhận hay không một di sản văn hóa phi vật thể.

Niềm vui của đoàn Việt Nam

Do hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” của Việt Nam được xem xét cuối cùng theo thứ tự bảng chữ cái nên tin vui đến với đoàn Việt Nam chậm hơn dự kiến ban đầu, vào trưa 6/12 thay vì tối 5/12 (giờ Paris).

Tuy nhiên, đổi lại sự chậm trễ đó là niềm vui khi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam nhận được sự đồng thuận rất cao, không gặp bất cứ phản biện hay phản đối nào và ngay lập tức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu của nhân loại.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Dương Văn Quảng đánh giá: “Với việc đưa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu của nhân loại, UNESCO không chỉ muốn vinh danh đời sống tâm linh của người Việt mà còn muốn khuyến khích các dân tộc khác, qua tấm gương của Việt Nam, thực hiện việc thờ cúng tổ tiên mình”.

Trong tiêu chí phân loại của UNESCO theo Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, một di sản có tính tiêu biểu tức di sản đó có thể là đại diện văn hóa cho không chỉ quốc gia mà còn cả trong khu vực và UNESCO khuyến khích các quốc gia khác học hỏi từ di sản được vinh danh. Vì thế, việc tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam trở thành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại không chỉ có là một sự kiện có tầm vóc với văn hóa Việt Nam mà còn có tác động đến các nỗ lực bảo tồn di sản khác trong khu vực.

Trước mắt, tỉnh Phú Thọ sẽ có rất nhiều việc phải làm.

“Chúng tôi sẽ xây dựng một kế hoạch tổng thể để trình chính phủ về bảo tồn di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong đó việc cụ thể nhất là trùng tu Đền Hùng bởi di sản phi vật thể cũng không thể tách rời di sản vật thể. Việc tiếp theo là Phú Thọ sẽ phải xây dựng được quy chuẩn chung cho việc lễ và thờ cúng các vua Hùng do mọi người dân Việt Nam trên khắp các địa phương bởi với các vua Hùng thì mọi người con của dân tộc Việt Nam ở bất kỳ đâu cũng có tấm lòng thờ cúng, chứ không riêng gì Phú Thọ” - ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho biết.

Quang Dũng (từ Paris)