"Thi hoa hậu để tôn vinh sắc đẹp hay vì tiền?" là tranh luận của tiến sĩ Đoàn Hương cùng các khách mời trong chương trình 60 phút mở khi bàn về mục đích của các cuộc thi hoa hậu.

Chương trình 60 phút mở, được phát sóng tối 1/10 trên kênh VTV6, bàn về chủ đề “Thi hoa hậu để làm gì?”. Các khách mời tham gia gồm nhà sử học Dương Trung Quốc - trưởng ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, Th.s Báo chí Việt Hà, bà Lưu Nga - thành viên hội đồng chuyên môn của Hoa hậu Việt Nam 2016, nhà văn Hoàng Anh Tú và tiến sĩ khoa học Đoàn Hương.

Nghi ngờ trí tuệ và tài năng của hoa hậu Việt

Mở đầu chương trình, bà Lưu Nga cho rằng: “Mục đích của mỗi cuộc thi hoa hậu khác nhau nhưng tất cả đều để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ và hướng đến chân - thiện - mỹ, sắc đẹp, tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái và sự lan tỏa các hoạt động cộng đồng xã hội”.

TS Đoàn Hương tiếp lời: “Với tư cách một nhà khoa học, tôi nghĩ thi hoa hậu là cần thiết, không thế thì thế giới đã không tổ chức. Nhưng ở Việt Nam có nhiều vấn đề quá. Chị Lưu Nga nói tôn vinh vẻ đẹp thì có thể, nhưng trí tuệ và tài năng thì tôi nghi ngờ, nhất là trí tuệ. Ví dụ phần thi ứng xử của Hoa hậu Việt Nam vừa rồi quá non và ngớ ngẩn.

Thứ hai, người ta còn đưa ra nghi án tổ chức thi hoa hậu vì tiền. Một cuộc thi vì tiền thì người ta mới tổ chức nhiều thế, nếu không có lãi ai làm nữa, nhất là trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay”.

Cũng theo bà Đoàn Hương, hoạt động thi hoa hậu tạo ra phản ứng xấu là những em có nhan sắc và ít học sẽ hy vọng tiến thân bằng con đường nhan sắc.

"Mà tiến thân bằng con đường nhan sắc thì khủng khiếp lắm. Công an đã phanh phui nhiều vụ người mẫu, người có danh xưng hoa hậu đi vào đường dây gái gọi...” - bà nói.

TS khoa học Đoàn Hương bày tỏ thêm rằng ước muốn của các nhà tổ chức quá cao, trong khi những cô gái trẻ đăng quang hoàn toàn không đại diện được cho phụ nữ Việt Nam.

{keywords}

Nhà sử học Dương Trung Quốc và bà Lưu Nga. Ảnh: NVCC.

Tính chất nhân văn nằm ở đâu? 

Với vai trò trưởng ban giám khảo HHVN 2016, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Tôi không phải là nhà tổ chức, tôi chỉ là người tham gia giám khảo, nhưng tôi thấy tổ chức thi hoa hậu ít nhất đáp ứng nhu cầu xã hội, mang lại đời sống giải trí một cách lành mạnh và đằng sau nó có những giá trị về giáo dục, về định hướng. Ví dụ ai cũng cũng phải chăm sóc vẻ đẹp của mình, ai cũng biết xã hội phải quan tâm đến cái đó để mà đáp ứng.

Tôi nghĩ cái gì cũng có hai mặt, hiện tượng là nhu cầu xã hội, còn ta làm hiện tượng ấy nó diễn ra như thế nào lại phụ thuộc nhiều yếu tố. Đương nhiên, trước hết là BTC, rồi giám khảo, thành phần tham gia, kể cả trách nhiệm xã hội nữa”. 

Tiếp lời ông Dương Trung Quốc, bà Đoàn Hương đặt ra câu hỏi liệu hoàn cảnh xã hội của chúng ta hiện nay có thích hợp tổ chức các cuộc thi hoa hậu nhiều đến thế? Và bà đã rơi nước mắt khi chia sẻ câu chuyện làm cố vấn cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 1999. 

“Tôi nhớ lúc đó là lũ lụt miền Trung. Lúc giờ nghỉ giải lao tôi ra ngoài thấy 2 kênh truyền hình, một kênh phát hoa hậu mặc áo tắm đi lại sung sướng, kênh kia thì đồng bào ngồi trên nóc nhà. Cho nên, tôi nghĩ đáng nhẽ kỳ thi đó phải hoãn vì lũ lụt miền Trung.

Còn hôm nay, khi chúng ta tổ chức như thế thì biển miền Trung cũng đang có vấn đề. Nếu giả sử một kỳ thi hoa hậu chân chính thì BTC phải có một số tiền nhất định ủng hộ đồng bào miền Trung. Nhưng tôi chờ mãi không thấy con số ấy. Tôi biết BTC thắng lợi rất lớn.

Tính chất nhân văn có không hay chúng ta chỉ cố làm với tư cách làm để kiếm lãi mà không nghĩ đến hoàn cảnh xã hội... Thử hỏi nhân văn ở đâu? Bây giờ đi hỏi nhân dân miền Trung - những người đang phải chống chọi với cái đói, với mất việc làm, phải bỏ quê hương đi xa, xem họ xem hoa hậu này là gì. Khi tổ chức một chương trình nên nghĩ rộng hơn vào xã hội chứ đừng làm cho được...”- TS Đoàn Hương bày tỏ. 

Cuộc thi hoa hậu có thực sự tôn vinh phụ nữ? 

Đây là một câu hỏi khác được nêu ra trong chương trình 60 phút mở. Theo quan điểm của nhà văn Hoàng Anh Tú, các cuộc thi hoa hậu biến phụ nữ thành một thứ biểu diễn để mọi người bình phẩm.

"Nghe những điều đó tôi cảm thấy đó là sự xúc phạm. Nói theo cách dân dã là 'giật tóc móc mắt'. Khi Mỹ Linh trở thành hoa hậu, cô phải đóng Facebook. Chắc chắn tôi không muốn con mình tham gia hoa hậu". 

{keywords}

Tiến sĩ Đoàn Hương và nhà văn Anh Tú tham gia chương trình 60 phút mở. Ảnh: NVCC.

Bà Lưu Nga cho rằng ở đâu cũng có dư luận tốt, xấu và bằng chứng là vẫn có những hoa hậu có ảnh hưởng tốt như Đặng Thu Thảo, Mai Phương Thúy, Ngọc Hân... Theo bà, chính sự khắt khe của công chúng đã tạo nên giá trị hoa hậu. 

"Hoa hậu có quyền chọn lựa cho mình một ê-kíp, một con đường, có quyền chọn bước tiếp hay gục ngã trước dư luận", bà Nga nói.

Ở phần cuối chương trình, hầu hết khách mời đều đồng tình rằng chính vì chúng ta cứ nói hoa hậu là đại diện cho hình ảnh phụ nữ Việt, nên khiến họ trở thành nạn nhân của dư luận. 

TS Đoàn Hương chia sẻ: "Chúng ta ở đây không ai phản đối thi hoa hậu, nhưng chúng ta quảng cáo quá to. Nghe mà choáng. Hoa hậu làm sao đạt được chân - thiện - mỹ. Không hiểu sao báo Tiền Phong dám dùng những từ đao to búa lớn như thế để quảng cáo, làm sao người ta chả lên cơn".

Theo Zing.