Nguyễn Nhật Ánh chọn cho nghiệp viết của mình một cụm từ siêu đắt, "vé đi tuổi thơ", dùng trong tên một tác phẩm rất nổi tiếng của ông. Mỗi năm tấm vé lại mang một hình hài khác, năm nay là truyện dài 'Bảy bước tới mùa Hè'.


Sáng 1/3, một ngày gió mùa và mưa lác đác, hàng trăm độc giả, chủ yếu là người trẻ, cầm trên tay cuốn Bảy bước tới mùa Hè vừa ra mắt, xếp hàng xin chữ ký nhà văn ở phố sách Đinh Lễ và Nguyễn Xí, Hà Nội.

Đây là lần thứ ba liên tiếp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách ở Hà Nội, hai lần trước là cuốn Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ (2012) và cuốn Ngồi khóc trên cây (2013). Mỗi lần, số lượt độc giả khoảng 3.000, theo đại diện NXB Trẻ.

{keywords}
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bắt tay độc giả trên vỉa hè phố sách Nguyễn Xí (Hà Nội) sáng 1/3.

Sáng tác và in sách liên tục từ năm 1984, nổi tiếng với truyện dài kỳ Kính vạn hoa, nhưng đến 2008, Nguyễn Nhật Ánh cho ra đời một tác phẩm, không rõ vô tình hay hữu ý, gọi tên toàn bộ sự nghiệp của ông. Đó là truyện dài Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tiêu đề lấy cảm hứng từ bài thơ Vé đi tuổi thơ của nhà thơ Nga Robert Ivanovich Rozhdestvensky.

Trước đó và về sau, hằng năm, nhà văn lại ra thêm một cuốn sách về tuổi thơ như "bán thêm một tấm vé mới" cho độc giả. Về cách diễn đạt khá sến này, Nguyễn Nhật Ánh cười, bảo: "Cũng có thể".

Lâu nay, giới văn chương và báo chí thường tìm cách lý giải cho hiện tượng đắt sách kỳ lạ ở Nguyễn Nhật Ánh. Ở Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, chính ông đã đưa ra lý giải của riêng mình: "Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai đã từng là trẻ em". "Những ai từng là trẻ em", nói cách khác là "tất cả mọi người".

{keywords}
Bản bìa mềm Bảy bước tới mùa Hè lần đầu in 50.000 bản, và bản bìa cứng in 5.000 bản.

Đại diện NXB Trẻ, đơn vị xuất bản hầu hết sách của Nguyễn Nhật Ánh, cho biết mỗi năm sách ông tái bản liên tục. Ông được gọi là "nhà văn bạc tỷ" vì nhuận bút sách mới, sách tái bản mỗi năm tính bằng tiền tỷ. Trong số đó, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ vẫn là một trong những đầu sách nổi bật nhất, được dịch ở Mỹ với tên tiếng Anh Give Me A Ticket To Childhood, ngoài ra sách này còn được dịch ở Thái Lan và Hàn Quốc.

Còn tác phẩm mới Bảy bước tới mùa Hè kể về tuổi thơ và tuổi thiếu niên của nhân vật chính Khoa và những người bạn Trang, Mừng, Đào... Một lứa tuổi đầy nghịch ngợm, mơ mộng và bắt đầu le lói tình cảm lứa đôi. Có thể nói đây là cuốn sách về tuổi hồng của Nguyễn Nhật Ánh. "Phát hiện lớn" của nhân vật Khoa về sự khác nhau giữa người lớn và trẻ con là: "Người lớn thích nhau rồi cưới nhau. Còn trẻ con thích nhau rồi ráng lớn nhanh nhan để thành người lớn".

Cuốn sách này, Nguyễn Nhật Ánh đề "viết cho nhừng năm tháng ấu thơ ở Cẩm Lũ" - địa danh ở tỉnh Quảng Nam quê ông.

Năm nay, phim điện ảnh Hoa vàng trên cỏ xanh do đạo diễn Victor Vũ chuyển thể từ truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010) của Nguyễn Nhật Ánh dự kiến ra rạp vào mùa Thu.

Theo Thể thao & Văn hóa