- Sự thật nói rằng, các liên hoan điện ảnh chỉ dành cho những bộ phim có giá trị, buộc phải xem xét lại trong trường hợp LHP Việt Nam. Dĩ nhiên là trừ mấy giải bình chọn những cái dở nhất trong năm mang tính góp ý vui vẻ, kiểu như Mâm xôi vàng ở Mỹ.

Nhưng dù xuất hiện khá nhiều phim bị chê là “thảm họa” trong danh sách tranh giải, khán giả vẫn cứ phải hiểu: LHP Việt Nam với giải Bông Sen Vàng được tổ chức không nhằm ý chê bai, mà để chọn ra những bộ phim và cá nhân xuất sắc nhất trong định kỳ 2 năm.

{keywords}

Hello cô Ba, phim “thảm họa” góp mặt tranh giải Bông Sen Vàng

Phim Việt dàn “mặt trận”

Ngay cả khi đó là những phim bị chỉ trích không đáp ứng được các chuẩn mực tối thiểu của một tác phẩm điện ảnh như Hello cô Ba, Ranh giới trắng đen, Nhà có 5 nàng tiên, Hiệp sĩ guốc vông, Giấc mộng giàu sang, Săn đàn ông, hay Mùa hè lạnh. Chúng vẫn đủ tư cách dự tranh hơn chục giải thưởng Bông Sen, từ phim vàng, phim bạc cho tới đạo diễn, diễn xuất, biên kịch, mỹ thuật và quay phim.

Thực tế, trong hoàn cảnh của nền điện ảnh sản xuất chưa tới 20 phim truyện mỗi năm, để có thể làm ra được một mùa giải đông vui, LHP Việt Nam buộc phải chấp nhận tất cả những phim có giấy phép phổ biến tính từ sau lần diễn ra liên hoan trước. Thế nên, đứng dưới góc độ thị trường, danh sách phim tranh giải nhìn chung…rất lộn xộn.

Có phim chưa từng được chiếu trước đó (gồm 4 phim: Và anh sẽ trở lại, Sau ánh hào quang, Khùng, Những người viết huyền thoại), phim chỉ thấy ở các liên hoan (Đam mê, Lạc lối), cũng có nhiều phim được chiếu rộng rãi (Lửa Phật, Đường đua, Dành cho tháng sáu, Thiên mệnh anh hùng, Lấy chồng người ta, Scandal, Cưới ngay kẻo lỡ, Hit hoàng tử và lọ lem, Yêu anh em dám không).

Độ quan tâm của khán giả và giới truyền thông trong sự kiện Tuần phim VN (đang diễn ra ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM nhằm giới thiệu 22/23 phim tranh giải) cũng theo đó mà xoay chuyển tùy theo phim nào còn “bí mật”, phim nào đã rõ hay dở.

Cũng vì vậy mà LHP Việt Nam thường nghiêng về dáng vẻ của một cuộc hội hè tổng kết của giới làm nghề và giới chức quản lý, mà nếu ai đó hoặc bộ phim nào đó vắng mặt hẳn sẽ để lại những lời xầm xì bên lề liên hoan. Hoặc đôi khi những phát ngôn thẳng thừng về lý do không tham gia thường thổi bùng lên những tranh cãi gây mích lòng nhau giữa những người trong giới.

{keywords}

Một phim “thảm họa” khác, Nàng men chàng bóng đủ tư cách tranh giải nhưng không được gửi tới liên hoan

Hai câu trả lời

Nếu chỉ tính phim được phép phổ biến, ước tính trong hai năm qua, điện ảnh Việt có thể cung cấp khoảng 38 phim cho LHP Việt Nam lần thứ 18 (chuẩn bị diễn ra từ 11 đến 15/10 tại Quảng Ninh). Nhưng theo ban tổ chức, liên hoan lần này chỉ có tổng cộng 23 phim dự tranh. Dù sao, đây cũng là con số đông vui nhất trong mấy kỳ liên hoan gần đây kể từ khi nền điện ảnh có chủ trương xã hội hóa.

Riêng 15 phim không gửi đi dự thi đều của tư nhân, trong số này có nhiều phim giải trí thuần túy nhắm tới phục vụ thị trường như Lời nguyền huyết ngải, Mỹ nhân kế, Ngôi nhà trong hẻm, Nàng men chàng bóng, Lọ lem Sài Gòn…Dù vậy, lực lượng tư nhân vẫn chiếm áp đảo với 18/23 phim tranh giải, còn lại là những phim do các hãng nhận toàn phần hoặc một phần ngân sách nhà nước để sản xuất.

Cuộc tụ họp đông vui đầy tính mặt trận tưởng chừng khó mà chọn ra những nhân tố hoặc đóng góp nổi bật nhất. Tuy nhiên, nếu gạt qua một bên những bộ phim bị gắn nhãn “thảm họa” và những bộ phim đã được giải cao nhất ở Cánh diều vàng (do Hội điện ảnh VN tổ chức thường niên), thì có thể thấy không nhiều phim nổi bật để ban giám khảo tới đây chọn trao giải với ý đồ ghi dấu ấn riêng cho LHP Việt Nam lần thứ 18.

Câu trả lời đó là những phim nào còn nằm ở phía trước, sau khi dư luận đã rõ chất lượng của bốn ứng viên lần đầu công chiếu. Nhưng với các hãng phim đang vật lộn mưu sinh, câu trả lời của thị trường mới là điều thực sự làm họ quan tâm.

Minh Chánh