- Số lượng các trường đại học tham gia nhóm tuyển sinh do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì (gọi tắt là nhóm GX) đã tăng lên con số 10.

Hai trường mới nhất gia nhập nhóm sau khi có quyết định phê duyệt Đề án của Bộ GD-ĐT là Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tảiHọc viện Ngân hàng.

Trước đó, 8 trường được Bộ đồng ý gồm:  ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ-Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội.

{keywords}
Họp báo về tuyển sinh theo nhóm ngày 7/4

Không giới hạn số trường tham gia nhóm

Trong buổi họp báo sáng nay, ông Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết Đề án không hạn chế bất kỳ trường nào, mà chỉ có 2 điều kiện là các trường dùng chung phương thức tuyển sinh và tuân thủ đề án chứ không đòi hỏi thay đổi. Kể cả các trường NCL nếu chấp nhận và tự nguyện đều vào được nhóm.

Phương thức tuyển sinh của nhóm GX có một số nguyên tắc mà các trường tham gia phải tuân thủ là: Chỉ xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, sử dụng chung phần mềm do trường chủ trì quản lý, áp dụng chung cách tính điểm xét và cách thức xét tuyển giữa các nguyện vọng ngành/ nhóm ngành và áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh hiện hành. Phương thức xét tuyển này được thực hiện cho xét tuyển đợt 1  và tiếp tục cho các đợt xét tuyển bổ sung theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT (theo tình hình tuyển sinh của các trường).

{keywords}

Ông Nguyễn Quang Kim, hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi

Ông Nguyễn Quang Kim, hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi phân tích rằng Trường ĐH Thủy lợi đứng ở vị trí giữa, hoặc gần cuối trong nhóm trường này. Theo ông Kim, nếu trong đợt đầu thí sinh vì e ngại mà ít đăng ký, các trường trong nhóm không tuyển đủ chỉ tiêu thì sẽ tuyển tiếp nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Tuy nhiên điều này khó xảy ra.

“Những trường nào tự nguyện và chấp hành quy tắc là vào. Các trường vào nhóm đều phải tính có lợi thì mới vào. Theo tôi, các trường vốn dĩ chỉ xét điểm trúng tuyển bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng vào nhóm chưa chắc đã có lợi. Cũng như trường chúng tôi, chỉ có các ngành truyền thống khi xét trong nhóm mới có ưu thế, còn những ngành tương tự nhau có thể ưu thế thuộc về các trường khác. Tuy nhiên, khi ở trong nhóm, chúng tôi đón luôn được thí sinh không trúng tuyển ở các trường thuộc top trên, và lợi nhất là không bị thí sinh ảo”.

Cũng theo đại diện của 10 trường trong nhóm, việc lập nhóm là hoàn toàn tự nguyện và không ảnh hưởng tới các trường khác. Nếu muốn, cả 200 trường vào nhóm cũng được, miễn là theo nguyên tắc.

Thí sinh không nên gian dối

Đây là khuyến cáo của ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT.

Theo dự kiến, sẽ có hai mẫu đăng ký xét tuyển, một mẫu của Bộ GD-ĐT dùng chung có các trường, một mẫu của nhóm GX.

{keywords}

Ông Trần Văn Nghĩa,

Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT

Trước lo ngại rằng một thí sinh có thể đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường trong nhóm, đồng thời dùng phiếu đăng ký theo quy định của Bộ để đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường ngoài nhóm, ông Nghĩa khẳng định khi có tuyển sinh theo nhóm, phần mềm của Bộ phải điều chỉnh theo. Việc kiểm soát thí sinh nộp quá quy định là làm được bằng giải pháp CNTT. Vì vậy, thí sinh bằng nhiều con đường như đăng ký trực tiếp, qua bưu điện, đăng ký online có thể sẽ nộp đơn vào nhiều trường hơn quy định, nhưng dữ liệu của thí sinh sẽ không nhập vào hệ thống được nếu quá so với quy định.

“Khi đưa ra chính sách Bộ phải tính phần kỹ thuật có làm được không. Khi thành lập nhóm tuyển sinh, phần mềm của Bộ điều chỉnh được, và có khống chế được. Thí sinh không nên gian dối vì làm như vậy các em sẽ đánh mất cơ hội của mình”.

Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Mẫu đăng ký xét tuyển của nhóm GX về cơ bản không khác với mẫu của Bộ. Thí sinh có thể tải trên mạng về để tự khai. Bộ và nhóm sẽ có cách thức để thí sinh không bị nhầm lẫn giữa hai mẫu.

{keywords}

Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng Đào tạo

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Ngoài 2 phương thức đăng ký xét tuyển trực tuyến và chuyển phát nhanh qua đường bưu điện, thí sinh còn có thể nộp trực tiếp. Việc đăng ký xét tuyển vào nhóm không phức tạp hơn so với việc đăng ký xét tuyển vào trường ngoài nhóm, không gây bất kỳ khó khăn nào cho thí sinh.

Theo ông Điền, thí sinh đã trúng tuyển theo một nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau nữa. Nếu thí sinh vì lý do nào đó muốn vào học nguyện vọng xếp dưới sẽ phải chờ tới khi nhóm kết thúc đợt tuyển sinh, nếu còn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung sẽ đăng ký lại.

Sau ngày 22/4 – kết thúc thời hạn các trường đăng ký tham gia - nhóm GX sẽ thành lập Ban chỉ dạo tuyển sinh nhóm trường để chỉ đạo thực hiện các khâu kỹ thuật của công tác xét tuyển.

Theo phương thức tuyển sinh của nhóm GX, thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng được phép tối đa của từng đợt xét tuyển, nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trong phiếu Đăng ký xét tuyển (mẫu được thiết kế cho nhóm GX). Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm (ví dụ đợt 1 thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 2, 3 hoặc 4 trường khác nhau trong nhóm nhưng mỗi trường không quá 2 nguyện vọng). Thí sinh cũng có thể ĐKXT vào 1 trường trong nhóm và 1 trường ngoài nhóm GX. Tuy nhiên, nếu thí sinh đã ĐKXT vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được ĐKXT vào trường ngoài nhóm.

Ngân Anh – Văn Chung