- “Ý tưởng làm sách về Trường Sa - Hoàng Sa bắt đầu từ gợi mở của cô cháu gái tôi. Có thể xem cuốn sách như một bộ phim ảnh về Tổ quốc nơi đầu sóng” – Kiến trúc sư Đoàn Bắc - thành viên chính chia sẻ.

Là kiến trúc sư nhưng cũng đam mê sưu tập ảnh, đặc biệt là ảnh cổ. Anh tiết lộ: "hiện trong tay có hàng ngàn bức ảnh cổ về Thăng Long – Hà Nội; ảnh về Sài Gòn xưa…

Kiến trúc sư Đoàn Bắc (Ảnh do nhân vật cung cấp).

- Anh có thể  ý tưởng của nhóm khi cho ra đời cuốn sách về chủ quyền biển đảo cho các bạn trẻ này?

Đây là một phần trong các hoạt động thuộc Dự án “Trường Sa - Việt Nam có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế” với nhiệm vụ chụp và triển lãm ảnh về quần đảo Trường Sa cũng như các vùng biển đảo xa bờ của Việt Nam.

Dự án này mang tính chất văn hóa cộng đồng do Thông tấn xã Việt Nam cùng Quân chủng Hải quân bảo trợ bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2012.

Cuốn sách này là bước đột phá trong cách giới thiệu các tư liệu của dự án muốn nhắm tới đối tượng giới trẻ. Ý tưởng đến với anh em trong nhóm hết sức bất ngờ. Trong lần trò chuyện, cô cháu gái của tôi đang học THCS khi thấy cậu chụp những bức ảnh về Trường Sa kể một ví dụ hết sức thực tế.

Cháu nói nếu cậu vào lớp con hỏi các cháu có yêu Trường Sa, Hoàng Sa không cả lớp sẽ giơ tay. Nhưng nếu hỏi tại sao yêu? Tất cả sẽ nói cô giáo bảo thế, bố mẹ bảo thế. Chứ thực ra các cháu chưa hiểu nhiều.

Và “nếu cho bọn con xem ảnh của cậu chắc chắn các cháu sẽ hỏi thế bộ đội Trường Sa có đẹp trai như Bùi Anh Tuấn (The Voice) hay không? Đảo này có chỗ chơi như ở Vinpearl không?” (cười)

- Quá trình làm cuốn sách của nhóm gặp khó khăn gì không, thưa anh?

Sách phải hiểu đúng tâm lí của trẻ. Để được như vậy anh em chúng tôi cũng phải đọc, mua những cuốn sách ảnh, tạp chí hoặc xem chương trình của trẻ và gặp các cháu xem các cháu muốn gì, thích gì để biên tập sách.

Đoàn Bắc (áo vàng) đã có nhiều ngày ở trên các quần đảo-nơi đầu sóng của Tổ quốc (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Chúng tôi cũng tham khảo những bộ phim của các hãng truyền hình lớn như BBC, Discovery,… giới thiệu về các quần đảo, lịch sử để học cách làm khoa học và chuẩn mực.

Khi bắt đầu có ý tưởng, nhiều người nghi ngờ về sự thành công, hiệu quả vì trước nay chưa có cuốn sách nào như vậy.

Nhiều NXB cũng quay lưng trước cuốn sách. Anh em chúng tôi vẫn cố gắng động viên nhau biến ý tưởng thành hiện thực. May mắn cho nhóm là sau đó có sự ủng hộ của NXB Kim Đồng.

Một khó khăn khác là việc sắp xếp tư liệu ảnh. Tìm trên mạng hay kho ảnh của các phóng viên về Hoàng Sa, Trường Sa vô cùng lớn nhưng làm như thế nào sâu chuỗi tất cả thành bộ phim hướng về giới trẻ không đơn giản.

Hơn 200 bức ảnh của trên 70 tác giả được lựa chọn trong hàng ngàn bức ảnh có thể không phải đẹp nhất, độc đáo nhất song lại phù hợp với nội dung mình muốn truyền tải tới các em.

- Anh vừa nói đến kết cấu cuốn sách như một bộ phim. Cụ thể của kết cấu ấy là gì, thưa anh?

Khởi đầu là cái nhìn tổng quát về biển đảo, sau đó đi vào những chi tiết. Như tiêu đề cuốn sách, đây là câu chuyện  của Tổ quốc nơi đầu sóng….

Theo Đoàn Bắc, nhóm của anh sẽ tiếp tục thực hiện các cuốn sách ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa giới thiệu đến các bạn trẻ.

Kế đến sách kể sâu hơn về sự hình thành của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ đáy biển đi lên với những rặng san hô kì ảo, những sinh vật biển, các loài cá....

Đọc sách các em sẽ biết đầu thế kỉ 16, 17 từng đoàn người Việt Nam đã ra đây trồng cây, đánh cá. Tổ ấm gia đình và những đứa trẻ cứ lớn dần lên nơi đầu sóng ngọn gió. Rồi cùng với đó, để bảo vệ bình yên cho người dân những chiến sĩ hải quân đã có mặt.

Kết thúc câu chuyện là cuộc sống sung túc ấm no hay cũng là mong muốn cuối cùng của người dân chúng ta được làm giàu trên chính mảnh đất mình đã gầy dựng lên.

- Anh có thể tiết lộ dự định của nhóm trong tương lai gần?

Tổ quốc nơi đầu sóng là tập đầu tiên trong bộ sách mà chúng tôi đã - đang biên tập.

Nhóm sẽ tiếp tục cho ra mắt những cuốn sách ảnh chuyên sâu hơn về hoạt động cán bộ chiến sĩ trên thềm lục địa phía Nam, Trường Sa Hoàng Sa cũng như trên biển Đông.

Như thế, Tổ quốc nơi xa sẽ đến với các em một cách tự nhiên nhất. Và tình yêu cũng bắt đầu giản dị như vậy.

“Chủ quyền biển, đảo cần gắn với lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn của lịch sử dân tộc. Trong nội dung này cần đặc biệt chú ý đến chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa vì tính thời sự và yêu cầu trang bị hiểu biết khoa học kịp thời cho thế hệ trẻ” - Giáo sư, Viện sĩ Phan Huy Lê.

- Xin cảm ơn anh!

  • Văn Chung (thực hiện)