Gom góp từng đồng tiền lẻ, nhưng không phải để thực hiện ước mơ làm giàu mà bà Cúc dùng chúng vào công việc từ thiện hàng chục năm nay.

Lẽ thường, ai cũng mong kiếm thật nhiều tiền để có cuộc sống sung túc, giàu sang. Nhưng, vẫn có những người chẳng giống ai, khi gần trọn đời tần tảo mưu sinh từ xe bánh mì, gom nhặt ve chai, dành dụm những đồng bạc lẻ để giúp đỡ người nghèo, cơ nhỡ, ở khắp mọi miền đất nước. Đó là bà Nguyễn Thị Bạch Cúc, 71 tuổi, ở Q.3, TP. HCM.

{keywords}
Bà Cúc bán bánh mì

Tránh mặt con dâu đi nhặt ve chai

Một buổi trưa nắng gắt, bụng đói cồn cào, nhưng lại không có thời gian ghé vào quán ăn, tôi định bụng mua một gói xôi hay bánh mì ăn tạm, nhưng nhìn quanh chẳng thấy thứ mình cần mua nên hỏi bác xe ôm ngay đầu con hẻm trên đường Lý Chính Thắng, Q.3.

“Chạy vào hẻm chừng trăm mét, có xe bánh mì của dì Cúc, vào mua ủng hộ bả đi”, bác tài nói. Tôi thắc mắc: “Ủa, sao phải ủng hộ bả vậy chú?”.Ông phẩy tay: “Ghé mua đi, hỏi bả thì biết”.

Theo chỉ dẫn, tôi chạy vào hẻm, đúng lúc bà Cúc đang gom những vỏ lon bia bán ve chai. Đó là người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu và xởi lởi

Dù chưa biết tôi là ai, bà đã khoe: “Hôm qua dì đi phát quà, làm từ thiện, nấu ăn miễn phí cho người già neo đơn ở chùa cả ngày. Vui nhưng mà hôm nay mệt quá, chắc mai nghỉ bán một bữa”. Và, cuộc trò chuyện khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác....

“Dì không nhớ mình đã làm công việc này từ lúc nào, chỉ biết lúc đó đất nước còn chưa giải phóng. Lúc ấy, dì cũng vất vả lắm, ổng thì đi làm xa, một mình lo cho 5 đứa nhỏ. Dì phải lăn lộn làm đủ thứ nghề, cũng được nhiều người giúp đỡ nên gặp ai khó khăn là giúp lại. Chỉ cần thấy người ta ít nhiều qua lúc khốn khó, dì thấy vui rồi”, bà kể. Sau năm 1975, bà Cúc vẫn tảo tần mưu sinh bằng chiếc xe bánh mì và lượm ve chai, vừa nuôi các con ăn học nên người vừa giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, ban đầu là trong khu phố, dần dần, nghe bất cứ ở đâu có người cần giúp đỡ là bà tìm đến. Có khi, chỉ là lon gạo, vài ổ bánh mì.

Bà kể: “Lúc mấy đứa nhỏ đã ăn học thành tài, công việc ổn định, dì có điều kiện làm từ thiện hơn. Nhưng lúc này, tụi nhỏ lại phản đối, nói dì đừng làm nữa, mang tiếng. Hồi đó, có đôi lần trong lúc đi nhặt ve chai, thấy con dâu từ xa, dì phải tránh không để nó nhìn thấy. Về nhà, dì thuyết phục tụi nó nhiều lắm. Dì bảo, ngày xưa má nghèo, nếu không có người tốt giúp đỡ thì chưa chắc nuôi được các con thành đạt như hôm nay. Giờ hạnh phúc của má, ngoài các con ra, là được giúp người nghèo. Dần dần, tụi nó đành chịu, không cản nữa. Bây giờ, cả 5 đứa đều tự nguyện mỗi tháng góp tiền nuôi heo đất. Giờ mỗi khi có chuyến đi làm từ thiện xa, thằng út lại ủng hộ thuê xe cho má đi”....

Hiện nay, cả 5 người con bà Cúc đều thành đạt, có gia đình riêng, trong đó, 3 người đang định cư tại nước ngoài, bà Cúc đang sống cùng cậu con trai út tại căn nhà trong con hẻm 60 đường Lý Chính Thắng.

Ân nhân vạn người nghèo

Tâm sự với tôi, bà Cúc bảo, buồn nhất là những ngày đầu làm từ thiện, bà con lối xóm tỏ ý nghi ngờ, cho rằng bà tham lam. Nhưng dù buồn, bà vẫn làm. “Miễn sao mình không làm điều trái lương tâm, rồi mọi người sẽ hiểu”, bà nói. Và, tấm lòng của bà Cúc, chẳng bao lâu, mọi người cũng đã hiểu.

{keywords}

Gặp những người sống lâu năm trong con hẻm 60 này, tôi mới thấy, bà Cúc được mọi người quý mến nhiều thế nào.

“Tôi sống trong con hẻm này từ xưa đến giờ, chứng kiến nhiều việc làm thiện của bà Cúc lắm. Có những chuyện bây giờ tôi còn nhớ như in. Khoảng chục năm trước, trong xóm có cụ Lâm Thị Huê bị liệt hai chân phải sống một mình không ai chăm sóc, bà Cúc hằng ngày qua cơm nước, tắm rửa và lo từng miếng ăn giấc ngủ cho bà Huê như mẹ ruột, rồi chạy vạy đề xuất phường trợ cấp cho bà Huê nữa.

Rồi chuyện chăm sóc cụ Khiết, có con là liệt sĩ. Thấy cụ Khiết đau yếu một mình không ai trông nom, bả sang chăm sóc như người nhà cả chục năm đến khi cụ mất. Những cụ già đơn chiếc trong phường, khi qua đời, một tay bả đến tắm rửa, thay đồ mới và đứng ra quyên góp tiền nhang khói....

Cách đây vài năm, có một thanh niên trong xóm đi bộ đội về, không may bị sốt rét ác tính, bả đi vận động từng nhà, được mấy trăm ngàn đồng giúp anh chữa trị, truyền máu, qua cơn nguy hiểm.

Ngoài ra, bả còn cho nhiều chị em trong khu phố vay vốn hỗ trợ làm ăn và tặng học bổng cho 3 em học sinh trong xóm có hoàn cảnh vượt khó mỗi tháng 300.000 đồng. Bây giờ người như bà Cúc hiếm lắm”, ông Nguyễn Văn Kiệt, người hàng xóm của bà Cúc, nói.

{keywords}

 Mặc dù ổ bánh mì bà Cúc bán khá “chất lượng”, với thịt nướng, pa tê, chả lụa bên trong, nhưng giá chỉ 10 ngàn đồng. “Sao dì bán rẻ vậy?”, tôi hỏi. “Khách của dì đa số là bà con trong xóm, rồi mấy đứa sinh viên, công nhân, người lao động nghèo không hà, mình bán vậy cũng là giúp họ”, bà Cúc giải thích. Hiện nay, mỗi ngày bà bán khoảng 80-100 ổ bánh mì.

Toàn bộ tiền lãi, bà đều dành “nuôi heo”. Mỗi buổi chiều, bà lại lọ mọ khắp các hẻm phố, gom nhặt ve chai. Và bán cho người mua ve chai cũng rẻ hơn, vì “cổ cũng nghèo”, bà cười bảo.

Nói về những kỷ niệm trong đời là từ thiện, bà Cúc cho biết: “Nhiều chuyện đáng nhớ lắm. Nhưng dì nhớ mỗi lần lên Cẩm Mỹ (Xuân Lộc, Đồng Nai - PV) làm từ thiện, bà con thấy dì lại reo lên: “Giàng về, giàng về”. Dì hỏi họ sao gọi thế, họ bảo “Giàng tốt mà”. Còn khó khăn, dì hỏi sao không nhờ hàng xóm giúp đỡ, họ nói: “Nó cũng khổ, tao cũng khổ, không giúp được”...

{keywords}

Mỗi ngày, gom góp vài trăm ngàn tiền lẻ từ xe bánh mì và những mớ ve chai, nhưng nếu cộng lại cả mấy chục năm qua, thì đó là một số tiền rất lớn. Với tấm lòng nhân hậu, từ 30 năm nay, bà Cúc được giao cùng lúc 2 chức danh là Tổ trưởng dân phố và Chi hội trưởng phụ nữ kiêm thành viên Ban hoà giải khu phố. Có lẽ, đây là nữ Tổ trưởng dân phố có thâm niên lâu nhất Việt Nam.

Không chỉ giúp đỡ hàng vạn người nghèo, bà Cúc còn là người tham gia tích cực chương trình “Tiếp sức mùa thi” ngày từ những ngày đầu có chương trình đến nay. Mỗi năm, khi mùa thi đến, ngoài nhận nuôi miễn phí cho gần chục sĩ tử, bà còn vận động các gia đình trong khu phố tích cực hỗ trợ sĩ tử. Bên cạnh đó, bà còn là người tham gia “Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản” (SSEAYP) với vai trò chăm sóc thành viên các đoàn trong thời gian lại Việt Nam, làm hướng dẫn viên. Và, đến nay, bà vẫn tích cực tham gia chương trình “Thanh niên tình nguyện”. Chính vì các hoạt động này, bà Cúc được một lãnh đạo thành phố đặt cho biệt danh là “đoàn viên lâu năm”, ngoài những biệt danh khác như dì Cúc bánh mì, dì Cúc từ thiện hay dì Cúc ve chai…... 

  • Phúc Lập - Nông nghiệp Việt Nam