- “Với tôi, một người đã gần đất xa trời, nói “ước nguyện” e rằng xa vời quá. Tôi chỉ xin có 3 mong muốn nhỏ nhoi” – GS Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên của Việt Nam từ năm 1945 tâm tình.

Sau khi số báo Tết 2011 của tạp chí Thế Giới Mới đăng tải “3 mong muốn nhỏ nhoi” ra được mấy hôm, GS Vũ Đình Hòe đã từ trần vào ngày 29/1.


GS Vũ Đình Hòe và phu nhân trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh. Ảnh: Minh Quyên

Điều đầu tiên, nhà giáo, nhà luật học lừng danh Vũ Đình Hòe mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ Cộng hoà. Đó là “nền sơ học cưỡng bách và không học phí”.

“Và chí ít, ngày Chủ nhật, ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hoà tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn đặng trở thành những chủ nhân ông mạnh mẽ, năng động và thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau”.

Người ông tuổi đã tròn trăm, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời mà vẫn ung dung, tự tại, mong ước giản dị rằng, người già được con cháu và toàn thể xã hội kính trọng, chăm sóc để được yên vui và thanh thản hưởng tuổi trời.

Từng là sinh viên luật xuất sắc, tham gia nhiều hoạt động xã hội, đấu tranh cho dân chủ, liên tiếp giữ vai bộ trưởng của các ngành giáo dục rồi pháp luật từ những năm đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1960, nhà trí thức Vũ Đình Hoè có ảnh hưởng lớn với việc nâng cao dân trí, đặt nền móng cho hệ thống luật pháp Việt Nam...
Năm 1975, GS Vũ Đình Hòe về hưu, không một huân, huy chương. Tâm tư thì nhiều, nhưng không kêu ca, thắc mắc hay phiền lụy các cơ quan của Đảng và Chính phủ.
Từ năm 1991, sau nhiều lần lưỡng lự, GS. Vũ Đình Hoè bắt đầu chấp bút hồi ký hơn 1.500 trang: "Hồi ký Thanh Nghị, Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh”, "Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh". Hồi ký chứa đựng tâm huyết của cả một đời kẻ sĩ, bất chấp những khúc quanh bão táp trong cuộc đời, phụng sự lý tưởng rực cháy trong lòng từ thuở tráng niên.

Đó cũng là mong ước lớn nhất của vị Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên: Mong nền giáo dục thực sự là “giáo dục vị nhân sinh”, nghĩa là phục vụ các nhu cầu thiết thực của mỗi con người về vật chất cũng như tinh thần, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững một nước Việt Nam dân chủ, văn minh và phồn vinh.

Không giải thích thêm bởi “có gì thì đã viết hết trong hồi ký”, trong phần viết ngắn gọn cuối đời, GS nhắn nhủ đừng quên nhiệm vụ “diệt giặc dốt” vẫn còn rất quan trọng.

Một sự trùng hợp tình cờ, theo kế hoạch năm 2011, Bộ GD-ĐT sẽ trình Chính phủ và phê duyệt các đề án liên quan đến nhiệm vụ “diệt giặc dốt” và nối tiếp phong trào tự học - được khởi xướng từ những trí thức Tây học những năm đầu thế kỷ 20, mà chàng trai Vũ Đình Hòe ngày đó là một hạt nhân tích cực. Các đề án “xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2020” và “xóa mù chữ giai đoạn 2011-2020” dự kiến phê duyệt trong năm nay.

 

Năm 1975, GS Vũ Đình Hòe về hưu, không một huân, huy chương. Tâm tư thì nhiều, nhưng không kêu ca, thắc mắc hay phiền lụy các cơ quan của Đảng và Chính phủ, kể cả những lần ốm thập tử nhất sinh. Chỉ từ sau khi Đảng có chính sách đổi mới, danh tính Vũ Đình Hoè mới xuất hiện trở lại. Lúc ấy đã ngoài 70, ông vẫn đem hết tâm huyết và trí tuệ phục vụ công cuộc đổi mới. Năm 1996, ông  được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
(Theo kỷ yếu 100 năm ĐHQG Hà Nội)

 


  • Vân Phong