Đó là nội dung trong công văn mà Bộ GD-ĐT vừa gửi các Sở GD-ĐT liên quan việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Theo Bộ GD-ĐT, ngày 18/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó quy định mỗi chuyên ngành có 1 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành. Theo đó, kể từ ngày 10/12/2021 - Nghị định số 89/2021/NĐ-CP có hiệu lực, khi thực hiện bổ nhiệm, xếp lương đối với giáo viên mầm non và phổ thông, chỉ yêu cầu mỗi giáo viên có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

{keywords}
Ảnh minh họa: Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, Bộ đang tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tại các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập. 

Đồng thời, xây dựng, ban hành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông để thay thế cho các chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện hành.

Vì vậy, trong thời gian này, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, đề nghị các Sở tham mưu UBND tỉnh, thành phố điều chỉnh phương án triển khai bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ viên chức ngành giáo dục.

Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT nói về hướng xếp lương mới cho giáo viên

Bộ GD-ĐT nói về hướng xếp lương mới cho giáo viên

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đang nghiên cứu sửa các thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương theo hướng có lợi nhất cho giáo viên.