Chương trình diễn ra trong 2 ngày 21-22/10 với sự tham gia của 1.000 cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý của các Sở GD-ĐT, các trường tiểu học, THCS và THPT tại 400 điểm cầu trên toàn quốc.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ tại chương trình tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến tâm lý của các em học sinh trong thời gian không thể đến trường học trực tiếp.

Các em vừa phải trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý lại vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang gián tiếp. Nhiều em điều kiện kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn, thậm chí có em còn mất cha mất mẹ do dịch bệnh; những sang chấn tâm lý là điều không thể tránh khỏi. Từ đó, bà Minh khẳng định sự cần thiết của việc tổ chức tập huấn tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh.

“Giai đoạn chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến cũng khiến các em học sinh gặp rất nhiều trở ngại. Chưa kể những yếu tố rủi ro, khi sau dịch, có những học sinh mồ côi cha mẹ, mất đi người thân và những sang chấn tâm lý đối với các em là không thể tránh khỏi. Có những em khủng hoảng tâm lý,... Chính vì vậy, vấn đề tư vấn tâm lý học đường là rất quan trọng”.

Thứ trưởng Minh cho rằng việc tổ chức hội nghị tập huấn trực tuyến này nhằm nâng cao kiến thức và để thấy rõ hơn trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong các trường phổ thông. Qua đó, giúp cho công tác tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong bối cảnh dịch bệnh được tốt hơn.

{keywords}
Bộ GD-ĐT tập huấn cho giáo viên về tư vấn tâm lý học sinh 

Thứ trưởng cũng nhìn nhận, quá trình triển khai tư vấn tâm lý học đường hiện còn nhiều khó khăn trong bối cảnh ngành giáo dục chưa có đội ngũ chuyên trách. “Đây là vấn đề khó mà chúng ta đang phải tháo gỡ”. 

Việc này đặt ra vấn đề nâng cao năng lực tư vấn tâm lý học đường, yêu cầu đội ngũ quản lý, cán bộ, giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ Đoàn, Đội phải có kiến thức sâu về lĩnh vực này. 

“Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các học sinh mà cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống của các thầy cô giáo. Trước mắt, chính các thầy cô cũng phải biết cách cân bằng công việc gia đình và công việc của trường lớp để có quỹ thời gian phù hợp, làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho các học sinh”, bà Minh nói.

Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong 4 chuyên đề: Nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch Covid-19; Hướng dẫn kỹ năng tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch Covid-19 và sau khi quay lại trường học; Nguy cơ tổn thương tâm lý trên không gian mạng và những phương thức giáo viên, phụ huynh tư vấn hỗ trợ; Hướng dẫn các kỹ thuật cân bằng công việc và gia đình cho cán bộ, giáo viên.

Các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục của Việt Nam và quốc tế cũng chia sẻ về vai trò của tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, chương trình tập huấn cũng trang bị cho cán bộ tư vấn tâm lý, giáo viên kỹ năng tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khi gặp những khó khăn tâm lý; kỹ năng giúp học sinh đảm bảo an toàn, phòng chống bạo lực, xâm hại và các kỹ thuật giúp cán bộ, giáo viên cân bằng giữa công việc và gia đình.

Thanh Hùng

Bộ GD-ĐT đề nghị dạy học trực tiếp ở những địa phương nào?

Bộ GD-ĐT đề nghị dạy học trực tiếp ở những địa phương nào?

Đối với các địa bàn có nguy cơ thấp và trung bình, Bộ GD-ĐT đề nghị các tỉnh, thành phố cho phép tổ chức dạy học trực tiếp, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án chuyển sang các hình thức khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.