- Hội nghị giao ban cụm thi đua vùng 7 lần thứ nhất năm 2014 giữa lãnh đạo 5 sở GD-ĐT lớn trên cả nước ngày 7/11 tiếp tục “nóng” với Thông tư 30 đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét và những lệnh cấm vừa được Bộ GD-ĐT ban hành ở bậc tiểu học.

Bên cạnh những băn khoăn, lãnh đạo các sở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã đưa một số sáng kiến khi triển khai. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng lãnh đạo các vụ trực thuộc đã có chia sẻ, trao đổi.

Phổ biến ‘không chấm điểm thường xuyên’ đến…bảo vệ

{keywords}

Phó GĐ Sở GD-ĐT Đà Nẵng ông Nguyễn Minh Hùng cho biết sáng 7/11 Thông tư 30 đã được các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng. Đây là xu thế đánh giá mới tiến bộ, nhận được sự ủng hộ từ cấp lãnh đạo sở đến các trường, giáo viên.

“Rõ ràng cái mới khi làm thường khó. Một bộ phận nhà quản lý và giáo viên ngại thay đổi, cộng với thông tin không kịp thời nên nảy sinh vướng mắc, hiểu chưa đầy đủ tinh thần, chưa có cách làm đầy đủ nhằm đánh giá chính xác học sinh và giảm thời gian lao động cho giáo viên môn chung và bộ môn” – ông Hùng cho hay.

Tuy nhiên, trong cái khó không ít giáo viên đã năng động, sáng tạo các giải pháp mới.

Ông Hùng chia sẻ bản thân rất ngạc nhiên khi ở TP.HCM thậm chí các thầy triển khai TT30 đến tận thủ quỹ, kế toán, bảo vệ của nhà trường. Các trường cho rằng đây là lực lượng tiếp cận gần nhất, nhiều đến học sinh nên sẽ là kênh tuyên truyền quan trọng chủ trương tới các bậc cha mẹ học sinh.

Tại Hà Nội, phòng Khoa học công nghệ của sở GD-ĐT  đã xây dựng phần mềm giọng nói để giáo viên ghi vào phiếu, vào sổ quản lí chất lượng. Hay như Trường TH Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã có phần mềm yêu cầu đánh giá chính xác, cập nhật, dễ theo dõi giúp liên kết giáo viên môn chung và giáo viên bộ môn – nhà trường. Đồng thời phần mềm cũng có thể cho ra các phiếu học tập để in ra, gửi qua tin nhắn, email hoặc ghi vào sổ.

Ông Hùng cũng như lãnh đạo các sở GD-ĐT kiến nghị Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo về thực hiện TT30 vào cuối học kỳ I năm 2014 nhằm rút kinh nghiệm, chỉ đạo kịp thời để kiểm tra đánh giá học sinh trở thành công việc bình thường và nhẹ nhàng.

{keywords} 

Trao đổi về những nội dung trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết chuyện không cho điểm học sinh tiểu học, ngành giáo dục đã thí điểm mấy năm gần đây.

Lúc đầu thí điểm cũng nhiều băn khoăn lo lắng, thắc mắc nhưng sau khi làm kỹ và thực tế chứng minh các trường, giáo viên, nhà trường rất ủng hộ. 

Thắc mắc của thầy cô theo Bộ trưởng Luận là “có cơ sở phần. Một phần vì quán triệt chưa kỹ. Tôi đi thực tế thấy thầy cô càng tâm huyết, càng gắn bó với nghề thì càng trăn trở, càng khó để họ tiếp nhận cái mới. Những cái với họ đã thành hơi thở, thân thiết rồi, thậm chí thành danh, lập nghiệp vì cái đó, lấy được vợ chồng vì cái đó, nay bỏ thì khó”.

Nhưng theo Bộ trưởng việc nào tốt cho học sinh thì làm ngay, càng sớm càng tốt.

Việc không cho điểm ở tiểu học các sáng tạo khác nhau như đóng dấu, mặt cười mặt mếu, ký hiệu,… theo bộ trưởng sáng kiến nào tốt, qua chọn lọc tự nhiên sẽ tồn tại.

Sẽ sớm có quy định tuyển sinh vào lớp 6

Tại hội nghị, Phó GĐ sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng băn khoăn về quy định việc tuyển sinh vào lớp 6:

“Với một số trường, lớp trọng điểm có đầu vào, nhu cầu cao hơn khả năng tiếp cận cần hướng dẫn chi tiết hơn việc không khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 để cơ sở thuận tiện triển khai”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Luận cho rằng nguyên tắc là các trường không được dùng kiến thức cho em thi vào. Nếu tổ chức bài thi sẽ có luyện thi, dẫn đến một loạt hậu quả.

“Dùng thi-kiểm tra văn hóa để tuyển các cháu vào các lớp đầu cấp, chính chúng ta là thủ phạm gây nên tình trạng dạy thêm học thêm, không phải các cháu và cha mẹ các cháu” – lời bộ trưởng.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Trọng Hoàn cho biết bộ sẽ tiếp thu, nghiên cứu để sớm có quy định, hướng dẫn trong thời gian tới.

Văn Chung (ghi)