Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chia sẻ những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục hiện nay. Đề cập vấn đề dạy thêm, học thêm online, ông đặt câu hỏi dù Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm việc dạy thêm nhưng thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Thậm chí có trường hợp học sinh bị ép học thêm online. Cử tri bức xúc kiến nghị Bộ cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến. Bộ trưởng GD-ĐT nói gì về vấn đề này?

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tai phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng 11/11

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, bình thường giáo viên không được dạy thêm, việc dạy thêm học thêm đã cần phải ngăn chặn. Khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm càng cần nghiêm cấm.

Theo ông Sơn, Thông tư số 09 ngày 30/3 do Bộ ban hành quy định dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp. Vì vậy, ông đề nghị các Sở GD-ĐT, các địa phương kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có dạy quá giờ không.

"Chúng tôi cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn việc này" - ông Sơn khẳng định.

Dạy thêm, học thêm do đời sống giáo viên quá thấp

Tham gia tranh luận về vấn đề dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Công Long nói rằng, theo như Bộ trưởng trả lời thì quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn là cấm dạy thêm trực tuyến.

"Tôi đồng tình với Bộ trưởng là phải cấm dạy thêm trực tuyến, vì lợi ích của các cháu. Nhưng nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề", ông Long nói.

Theo ông Long, chúng ta đang tiếp cận vấn đề dạy thêm học thêm như một vấn nạn, và xử lý theo cách cấm. Nhiều nơi tổ chức mật phục, bắt quả tang việc dậy thêm học thêm... cách ứng xử với nhà giáo như thế là không phù hợp. Cách quản lý không nên theo tư duy không quản được thì cấm. Do đó, ông Long cho rằng nên đánh giá tác dụng, ý nghĩa của việc dạy thêm học thêm, nó là nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh.

"Nói thật, con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm nhờ học thêm, nên học thêm là có tác dụng chứ không phải là không" - ông Long chia sẻ.

Do đó, ông Long đặt vấn đề, tại sao ngành Y được làm thêm mà giáo dục không được dạy thêm? 

Việc này xuất phát từ thu nhập quá thấp, rất nhiều người coi dạy thêm là để mưu sinh. Chúng ta hãy nhìn thẳng vấn đề này để có giải pháp căn cơ. Và thực tế, qua 2 năm đại dịch vừa rồi, chúng ta thấy giáo viên cũng là đối tượng cần cứu trợ.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường mà việc dạy thêm đáp ứng các nhu cầu đó thì không thể cấm được.

Còn dạy thêm, học thêm mà giáo viên trực tiếp dạy cho học sinh, nhưng lại bớt nội dung chính thức mới là điều lưu ý.

Ông Sơn cũng cho biết, năm 2016 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bỏ dạy thêm ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD-ĐT đang đề nghị bổ sung việc dạy thêm vào danh mục này.

Đưa ý kiến tranh luận về dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói từ các khóa trước Quốc hội đã thảo luận rất nhiều, và câu chuyện này chưa có hồi kết. Theo ông Thành, việc Bộ trưởng nói sẽ rà soát các quy định của pháp luật, nhưng đó mới chỉ là các công việc bề nổi.

Ông Thành cho rằng có 4 vấn đề chiều sâu cần quan tâm liên quan đến việc dạy thêm.

Thứ nhất, cần giảm tải chương trình, sách giáo khoa. "Chúng tôi đã khảo sát từ bậc tiểu học đến trung học, thấy ở nhiều môn học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn, nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết. Đề nghị Bộ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt ở khu vực đô thị”.

Thứ hai, là đổi mới phương pháp dạy học, từ dồn ép kiến thức sang dạy tư duy. Ông Thành bày tỏ sự đồng tình khi Bộ trưởng nói sẽ chấm dứt tình trạng văn mẫu.

Thứ ba, ông Thành đề nghị cần đổi mới, cải tiến phương pháp thi cử mạnh mẽ hơn nữa. Nội dung thì "cần tập trung vào đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn, thay vì thi theo mẫu. Đây là điểm mấu chốt".

Thứ tư, ông Thành cho rằng nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm. Ông Thành đồng tình trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài, nhưng phải thay đổi nội dung và phương pháp để phù hợp, tạo môi trường học tập hài hòa.

Trao đổi lại với đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng giải quyết dạy thêm học thêm cần những giải pháp ở phương diện hành chính nhưng cũng cần những giải pháp chuyên môn cũng như quan điểm, tinh thần, thái độ và dư luận xã hội.

Các ý đại biểu nêu là nhóm giải pháp thuộc lĩnh vực chuyên môn. Thực sự đây là những vấn đề ngành đang triển khai. Việc đổi mới giảng dạy ở một số môn cũng theo tinh thần tăng cường tự học đổi mới sáng tạo năng lực của học sinh. Trang bị nhồi nhét kiến thức chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến dạy thêm học thêm nên cần thay đổi phương pháp.

Thời gian tới Bộ cũng tính đến phương án điều chỉnh phương án thi THPT, đổi mới kiểm tra đánh giá thường xuyên, để từ góc độ kiểm tra, đánh giá hạn chế được việc dạy thêm học thêm.

Bộ trưởng Sơn cũng nhận định trong thực tế phụ huynh cũng có tâm lý con em học ứng thí hơn là chú ý đến việc con em học để phát triển bản thân. “Tâm lý xã hội cũng phải điều chỉnh, xem việc học thêm có phù hợp con mình không hay cả nhóm bạn đi học thì con mình học. Vấn đề tâm lý xã hội này cũng cần giải pháp mang tính tổng thể” – ông Sơn nói.

Phương Mai

Giáo viên chờ đợi phiên trả lời chất vấn đầu tiên của Bộ trưởng

Giáo viên chờ đợi phiên trả lời chất vấn đầu tiên của Bộ trưởng

Nhiều giáo viên mong đợi phiên đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại nghị trường Quốc hội vào sáng 11/11.