Hội thảo nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế theo yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đây cũng là hoạt động hưởng ứng kỷ niệm ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ đã ban hành và triển khai Kế hoạch truyền thông Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo theo hình thức trực tuyến, kể cả phương thức đào tạo đối với những lớp theo đặt hàng của Nhà nước, doanh nghiệp. Đồng thời, công bố bổ sung 19 tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (nâng tổng số lên 199 nghề đã ban hành tiêu chuẩn) và đánh giá kỹ năng nghề quốc gia cho 11.000 người lao động (nâng tổng số lên 73.000 người lao động được đánh giá.

Cũng theo bà Hà, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương… để tổ chức nhiều sự kiện như: Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia năm 2021; tham gia Kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN và thế giới; tổ chức Diễn đàn quốc tế về Tương lai việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phát triển kỹ năng thiết yếu cho thanh niên Việt Nam” và nhiều hoạt động có ý nghĩa để hưởng ứng ngày Kỹ năng thanh niên thế giới...

“Các hoạt động trên góp phần lan tỏa cảm hứng, truyền động lực, đam mê kỹ năng nghề đến học sinh, sinh viên và những người lao động trẻ; nêu cao giá trị nghề nghiệp, củng cố lòng yêu nghề, yêu lao động và đề cao kỹ năng nghề trong xã hội" – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.

Cần giải pháp chiến lược nâng tầm kỹ năng lao động

Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); Phòng Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam… đã trao đổi về nhu cầu và giải pháp để nâng cao kỹ năng cho lao động Việt Nam trong bối cảnh mới, nhất là với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

{keywords}
Một số đại biểu tham dự hội thảo

Bà Nguyễn Hồng Hà, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng, cần tập trung vào công tác xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm.

Đồng tình với ý kiến này, ông Paul Comyn (Chuyên gia cao cấp về kỹ năng và việc làm, ban chính sách việc làm, Trụ sở chính của ILO tại Geneva) mong muốn Chính phủ đưa ra các chính sách để doanh nghiệp dẫn dắt, đóng góp vào trong quá trình đào tạo từng ngành cụ thể ở Việt Nam.

Bà Trần Lan Anh - Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động của VCCI cung cấp số liệu cho thấy, hơn 40% doanh nghiệp trong số 400 doanh nghiệp được khảo sát đánh giá thấp chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại địa phương và cho biết phải đào tạo lại khi tuyển dụng lao động.

Ngoài ra, trên 80% doanh nghiệp lớn có nhu cầu sử dụng công nghệ cho phát triển. Trong khi đó, con số này với doanh nghiệp nhỏ chỉ khoảng 40-50%.

Đại biểu của VCCI cho rằng, rằng cần có khung tiêu chuẩn để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nhằm phù hợp với khung tiêu chuẩn trong nước quốc tế. Đây cũng là căn cứ để doanh nghiệp áp dụng khi cần đào tạo. Với doanh nghiệp, cần đa dạng hình thức đào tạo như đào tạo trực tiếp, đào tạo bằng cách liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Bà Jen Bahen (Tham tán Giáo dục và nghiên cứu, Đại sứ quán Úc tại Hà Nội) nhấn mạnh cần sử dụng số liệu đầu vào của các ngành, của người lao động để đào tạo phát triển kỹ năng cho người lao động khớp với cung và cầu.

Bà khuyến nghị cần phải có Ủy ban ngành để dự báo hoạt động đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, Hội đồng kỹ năng để phân tích thị trường lao động.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kỹ năng nghề là nhân tố quan trọng, quyết định tăng trưởng nền kinh tế. Lực lượng lao động có kỹ năng nghề tạo nên sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng tốt làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, lao động nước ta còn nhiều hạn chế, năng suất lao động còn thấp.

Vì thế, với tác động của dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Ông Phòng cho rằng, cần có giải pháp chiến lược, nâng tầm kỹ năng lao động trong tình hình mới, đổi mới, nâng cao năng lực nguồn nhân lực của đất nước.

Ông Nguyễn Chí Trường (Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho hay, tính đến hết quý II/ 2021, cả nước có trên 51,1 triệu người trong lực lượng lao động (từ 15 tuổi trở lên). Dù vậy, chỉ có khoảng 26,1% trở lên là lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ. Số còn lại lên tới hơn 73,9% là lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ (kỹ năng, đào tạo). 

Ngọc Linh