35 năm ra đời và tồn tại, có lúc công khai, có khi lén lút, đến năm nay chương trình công nghệ giáo dục mới chính thức chấm dứt giai đoạn thí điểm lớp 1.


{keywords}

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học số 1 Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai học theo chương trình tiếng Việt 1 - CNGD - Ảnh: Lê Đăng Ngọc

Thí điểm, đại trà rồi tiếp tục thí điểm…

Công nghệ giáo dục (CNGD) là đề tài nghiên cứu cấp quốc gia của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, được áp dụng thí điểm từ năm 1978 tại Trường Thực nghiệm (nay là PTCS Thực nghiệm) Hà Nội dưới sự quản lý, giám sát của Viện Khoa học giáo dục - Bộ GD-ĐT. Từ đó đến năm 1985, chương trình được mở rộng ra các tỉnh có nhu cầu. Đến năm 1990, đề tài của GS Đại được nghiệm thu, thành lập Trung tâm công nghệ giáo dục, chương trình này bắt đầu chuyển sang giai đoạn đại trà, thực hiện ở 43 tỉnh thành tính đến năm 2000. Do quy định một chương trình, một bộ sách giáo khoa cùng với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2000 nên CNGD phải dừng lại vào năm 2001.

"Dù đã tồn tại hơn 30 năm nhưng Bộ GD-ĐT vẫn rất cẩn trọng khi cho công nghệ giáo dục quay trở lại, nên 3 năm học đầu tiên vẫn áp dụng dưới hình thức thí điểm, nhưng năm nay thì bỏ chữ thí điểm"

GS Hồ Ngọc Đại

Tuy nhiên, đã hơn chục năm qua, dù không tồn tại một cách công khai và rầm rộ nhưng đối với những người làm giáo dục và quan tâm tới giáo dục, dường như chưa bao giờ chương trình này bị lãng quên. Chính vì thế dù có lệnh dừng nhưng đến năm 2008, Lào Cai là tỉnh duy nhất ở phía bắc cùng với 5 tỉnh phía nam là Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang, tiếp tục kiên định quay lại chương trình này. Thế nên năm học 2010 - 2011, Bộ GD-ĐT cho phép thí điểm thêm một phương pháp, một tài liệu dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 (gọi tắt là tiếng Việt 1 - CNGD) với địa phương nào có nhu cầu và đăng ký với Bộ.

Đến năm học này, có 37 tỉnh thành trong cả nước chính thức áp dụng CNGD cho khoảng 200.000 học sinh học lớp 1. Điều khiến GS Hồ Ngọc Đại vui mừng nhất là sự ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo Bộ GD-ĐT mà cụ thể là Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. GS Đại cho hay: “Dù đã tồn tại hơn 30 năm nhưng Bộ GD-ĐT vẫn rất cẩn trọng khi cho CNGD quay trở lại, nên 3 năm học đầu tiên vẫn áp dụng dưới hình thức thí điểm. Nhưng năm nay thì bỏ chữ thí điểm nên đi đến đâu tôi cũng thấy các trường hào hứng, phụ huynh không ngần ngại nữa”.

Thay đổi dạy - học tiếng Việt

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai, thừa nhận việc tỉnh này đưa CNGD vào giảng dạy trong bối cảnh cả nước thực hiện quy định chỉ có một chương trình, sách giáo khoa là “hành động dũng cảm”. Ông Ninh cho biết: “Ban đầu đưa vào 4 huyện: Mường Khương, Simacai, Bảo Yên, Bảo Thắng. Không ngờ là thay đổi hẳn việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc”. Năm nay Lào Cai mở rộng áp dụng CNGD ra 235/239 trường tiểu học trong toàn tỉnh. Ông Ninh khẳng định mô hình này giải quyết tiếng Việt cho học sinh vùng cao. “Không giải quyết được vấn đề tiếng Việt thì đừng nói gì đến việc chất lượng giáo dục tiểu học vùng cao” - ông Ninh nhấn mạnh.

Bà Triệu Thị Hoa Đào, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Trịnh Tường, H.Bát Xát, Lào Cai, cho biết mô hình CNGD giúp học sinh kết thúc lớp 1 là đọc thông, viết thạo, nắm vững ngữ âm/cấu trúc của các kiểu vần/luật chính tả, nhanh nhẹn, mạnh dạn, tự tin, có kỹ năng trong giao tiếp. “Về nghe - nói - đọc - viết, chính tả thì các em không cần phải nhìn chép nữa mà hoàn toàn nghe rồi viết chính tả được. Tiếng Việt các em đọc lưu loát. Nhiều em đọc được 60 tiếng dưới một phút. Lên lớp 2 các em đọc thông viết thạo, nắm rất chắc tiếng Việt. Do vậy, học các môn khác thuận lợi, dễ dàng. Vì thế không có học sinh ngồi nhầm lớp như những năm trước đây khi chưa áp dụng CNGD”, bà Đào nói.

Năm nay tỉnh Kiên Giang mở rộng CNGD ở 62 trường tiểu học. Nam Định là tỉnh duy nhất của cả nước triển khai áp dụng ở 100% trường tiểu học. Hải Dương cũng triển khai đại trà ở 2 huyện, các nơi còn lại đều áp dụng ít nhiều.

Giải thích lý do vì sao năm nay Bộ GD-ĐT chính thức triển khai đại trà lại CNGD, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Chính do tính ưu việt của chương trình, do nhu cầu ngày càng lớn của các địa phương nên Bộ GD-ĐT đã quyết định triển khai đại trà”. Ông Hiển khẳng định: “Khi một bộ tài liệu đã được Bộ phê duyệt thì Bộ phải đảm bảo đó là tốt nhất hiện có để dạy và học”.

3 nguyên tắc của công nghệ giáo dục

Theo GS Hồ Ngọc Đại, CNGD được thiết kế dựa trên 3 nguyên tắc: Ai cũng học được; Học gì được nấy; Học đâu chắc đó. Do đó giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được thì viết được. Nếu học bộ sách này thì xong lớp 1 đọc thông viết thạo, hết lớp 2 viết thành câu, hết lớp 3 không bao giờ viết sai câu.

Bộ GD-ĐT là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cho phép lưu hành bộ sách giáo khoa tiếng Việt CNGD. Sách này không bán rộng rãi mà tỉnh nào đăng ký thực hiện phải đăng ký trước với Bộ GD-ĐT trong hè để Nhà xuất bản Giáo dục căn cứ vào số lượng đó in ấn.

 Xem phần 2: Tìm phương thức dạy học mới

(Theo Lê Đăng Ngọc Tuệ Nguyễn - Thanh Niên)