- “Cái đẹp không bao giờ lỗi thời. Chữ đẹp cũng vậy. Chỉ có người lợi dụng cái đẹp mới đáng bị chỉ trích. Trước sau, tôi vẫn giữ quan điểm rèn cho học sinh viết đẹp không có gì sai lầm cả, là tốt".

Nguyên chuyên viên cao cấp Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Trần Mạnh Hưởng cho biết như vậy. Ông Hưởng cũng là người tham gia ban tổ chức các cuộc thi viết chữ đẹp ở tiểu học cấp quốc gia năm 2002, 2006 và thi viết chữ đẹp do Báo Công an nhân dân tổ chức năm 2007.Không chỉ là người tham gia tổ chức các cuộc thi viết chữ đẹp, ông Hưởng còn là chủ biên cuốn Dạy và học Tập viết ở Tiểu học theo chương trình và SGK mới do NXB Giáo dục xuất bản năm 2006.

  Nguyên chuyên viên cao cấp Vụ GD Tiểu học (Bộ GD-ĐT) Trần Mạnh Hưởng

"Chữ đẹp không bao giờ lỗi thời"

Trong bài phân tích của mình, GS Nguyễn Ngọc Lanh cho rằng trẻ em Việt Nam đang phải phung phí quá nhiều thời gian vào việc rèn chữ, viết đẹp. Câu hỏi đặt ra là chữ đẹp ngày nay phải chăng đã lỗi thời khi chúng ta có máy tính, công nghệ thông tin thưa ông?

Cái đẹp không bao giờ lỗi thời. Chữ đẹp cũng vậy. Chỉ có người lợi dụng cái đẹp mới đáng bị chỉ trích.

Về ý kiến của GS Lanh, tôi hiểu bác không muốn thiên về việc luyện chữ đẹp tốn thì giờ của những việc khác.

Cái đó chấp nhận được. Cái gì quá tải đều không được. Động cơ (mong muốn trẻ viết đẹp) là tốt nhưng cách làm lệch hướng dễ dẫn đến bệnh thành tích.

Dư luận từ trước tới nay đều quan tâm đến chữ viết của người Việt nói chung, học trò nói riêng. Quá trình lịch sử mẫu chữ viết dùng để dạy trong ngành giáo dục cũng trải qua nhiều thăng trầm. Trước năm 1981, chữ truyền thống “có bụng có chân” nhưng khi “cải cách” lại thay đổi.

Năm 1986, chữ viết trở lại “có bụng có chân”. Cho đến năm 2002, Bộ GD&ĐT triển khai chương trình, SGK mới đồng thời ban hành Mẫu chữ viết trong trường tiểu học theo nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp trong xã hội và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. 

Từ khi triển khai mẫu chữ trong nhà trường, chữ viết của học sinh tiểu học đã tiến bộ rõ rệt, đẹp hơn trước, được phụ huynh học sinh rất hoan nghênh, không có điều gì chê trách. Nay không hiểu vì sao lại đưa ra để bàn về chữ đẹp “đã lỗi thời hay chưa”.

Chữ xấu làm khổ người khác

Là người tham gia xây dựng bộ chữ được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2002 dạy cho học sinh tiểu học, xin ông cho biết mục đích của việc dạy viết chữ trong trường học là gì ?


Mục đích, nhiệm vụ chủ yếu của phân môn Tập viết ở các lớp 1, 2, 3 (giai đoạn đầu của cấp tiểu học) được xác định rất rõ là : Rèn kĩ năng viết chữ cho học sinh theo mẫu quy định; Kết hợp dạy kĩ thuật viết chữ với rèn kĩ năng viết đúng chính tả, mở rộng vốn từ ngữ phục vụ cho học tập và giao tiếp, phát triển tư duy; Góp phần rèn luyện những phẩm chất như : tính cẩn thận, lòng yêu thích cái đẹp, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự trọng và thái độ tôn trọng người khác (thể hiện qua chữ viết).

Mẫu chữ đưa ra không nhằm mục đích bắt tất cả học sinh phải viết giống hệt nhau. Đấy là điều không tưởng, triệt tiêu sự sáng tạo. Mẫu chỉ là cái “gốc”, cái chuẩn thôi. Nắm chắc cái chuẩn đó, sau này khi sử dụng, các em sẽ “in dấu ấn cá nhân” của mình vào đó, tạo nên nét riêng của mỗi người.

Nhiều ý kiến cho rằng chữ viết không liên quan đến nết người. Ý kiến của ông như thế nào?

Đúng là nói “nét chữ - nết người” hiểu theo nghĩa “chữ thế nào thì nết người cũng vậy” chưa hẳn đã hoàn toàn đúng.

Bởi nói như thế tức lúc nào nét chữ của tôi đẹp thì tôi là người tốt còn khi chữ của tôi xấu vì phải ghi chép nhanh cho cá nhân hoặc lúc đã già, tay viết run rẩy, thì tôi là người không tốt, không phải. Cần hiểu đúng nguyên văn lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng : “Chữ viết cũng là một sự biểu hiện của nết người”.

Không cần luyện chữ là ý kiến cực đoan

Vậy việc rèn cho học sinh viết đúng, viết đẹp có cần thiết không thưa ông?

Tôi trước sau vẫn giữ quan điểm rèn cho học sinh viết đẹp không có gì sai cả. Chữ viết đẹp còn mang tính thẩm mĩ và rất gần gũi với nghệ thuật. Nhìn vào nét chữ đẹp, ta có cảm xúc thực sự. Trẻ viết cho người khác bằng nét chữ đẹp không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với người cần giao tiếp mà còn bộc lộ sự trân trọng đối với chính bản thân các em. Trong giao tiếp bằng chữ viết, chữ xấu đến mức không đọc nổi thì còn làm khổ, thậm chí nguy hại cho người khác nữa cơ đấy!

“Cái đẹp không bao giờ lỗi thời. Chữ đẹp cũng vậy. Chỉ có người lợi dụng cái đẹp mới đáng bị chỉ trích” - Nguyên chuyên viên cao cấp Vụ GD Tiểu học, Bộ GD-ĐT Trần Mạnh Hưởng nêu quan điểm.

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng phân tích rằng không đâu như ở Việt Nam, có thi vở sạch-chữ đẹp. Ý kiến của ông như thế nào?

Nếu coi đó là hoạt động kích thích sự hứng thú của học sinh, động viên và khuyến khích những em có năng khiếu, nâng cao ý thức rèn luyện trong học tập là tốt. Chỉ không tốt là khi nó mang tính hình thức, vì “bệnh thành tích” mà ép buộc học sinh phải tham gia, chưa thực sự xuất phát từ động cơ nâng cao chất lượng dạy học viết chữ trong nhà trường.

Bản thân tôi cũng nhận thấy gần đây học sinh ở những vùng có điều kiện thuận lợi có hiện tượng quá tải vì “luyện chữ viết”.

Công bằng mà nói, phụ huynh nào cũng muốn con học tốt trong đó có chữ viết sạch đẹp. Nhưng, là một trong những người tham gia xây dựng bảng mẫu chữ được Bộ GD&ĐT ban hành và được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, tôi cũng thực sự lo lắng khi thấy một số em vì phải “luyện chữ cho đẹp” (cho dù khả năng khó đạt được) mà ảnh hưởng đến việc học các môn khác, hạn chế thời gian vui chơi và tham gia các hoạt động bổ ích....

Một cuộc thi đúng mục đích thì có ý nghĩa lắm chứ. Nhiều người cực đoan cho rằng không cần học và dạy học sinh luyện chữ, viết chữ thế nào cũng được vì đã có máy tính rồi. Đưa ra quan điểm này, tôi tin hầu hết giáo viên và phụ huynh sẽ không đồng tình.

Để viết chữ ngay ngắn, rõ ràng theo chuẩn, học sinh cũng phải luyện tập, giáo viên cũng phải dạy dỗ công phu lắm. Nói chữ xấu cũng được miễn sao đánh máy tính giỏi cũng là cực đoan. Có những lúc anh phải giao tiếp bằng chữ viết. Lúc ấy, thử đối chứng giữa người viết chữ đẹp với người viết chữ xấu thì anh sẽ thích ai?

Tôi tin rằng: người được rèn viết chữ đẹp và có khả năng viết đẹp sẽ là người nhìn nhận cái đẹp tốt hơn. Ca sĩ cũng vậy, anh hát rất hay thì cái tai cũng có khả năng thẩm âm tốt. Người họa sĩ giỏi nhìn vào bức tranh sẽ dễ dàng hiểu và cảm nhận được nét vẽ đẹp.

Xin cảm ơn ông!

  • Văn Chung

Mời bạn đọc thảo luận và gửi ý kiến theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn!